Cùng với gaming, nội dung dành cho trẻ em đang là một trong hai xu hướng thu hút lượng lớn người làm nội dung trên YouTube (gọi chung là YouTuber) tại Việt Nam. Với những kênh có lượng subscriber (người dùng đăng ký theo dõi) lớn, số tiền ước tính thu được từ YouTube hàng tháng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến lo ngại từ phía các bậc phụ huynh và các chuyên gia giáo dục về việc kiểm soát nội dung trên các kênh này, khi mục đích thực chất của các YouTuber này là kinh doanh, kiếm tiền chứ không phải là giáo dục, phát triển nhân cách cho trẻ.
'Trẻ em Việt Nam thật khổ'
Dưới góc độ một chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng trẻ em thời nay thực sự khổ khi đứng trước cơn bão mang tên kinh doanh, mà việc đăng tải những nội dung được coi là dành cho trẻ em nhưng không mang tính chất giáo dục là biểu hiện rõ ràng nhất.
Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn về các nội dung không phù hợp trên các kênh YouTube dành cho trẻ em. Ảnh: Thành Duy. |
“Thời nay, nhiều người kinh doanh với mục đích cao nhất là tiền. Việc học hành, phát triển bình thường của trẻ không được coi trọng đúng mực. Quá nhiều thứ bị đồng tiền chi phối. Việc đăng tải những video có nội dung không phù hợp cho trẻ em trên YouTube hay mạng xã hội là biểu hiện rõ ràng nhất. Người ta làm việc đứng ở góc độ kinh doanh chứ không đứng ở góc độ giáo dục hay phát triển cho trẻ em”, bà Hương nhận định.
Nữ tiến sĩ cũng chia sẻ thêm cách đây khoảng 10 năm, có những người đi thu thập tất cả các video quảng cáo về thu thành đĩa, bán cho các bậc phụ huynh với mục đích theo họ nói là để kích thích trẻ tập ăn. Điều này rất không tốt cho trẻ nhưng những người đó không quan tâm, có thể vì thiếu hiểu biết, có thể vì đơn giản đó không phải trách nhiệm của họ.
“Bây giờ mọi chuyện kinh khủng hơn, giá trị đạo đức đảo lộn hơn. Nhiều người sẵn sàng làm những việc không thể chấp nhận nổi. Có phụ huynh than phiền với tôi rằng cho con xem video với tiêu đề là phim hoạt hình nổi tiếng nhưng nội dung bên trong không khác gì phim khiêu dâm”, bà Hương bức xúc.
Trước thực trạng này, nữ tiến sĩ cho rằng ngoài việc trông chờ vào sự tự nhận thức, tinh thần tự giác của những người kinh doanh nội dung, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn, coi trọng việc phát triển nhân cách, đạo đức cho trẻ hơn là điểm số hay thành tích học tập, đồng thời cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát nội dung, chế tài phù hợp để bảo vệ trẻ em trước những nội dung xấu.
“Những người làm ra các video có nội dung không phù hợp và phát cho trẻ nhỏ, đối tượng cần được bảo vệ, có thể là bởi họ chưa có nhận thức đầy đủ, hệ quả của một nền giáo dục chưa hoàn chỉnh. Chúng ta không thể để chuyện tương tự tái lập ở những thế hệ sau”, bà Hương kết luận.
Kiếm trăm triệu/tháng từ việc làm video cho trẻ em
Trong số 50 kênh YouTube có lượng subscriber lớn nhất Việt Nam hiện nay, theo Socialblade, có ít nhất trên 10 kênh hướng tới đối tượng người xem là trẻ em. Trong số này, có những kênh đặc biệt nổi bật như Thơ Nguyễn với hơn 1,4 triệu lượt theo dõi (xếp thứ 8), POPs Kids với hơn 1,3 triệu lượt theo dõi (xếp thứ 11).
Đáng chú ý, kênh Thơ Nguyễn mới chỉ ra đời chưa đầy một năm (từ ngày 3/6/2016), nhưng đã có lượng subscriber cực lớn, với số lượt xem video gần đạt mốc 650 triệu, tính đến ngày 26/5.
2 trên 11 kênh YouTube có lượng subscriber lớn nhất tại Việt Nam là dành cho đối tượng trẻ em. Ảnh: Socialblade. |
Anh Nguyễn Lạc Huy, người đứng đầu Schannel - một kênh YouTube lớn tại Việt Nam (xếp thứ 34 về lượng subscriber) - nhận định với số lượng subscriber như của kênh Thơ Nguyễn, ê-kíp thực hiện có thể nhận được 200-300 triệu đồng/tháng từ YouTube.
“So với số lượt xem, doanh thu này không phải là cao, bởi các kênh dành cho trẻ em được YouTube đánh giá là nội dung không thân thiện với quảng cáo nên không phân bố nhiều. Với các kênh có nội dung thân thiện với quảng cáo hơn, thu nhập có thể cao gấp 3-4 lần”, anh Huy cho hay.
Tuy nhiên, số tiền nhận được từ YouTube chỉ là phần thu nhập nổi của đa số các kênh nổi tiếng hiện nay. Theo anh Huy, 2/3 thu nhập của chủ các kênh này đến từ bên ngoài, chẳng hạn tiền quảng cáo của các nhãn hiệu, hoặc chủ kênh tự buôn bán các mặt hàng giới thiệu trên video của mình.
Với các kênh YouTube dành cho trẻ em, việc buôn bán các mặt hàng như đồ chơi, các loại bánh kẹo lạ của chủ kênh càng trở nên dễ dàng. Không ít bậc phụ huynh lên tiếng kêu ca về việc con em mình đòi mua bằng được một loại kẹo ngọt nào đó với giá 100.000-200.000 đồng, hoặc các món đồ chơi giá vài trăm nghìn nhân dịp sinh nhật, vì xem video trên YouTube hoặc hâm mộ các nhân vật trong video.
Theo anh Trần Xuân Vinh - quản ký kênh video Vinh Vật Vờ (thuộc lĩnh vực công nghệ, đứng thứ 48 tại Việt Nam về lượng subscriber), việc làm video trên YouTube cho trẻ em đang trở thành xu hướng đơn giản bởi nó mang lại số lượt xem lớn bậc nhất hiện nay.
“Làm video cho trẻ em có lợi thế rất lớn vì trẻ em là đối tượng trung thành, thường xem đi xem lại các nội dung nhiều lần. Các bậc phụ huynh hiện nay cũng có xu hướng cho trẻ xem video để dụ trẻ ăn, hoặc biến video thành bảo mẫu trông trẻ khi cần. Nói cách khác, trẻ em là mảnh đất màu mỡ để làm nội dung YouTube”, anh này nói.
Chia sẻ với Zing.vn, nhiều YouTuber có lượng theo dõi lớn tại Việt Nam đều khẳng định họ đang nuôi ý định nghiêm túc về việc làm video cho trẻ em.
Nội dung khó kiểm định
Thu nhập lớn dẫn đến việc nhiều kênh YouTube cho trẻ em sẵn sàng làm những nội dung mà nhiều người đánh giá là nhàm, không mang tính giáo dục, thậm chí phản cảm, bên cạnh những nội dung hữu ích, được nhiều người đánh giá cao.
Việc một kênh YouTube có lượt xem lớn là Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life bị phạt 30 triệu đồng hồi tháng 1 vì làm nội dung phản cảm là ví dụ. Hay mới đây, nhiều bậc phụ huynh lên tiếng phàn nàn về một video hướng dẫn làm bồn tắm thạch Gelli Baff của kênh Thơ Nguyễn có đoạn nhân vật chính rên rỉ, mà họ cho là không phù hợp với trẻ em.
Trước những lo lắng của các bậc phụ huynh, nhiều kênh video trong số này lý giải nội dung họ làm ra là hướng tới trẻ em, dành cho trẻ em xem nên có thể có những nội dung không hợp mắt người lớn. Họ lập luận rằng những video đó được trẻ em đón nhận, thể hiện ở số lượt xem lớn, nhưng lại bị người lớn “soi” một cách quá đà và áp đặt góc nhìn của người lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trẻ em chưa có nhận thức một cách đầy đủ, luôn cần có sự giám sát và bảo vệ của phụ huynh. Do đó, dù góc nhìn có thể khác, nhưng khi phụ huynh lên tiếng phàn nàn về nội dung video dành cho con em mình, những người làm ra nội dung đó trước hết cần nghiêm túc xem lại cách làm của mình.
“Trẻ em khi xem video không quan tâm nhiều đến nội dung. Chỉ cần màu mè, dễ thương là chúng sẽ thích”, anh Trần Xuân Vinh nhận xét. Đứng từ góc độ một người làm nội dung trên YouTube, anh Vinh cho rằng nội dung dành cho trẻ em của các YouTuber Việt hiện chưa được thực hiện một cách thật sự quy củ.
Mặc dù vậy, anh Vinh cũng cho biết thêm không thể phủ nhận những đầu tư về mặt trang thiết bị, nhân sự, kịch bản và quảng bá để phát triển kênh của chủ sở hữu những kênh này. "Cần tôn vinh những kênh video cung cấp nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục cao với trẻ em, nhưng đáng tiếc, số này ở Việt Nam chưa nhiều", anh Vinh nhận định.