Nobufumi Matsunaga là nhà tư vấn giáo dục, chuyên gia khảo thí chuyên nghiệp và tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị với trẻ em Nhật Bản. Là người cha trong một gia đình “đủ nếp, đủ tẻ”, ông sớm nhận ra những biểu hiện phản kháng của các con và rút ra rằng ở thời điểm đó, người mẹ đóng vai trò quan trọng.
Còn Nakano Hidemi là bà mẹ từng phải trị liệu tâm lý vì cú sốc trước phát ngôn của con gái. Nhiều năm sau, trong một chuyến bà đi công tác, máy bay đi vào vùng không khí nhiễu loạn, bị rung lắc không ngừng. Bà nhanh chóng gửi tin nhắn “tưởng chừng cuối cùng” cho con gái qua LINE và nhận được hồi đáp: “Con đã rất yêu mẹ” kèm theo biểu tượng chim cánh cụt. Mắt bà nhòe đi khi đọc dòng tin nhắn từ “đứa con gái hay xấu hổ ở độ tuổi dậy thì năm nào”.
Sách Thay đổi cách dạy khi con trai lên 10 tuổi của tác giả Nobufumi Matsunaga. Ảnh: H.T. |
Thay đổi cách dạy khi con trai lên 10 tuổi - Nobufumi Matsunaga
Tình cảm của mẹ đối với con trai có nhiều điểm giống tình yêu. Thế nhưng, mối tình ấy dần trở nên đơn phương khi con trai lên 10, độ tuổi dễ nổi loạn. Các bé không còn quen miệng nói “con yêu mẹ”. Thay vào đó, chúng có xu hướng cãi lý, không còn muốn nghe lời.
Không ít bà mẹ sai lầm trong việc ôm quan điểm cố hữu: “Con trai thì phải mạnh mẽ, cường tráng”, nhưng rồi lại “không muốn con trai đi xa”, và luôn giữ thói chất vấn con bằng những câu hỏi buộc tội, phán xét; chưa kịp nghe hết chuyện đã đưa ra kết luận.
Theo tác giả, tôn trọng quyền riêng tư của con, yêu cầu con tự dọn dẹp phòng, không thúc ép học thêm quá nhiều hay dành cho con những chuyến đi để khuyến khích con tự lập là những bí quyết giúp người mẹ vượt qua thời kỳ nổi loạn của con trai.
Cuốn sách gồm 6 chương, được viết từ một người làm cha, nhưng mang đến cho các bà mẹ những bí quyết dễ áp dụng, giúp con đường nuôi dạy con trai bớt chông gai và nhiều niềm vui hơn.
Ông bố Nhật Bản Nobufumi Matsunaga còn là tác giả của cuốn sách Thay đổi cách dạy khi con gái lên 8. Ảnh: H.T. |
Thay đổi cách dạy khi con gái lên 8 - Nobufumi Matsunaga
Nếu mẹ quan tâm con trai như người yêu thì tình cảm dành cho con gái lại giống người bạn thân. Nhiều người luôn tâm niệm rằng nuôi con gái dễ hơn con trai, vì các bé gái thường hiền dịu và “đỡ nổi loạn” hơn.
Nuôi dạy trẻ là một bộ môn nghệ thuật yêu cầu mỗi bà mẹ phải có những kỹ năng riêng. Đồng hành cùng bé gái ở độ tuổi mới lớn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, thậm chí nếu không cẩn thận, có thể nảy sinh mâu thuẫn.
Tác giả cho rằng nên thay đổi cách nuôi dạy khi con gái lên 8 tuổi. Từ góc độ của một người đàn ông trong ngành giáo dục, ông mong “con gái sẽ được nuôi dạy bởi những người phụ nữ có sức hút riêng”. Vậy điều gì làm nên sức hút ấy?
Theo ông, mỗi người mẹ phải dạy con gái nói những lời hay, ý đẹp; biết nấu ăn; dọn dẹp gọn gàng; và quan trọng nhất là phải luôn biết tự tin vào bản thân.
Một trong những bí quyết để có một bé gái ngoan ngoãn và thông minh là tạo thói quen đọc sách cho bé mỗi ngày. Mẹ là người thầy chuẩn mực nhất giúp con gái rèn luyện thói quen ấy.
Con gái tuổi dậy thì muốn nói gì với cha mẹ? là cuốn sách nói lên tiếng lòng của nữ tác giả Nakano Hidemi. Ảnh: H.T. |
Con gái tuổi dậy thì muốn nói gì với cha mẹ? - Nakano Hidemi
Nếu như hai cuốn sách trên được viết từ một người cha viên mãn trong hạnh phúc gia đình với hai con thì cuốn Con gái tuổi dậy thì muốn nói gì với cha mẹ? là tâm tư của một bà mẹ Nhật Bản trải qua cú sốc “như bị ai đó lấy búa gõ vào đầu” khi nghe con gái nói: “Con yêu mẹ vì mẹ là mẹ của con, chứ con không yêu bản thân mẹ”.
Sau cú sốc tinh thần ấy, bà tiếp tục đối diện với tuyên bố nghỉ học của con khi con 12 tuổi. Sai lầm của nữ tác giả Nakano Hidemi là nuôi con theo “thuyết lý tưởng”, nghĩa là chăm chăm làm tròn bổn phận của người làm mẹ nhưng lại không hề biết rằng cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, là tấm gương phản chiếu của con gái.
Ở độ tuổi này, con gái có nhiều điều muốn nói với mẹ, tuy nhiên những rối loạn trong suy nghĩ của con và sự xấu hổ của tuổi mới lớn khiến con khó trải lòng.
Từ đó, bà tự kiểm điểm, nhìn nhận lại và chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Việc con không muốn tiếp tục học cũng không còn là vấn đề quá nghiêm trọng.
Tác giả tìm đến phương pháp trị liệu tâm lý dựa trên nền tảng tâm lý học và tiềm thức, nhưng suy cho cùng, phương pháp nào cũng không thể phát huy hết tác dụng nếu người mẹ không truyền đạt rõ ràng để con gái hiểu mình yêu con hơn bất cứ ai.
Bên cạnh đó, bà không quên nhắc người đọc rằng cha mẹ phải có cuộc sống hạnh phúc, điều này “vô cùng quan trọng đối với thể chất, tinh thần và cả cuộc đời sau này của con”.