Một bệnh nhi được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trao đổi với Tri thức trực tuyến trưa 1/6, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 xác nhận đơn vị này vừa ghi nhận một bệnh nhi 5 tuổi, quê Tiền Giang, tử vong nghi do mắc tay chân miệng mức độ 4, dẫn đến biến chứng.
Bé được chuyển lên TP.HCM từ bệnh viện tuyến dưới. Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu. Tuy nhiên, bé không qua khỏi do tình trạng quá nặng.
Ngay sau đó, bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm của trẻ gửi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để làm xét nghiệm PCR.
Trước đó, ngày 30/5, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một trường hợp trẻ nhỏ tử vong do bệnh tay chân miệng.
Bệnh nhi mới một tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho khan ít. Sau 3 ngày sốt, tình trạng trẻ ngày một diễn tiến nặng, sốt cao kèm nhiều cơn giật mình. Đến ngày thứ 4, bé tử vong.
Nguyên nhân được chẩn đoán là suy hô hấp độ 4, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, viêm não màng não, viêm cơ tim cấp.
Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định số ca tay chân miệng năm nay không tăng quá nhiều so với các năm trước nhưng số ca nặng có dấu hiệu tăng.
Chuyên gia cho hay tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 6, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh càng dễ gặp biến chứng nguy hiểm.
Tay chân miệng thường bị nhầm lẫn với bệnh sốt mọc răng do cùng có triệu chứng chảy nước bọt, kèm sốt. Bệnh cũng thường bị nhầm với sốt phát ban, dị ứng, rôm sảy do trẻ thường nổi vết ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo bác sĩ Quy, để phòng tránh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, phụ huynh cần lưu ý các thao tác khử khuẩn, đeo khẩu trang cho con. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó ít mắc các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Tri thức Trực tuyến giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.