Khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine sáng sớm 24/2, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.
Xa hơn, đây là thông điệp cứng rắn của Điện Kremlin, rằng Moscow quyết tâm phá vỡ cấu trúc quan hệ quốc tế đang tồn tại để chia lại ván bài mới, mà thành bại thế nào sẽ phụ thuộc vào canh bạc của Nga trong chiến dịch ở Ukraine, theo Washington Post.
Bước đi khó lường
Xung đột không phải điều lạ lẫm với châu Âu, lục địa là tâm điểm hai cuộc chiến chấn động nhất lịch sử nhân loại. Vì thế khi tiếng súng của quân đội Nga vang lên sáng 24/2, bóng ma xung đột một lần nữa quay trở lại ám ảnh tâm trí người dân lục địa già.
Cuộc giao tranh ở Ukraine không phải loại sự kiện mà hai bên bất ngờ bị đẩy vào điểm nóng, thực chất chiến dịch là kết quả của một chiến dịch có tính toán kỹ lưỡng.
Giám đốc CIA William Burns từng cảnh báo về chiến dịch này từ chuyến thăm Moscow đầu tháng 11/2021.
Mục đích chuyến đi của ông Burns là nhằm làm rõ ý định thực sự của Moscow, sau khi tình báo Mỹ nắm được thông tin có thể Nga đang toan tính phát động chiến dịch.
Người đàn ông được vũ trang đứng bên chiếc xe quân sự của Nga tại Bucha, gần thủ đô Kyiv hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Khi trở về Washington, vị giám đốc CIA cảnh báo dường như ông Putin đã sẵn sàng hành động. Một phần nguyên nhân bởi Moscow tính toán rằng đây là thời điểm chín muồi, khi phương Tây đang suy yếu và chia rẽ, còn Nga tương đối mạnh.
Nhưng cốt lõi nhất nằm ở mục tiêu lâu dài của Tổng thống Putin với Ukraine, mảnh đất ông Putin coi là một phần của nước Nga nhưng ngày càng hướng về phương Tây, theo New York Times.
"Chính phủ các ông có biết Ukraine rất bất ổn, chưa trưởng thành về chính trị, và NATO rất chia rẽ về đất nước này không? Các ông có biết Ukraine không thực sự là một đất nước chứ? Một phần của Ukraine là Đông Âu, một phần thực sự là của Nga", Tổng thống Putin từng nói với ông Burns vào năm 2008, khi ông này là Đại sứ Mỹ ở Moscow.
Nhiều tháng qua, Mỹ và phương Tây đã liên tục cảnh báo về nguy cơ Nga phát động tấn công Ukraine. Danh sách các biện pháp trừng phạt cũng được phương Tây chuẩn bị sẵn, với cảnh báo sẽ khiến nền kinh tế Nga khốn đốn nếu nổ súng. Nhưng tất cả dường như không đủ.
Các chuyên gia có chung nhận định phương Tây, bất chấp những dấu hiệu căng thẳng ngày càng rõ ràng, đã không lường trước Nga có thể phát động một chiến dịch ở châu Âu.
"Đây là sự kiện đáng kinh ngạc và sẽ mang tới rất nhiều hậu quả. Động thái này sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho Mỹ, phương Tây và cho cả người Nga", Ross Douthat, nhà báo của New York Times, bình luận.
Ông Douthat cho rằng châu Âu, Mỹ và Ukraine đã tính toán sai lầm. Hai bên đã tìm cách xích lại gần nhau với giả định rằng Nga sẽ chỉ gây ồn ào ở biên giới chứ không đi xa hơn.
"Tính toán sai lầm này là có thể hiểu được bởi hành động của ông Putin quá khó lường", ông Douthat nhận định.
Mỹ, nước lớn tiếng nhất cảnh báo về hành động quân sự của Nga, được xem là chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả mà xung đột ở Ukraine mang lại.
Frank Bruni, một nhà báo khác của New York Times, cho rằng diễn biến tại Ukraine là điều không ai có thể tưởng tượng.
"Tôi nghĩ nhiều người vẫn chưa kịp tin vào thực tế. Tôi thậm chí không nghĩ là họ đã cảm thấy sợ hãi và kinh hoàng hay chưa bởi họ vẫn còn đang sốc", ông Bruni nói.
Thay đổi trật tự thế giới
Chiến dịch ở Ukraine thực chất là cuộc đấu tranh vì trật tự thế giới tương lai. Với Điện Kremlin, Ukraine nằm trong không gian ảnh hưởng văn hóa, chính trị của Nga. Bởi nhu cầu bảo đảm an ninh, Moscow sẽ làm mọi thứ để ngăn Kyiv gia nhập NATO.
Trong khi đó với phương Tây, những đòi hỏi của Nga vi phạm những nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới đương đại, cụ thể là chủ quyền của một quốc gia tự định đoạt tương lai của mình.
Phát động chiến dịch tại Ukraine là hành động đầu tiên phản ánh nỗ lực của Moscow phá bỏ trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, xây dựng trật tự mới nơi Nga khôi phục ảnh hưởng ở Đông Âu và các nước Liên Xô cũ.
Nga không kích vào một số khu dân cư ở Ukraine. Ảnh: Reuters & Getty. |
Dmitri Trenin, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Carnegie ở Moscow, cho rằng trong bối cảnh NATO liên tục mở rộng về phía đông, Nga coi Ukraine là phòng tuyến cuối cùng không thể để mất.
Trong dài hạn, cuộc giao tranh tại Ukraine sẽ tái định hình căn bản chính sách quốc phòng của các nước NATO cũng như EU, theo hướng coi Nga là đe dọa hàng đầu.
"Các lực lượng NATO sẽ được tái cơ cấu ở phía đông. Có khả năng Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO", nhà báo Douthat nhận định.
Cái khó của châu Âu trong đáp trả Nga là nhiều quốc gia ở lục địa già phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mua tới 50% khí đốt nước này tiêu thụ từ Nga.
Các chuyên gia cho rằng sẽ có những động lực liên tục đòi hỏi châu Âu độc lập về năng lượng hơn với Nga. Một trong các lựa chọn là sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ, dù rằng chi phí đội lên sẽ không hề dễ chịu.
"Rõ ràng, những biện pháp trừng phạt lúc này là rất kịp thời và cần thiết. Nhưng tôi nghĩ những phản ứng dài hạn có tầm quan trọng lớn hơn nhiều", nhà báo Douthat nói.
Diễn biến ở Ukraine cũng như những hạn chế trong khả năng đáp trả Nga đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden hiểu rõ mức độ dễ bị tổn thương của phương Tây.
"Đây sẽ là cuộc xung đột trường kỳ, không chỉ bắt đầu và kết thúc với Ukraine. Đây nên là lời cảnh tỉnh cho nước Mỹ nghĩ lại về cách tương tác với thế giới, phải làm thế nào để bảo vệ các đồng minh, chuẩn bị cho một tương lai khó khăn mà đa phần người Mỹ còn chưa hình dung tới", nhà báo Farah Stockman của New York Times nhận định.
"Sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác là hành vi đi ngược lại những nguyên tắc mà chúng ta đã cam kết tuân thủ. Đây là hành vi đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích chiến dịch quân sự này hôm 24/2.
Chiến dịch quân sự tại Ukraine đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác mà mọi quốc gia đều theo đuổi. Ngay cả Trung Quốc - đối tác quan trọng nhất hiện nay của Moscow - cũng phải lên tiếng khẳng định cần tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
"Nếu Nga không thể khuất phục Ukraine, trật tự thế giới mới sẽ có một nền tảng vững chắc và đầy hứa hẹn. Ngược lại, kỷ nguyên mới sẽ thực sự rất nguy hiểm", Washington Post bình luận.