Sau 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã nhận được 209 bài viết của 154 tác giả đến từ khắp mọi miền trên cả nước. Ban tổ chức đã có buổi tổng kết và trao giải vào sáng 4/10 tại văn phòng báo Tuổi trẻ.
Cuộc thi được tổ chức bằng hai hình thức: bài viết và clip. Tuy nhiên, BTC quyết định chỉ trao giải cho thể loại bài viết do các clip dự thi đều chưa đạt yêu cầu.
Đại diện BTC - ông Lê Thế Chữ, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho biết: "Cuộc thi lần này ghi nhận sự nhiệt tình, tìm tòi của những cây bút nghiệp dư trên cả nước. Các tác giả đã không quản ngại đến những vùng xa xôi hẻo lánh. Ngay cả việc quan sát từ những góc khuất, con hẻm đâu đó trong các đô thị để tìm ra nhân vật, tấm gương mang nghĩa cử cao đẹp. Dù có được giải hay không nhưng những nhân vật đã truyền tải được thông điệp ý nghĩa về giá trị nhân văn trong cộng đồng. Họ chính là những người đang bền bỉ gieo hạt mầm yêu thương và niềm tin cho mọi người".
Tác giả và nhân vật trong bài viết “Ông Mỹ vá đường” giành giải nhất của cuộc thi. |
Ban tổ chức đã chọn ra 12 bài viết vào chung khảo cuộc thi và đã lần lượt giới thiệu trên báo Tuổi trẻ. Kết quả: Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng cho bài viết Ông Mỹ vá đường (tác giả Thanh Ba), 2 giải Nhì trị giá 3 triệu đồng: bài viết Người vá những nụ cười (tác giả Bình An) và Nối dài ước mơ cho người điếc (tác giả Hạnh Nguyên) cùng 3 giải Ba cho các bài viết: Thu gom ve chai làm từ thiện (tác giả Vân Anh), Ước mơ 180.000 quyển tập cho trẻ em nghèo (tác giả Lê Ngọc Phương Thanh) và Nồi cơm thầy Hiếu (tác giả Lê Trịnh).
Ngoài giải thưởng dành cho bài viết, các nhân vật trong bài cũng nhận được giải thưởng trị giá tương đương với tác giả.
Tác giả Thanh Ba (bên phải) và ông Phạm Thế Mỹ - nhân vật trong bài viết “Ông Mỹ vá đường” trong buổi nhận giải thưởng. |
Tại buổi lễ, ngoài tác giả, BTC còn mời thêm một số nhân vật trong bài về TP.HCM giao lưu cùng bạn đọc. Đó là ông Phạm Thế Mỹ, 65 tuổi, ngụ tại thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - người đã hơn 20 năm vá đường không công cho bà con lối xóm; thầy giáo Phan Công Hiếu, 38 tuổi, hiệu trưởng trường tiểu học Đăng Hà, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - người đã không cầm được nước mắt khi nhìn bữa ăn trưa của học trò chỉ là những nắm cơm được gói trong lá chuối với chútlạc vừng. Nhiều em không có cơm ăn đã ngất xỉu trong lớp, thầy cô phải đi mua mì gói chống đói. Cũng có nhiều em phải xa thầy cô, xa con chữ. Thương học trò, thầy Hiếu đã vận động tổ chức bếp ăn cho các em.
Đã có rất nhiều những tấm lòng như thế đến với cộng đồng. Họ cho đi một cách vô tư mà không bao giờ nghĩ mình sẽ nhận lại được gì. Ông Phạm Thế Mỹ - nhân vật trong bài viết Ông Mỹ vá đường chia sẻ lí do thực hiện công việc của mình: "Hồi năm 1990, những con đường đất cát, đất bồi ở đây nham nhở, mùa nắng bụi bay mù mịt, mùa mưa lầy lội. Mỗi đợt lũ tràn về đường đất lại bị cuốn phăng, bà con đi lại rất vất vả. Nghĩ đến cảnh khổ cực ấy, tôi nảy ra ý định sẽ dành thời gian mỗi ngày vài giờ để vận chuyển đất, đá tu sửa cho những đoạn đường nào bị hư hại”.
Bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Marketing Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News trao giải Ba cho các tác giả và nhân vật đoạt giải trong cuộc thi. |
Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Marketing - Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt cho biết: “Do bị hạn chế về dung lượng chữ nên những bài viết tham dự cuộc thi, kể cả những bài viết đạt giải chưa thể nói hết được những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng cao quý của các nhân vật. Những nhân vật và những câu chuyện như vậy chính là những tấm gương mà First News đang tìm kiếm cho Tủ sách Hạt giống tâm hồn trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, chúng tôi muốn khai thác sâu hơn, theo một hình thức nào đó như đã từng thực hiện với quyển sách Tìm lại tình yêu cuộc sống vừa rồi”.