Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh Phạm Lực và 'nhà sưu tập' đặc biệt

Đúng dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, người yêu hội họa một lần nữa được chiêm ngưỡng những tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Phạm Lực trong cuộc triển lãm tổ chức tại Hà Nội.

Nhân dịp sự kiện, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nhà sưu tập "trung thành" những tác phẩm của Phạm Lực trong gần 2 thập kỷ gửi tới Zing.vn bài giới thiệu của ông về người họa sĩ này:

“Hoa đất Việt” là một cuộc triễn lãm nhỏ của một họa sĩ lớn nhân Ngày phụ nữ quốc tế 8/3. Đây là một họa sĩ vẽ nhiều vô tận về những người phụ nữ bình dị, về những người vợ, người mẹ Việt Nam. Ông chính là họa sĩ Phạm Lực.

Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế, nhưng sống toàn bộ tuổi thơ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh - quê ngoại của ông. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chương là chắt của đại thi hào Nguyễn Du. Có thể, đây là nguồn gốc sâu xa của tài năng mà ông có được. Điểm khác nhau giữa ông và cụ tổ đàng  ngoại là: Nguyễn Du mô tả cuộc sống bằng ngôn từ và vần điệu; Phạm Lực mô tả cuộc sống bằng đường nét và màu sắc.

TS Si Dung suu tap tranh Pham Luc anh 1

Cuộc sống mà ông mô tả là những gì diễn ra trong thế kỷ XX và một phần của thế kỷ XXI. Đây là khoảng thời gian của muôn vàn những sự kiện, muôn vàn những xô đập và biến động. Trong một bối cảnh như vậy, rất nhiều điều về thân phận của người phụ nữ, về sướng khổ của kiếp làm vợ, làm mẹ rất dễ bị bỏ qua, bị quên lãng. Đó âu cũng là lẽ thường tình, là điều dễ được biện hộ. Rất may, với sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ Phạm Lực, những điều này đã được ghi nhận lại và trở thành bất tử.

Sự nghiệp sáng tạo của Phạm Lực chính là cầu nối giữa hai thế kỷ, giữa chúng ta với quá khứ, và có lẽ, cả với tương lai của chính mình. Tranh của họa sĩ Phạm Lực mô tả những góc khuất của chiến tranh, những cảnh làm ăn tần tảo, những trạng thái tâm lý đa dạng, đa chiều và cả những vẻ đẹp dung dị, thuần kiết của những người phụ nữ Việt Nam. Tất cả đều sinh động, đều chân thực đến nao lòng!

Tranh của ông là sự kết hợp kỳ tài  giữa kỹ thuật của hội họa Pháp (có sự ảnh hưởng của Trường Mỹ Thuật Đông Dương thành lập năm 1924) và của hội họa truyền thống Việt Nam. Ông vẽ khỏe khoắn, bạo liệt, đẩy sự hài hòa của đường nét và màu sắc đến điểm tận cùng của chúng. Đây là một sự hài hòa mong manh như làm xiếc trên giây. Nhấn thêm một chút hoặc bớt đi một chút sẽ không còn là đỉnh cao, là sự khôn cùng. Và đây chính là điều làm nên sự đặc biệt, sự mê hồn của tranh Phạm Lực.

TS Si Dung suu tap tranh Pham Luc anh 2

Tôi vẫn nhớ cái nhân duyên đặc biệt của mình với Phạm Lực bắt đầu từ năm 1997. Lúc đó, trên đường ra sân bay đi công tác, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi những bức tranh đang được bày bán dọc bờ đê với những đường nét, hình khối rất lạ, và ấn tượng. Tôi đã quyết định dừng lại vào mua một vài bức và gửi về tặng vợ. Sau khi từ nước ngoài trở về, tôi đã trở lại cùng vợ và mua thêm nhiều tác phẩm khác.

Sau này, hoạ sĩ Phạm Lực cho biết khi ấy ông còn tưởng hai vợ chồng tôi là… Việt kiều vì thời đó “hiếm có người Việt nào mà thích sưu tầm tranh lắm”. Từ những cuộc trò chuyện, hai người đồng hương (quê ngoại của hoạ sĩ Phạm Lực ở Nghệ An còn tôi cũng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này) đã kết thành bạn bè, anh em, đồng chí thân thiết. Trải qua gần hai thập kỷ, người vẽ tranh và người mê tranh vẫn còn giữ những tình cảm gắn bó, cùng nhau chia sẻ niềm đam mê về hội hoạ và tình yêu dành cho người phụ nữ Việt Nam. 

TS Si Dung suu tap tranh Pham Luc anh 3

Cho tới nay, tôi đã sưu tập gần 800 tác phẩm của Phạm Lực. Và triễn lãm “Hoa đất Việt” được tổ chức đúng ngày 8/3 tại số 8 Tràng Thi, Hà Nội chắc chắn sẽ là cơ hội đáng giá để người yêu hội họa thưởng thức một mảng tác phẩm đặc biệt của người họa sĩ này. Đó là những bức tranh về người phụ nữ.


TS Nguyễn Sĩ Dũng

Bạn có thể quan tâm