Việc TP.HCM tụt hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn 2017-2019 khi giảm từ hạng 8 xuống 14 là một trong những nội dung được thảo luận tại phiên họp HĐND TP ngày 10/7. Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho rằng không nên lấy việc rớt hạng PCI để nhìn nhận chung về môi trường kinh doanh tại TP.HCM.
Tham khảo để cải thiện thay vì xếp hạng
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nêu ý kiến chỉ số PCI được xây dựng với mong muốn phản ánh tiếng nói của khối doanh nghiệp trong việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Để xây dựng chỉ số PCI, đơn vị thực hiện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phỏng vấn hơn 10.000 doanh nghiệp bên cạnh sử dụng số liệu thứ cấp.
Theo ông Quân, kỳ vọng của doanh nghiệp với từng tỉnh, thành là khác nhau và ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. “Học ở trường ít tên tuổi và đại học hàng đầu sẽ có kỳ vọng hoàn toàn khác nhau”, đại biểu lấy ví dụ và nhận định phải chăng doanh nghiệp đặt kỳ vọng cao hơn với chính quyền TP.HCM.
Đại biểu Quân đồng thời đặt câu hỏi tại một tỉnh có chỉ số PCI cao, việc phát triển doanh nghiệp tư nhân có thật sự tốt hơn địa phương có thứ hạng thấp hơn. Ông này dẫn chứng nghiên cứu của chính mình về sự tương quan giữa chỉ số PCI và sự phát triển các doanh nghiệp địa phương vào năm 2014 đã được xuất bản.
Đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp dựa trên mức độ gia tăng của 4 yếu tố gồm số lượng doanh nghiệp, tổng lượng vốn, tổng tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, tổng doanh thu thuần, nghiên cứu này cho thấy không có sự khác biệt giữa 2 tỉnh đứng đầu về PCI (Đà Nẵng, Lào Cai) và 2 địa phương có PCI thấp hơn (TP.HCM, Đắk Nông).
“Điều này không có nghĩa chỉ số PCI hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng phải chăng nên xem đây là một chỉ số tham khảo. Chúng ta cho điểm hoàn thiện chất lượng môi trường kinh doanh của TP năm nay so với năm trước, phấn đấu năm sau hơn là xếp hạng giữa các tỉnh thành. Khi có cái nhìn chính xác, sẽ có cách tiếp cận đúng hơn”, vị đại biểu nêu quan điểm.
TP.HCM nằm ngoài top 10 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019. |
Chưa đánh giá hết môi trường đầu tư
Phát biểu sau đó, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết điểm giai đoạn 2017-2019, PCI của TP.HCM vẫn tăng điểm nhưng mức tăng thấp hơn so với các tỉnh thành khác dẫn đến thứ hạng không đạt được kết quả như mong muốn.
Bà Mai đồng tình với quan điểm của đại biểu Quân, cho rằng chỉ số này chưa cho thấy sự liên quan với tình hình phát triển doanh nghiệp của TP.HCM.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP, quy mô khảo sát quá nhỏ khi chưa đến 10.000 doanh nghiệp được lấy mẫu trên cả nước. Trong khi đó, riêng tại TP.HCM đã có hơn 428.000 doanh nghiệp.
“Thu hút FDI của TP.HCM luôn trong nhóm dẫn đầu, số lượng doanh nghiệp chiếm 1/3 cả nước. Chỉ số PCI chưa đánh giá hết sự phát triển, tính hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh của TP.HCM”, bà Mai phát biểu.
Dù vậy, bà khẳng định TP.HCM vẫn nhìn nhận, đánh giá kết quả PCI và đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số này. TP.HCM sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp trong 6 tháng cuối năm để tiếp tục nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, sự hài lòng cho doanh nghiệp.
Một số giải pháp gồm công khai minh bạch thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp; tăng cường chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; nâng cao hiệu quả thực thi các thiết chế pháp lý.
Ngoài các nhóm giải pháp chung, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM phối hợp với từng sở, ngành liên quan để cải thiện từng chỉ số thành phần cấu thành PCI.
Dẫn chứng chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM luôn đứng đầu cả nước, bà Mai cho rằng đây là minh chứng cho việc TP luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.