Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

200.000 lao động tại TP.HCM có thể bị mất việc đến cuối năm

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, dự báo khoảng 180.000-200.000 người lao động của 14.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP có thể mất việc làm.

Phát biểu trước HĐND TP.HCM sáng 10/7, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Lê Minh Tấn thừa nhận đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp và người lao động tại TP.

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, dự báo việc làm của khoảng 180.000-200.000 người lao động của 14.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP có thể bị cắt giảm.

Để giải quyết vấn đề việc làm, ông Lê Minh Tấn cho biết Sở đề ra nhiều giải pháp như tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm để người lao động và doanh nghiệp gặp nhau; tăng cường đào tạo, dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Ông Tấn cũng kiến nghị giữa doanh nghiệp và người lao động nên có sự chia sẻ. "Doanh nghiệp không nên cắt giảm, buộc thôi việc mà nên luân phiên lao động để người lao động gắn bó cùng doanh nghiệp", ông Tấn phát biểu.

lao dong mat viec anh 1

Nhiều công ty lớn tại TP.HCM như PouYuen, Huê Phong mới đây cắt giảm hàng nghìn lao động. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, đối tượng lao động nữ sẽ được chú ý đặc biệt. Các doanh nghiệp sẽ không cắt giảm lao động nữ đang mang thai hoặc con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Sở sẽ đảm bảo 6 trụ cột an sinh xã hội của TP.HCM với 3 tầng chính là lao động việc làm, chính sách xã hội (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), chính sách cho người có công để hỗ trợ người lao động và nhóm người yếu thế vượt qua những tháng khó khăn cuối năm.

Về kết quả hỗ trợ cho những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP.HCM, ông Tấn cho biết đã giải quyết hỗ trợ hỗ trợ 515.000 đối tượng, đạt 96% kế hoạch với tổng kinh phí 564 tỷ đồng.

Ba nhóm đối tượng yếu thế nhất là người có công với cách mạng, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ 267.300 người, đạt tỷ lệ 100% với kinh phí 316 tỷ.

Các nhóm đối tượng khác nhận hỗ trợ gồm 272.400 người với tổng kinh phí 248 tỷ đồng. Trong đó, 44.500 người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương đã được hỗ trợ, chiếm 97%. Khoảng 12.000 giáo viên mầm non, nhóm trẻ độc lập ngoài công lập đã được giải quyết, tỷ lệ 92%. Đối với lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động, đến nay 178.800 đã được giải quyết hỗ trợ, đạt 94%.

Có khoảng 20.000 lao động tự do là đang tạm trú tại TP.HCM và thường trú tại các tỉnh. Theo quy định, nếu muốn nhận hỗ trợ tại nơi tạm trú, phải có xác nhận chưa hưởng chính sách hỗ trợ tại nơi thường trú. Tuy nhiên, việc xác nhận còn chậm. Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội phấn đấu đến 20/7 sẽ giải quyết xong cho nhóm này.

Với đối tượng bán vé số tự do, TP.HCM đã hỗ trợ 20.500 người, đạt tỷ lệ 92%. Khoảng 40% người bán vé số dạo cũng là đối tượng tạm trú nhưng TP đã ưu tiên giải quyết trước cho nhóm này.

Ngoài ra, Sở còn thống kê được 98.300 người buôn bán nhỏ, bán quần áo, giày dép, tạp hóa, thời trang, trái cây, thợ hồ, thợ mộc ngoài 6 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ. Sở Lao động Thương binh Xã hội đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp tham mưu UBND TP về chính sách hỗ trợ nhóm này với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ.

Có nên thu thuế tiền trợ cấp mất việc của gần 3.000 công nhân PouYuen?

Người lao động trong danh sách bị cho nghỉ việc của PouYuen Việt Nam đang lo lắng khi khoản tiền trợ cấp mất việc của họ bị tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm