Xử lý cán bộ làm trái luật là một trong những vấn đề làm nóng hội trường thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 29/10.
Góp ý cho kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận Đảng đã nhận thấy và chỉ ra hết vấn đề chuyển đổi cơ cấu trong nghị quyết, thế nhưng gần 20 năm vẫn không làm được.
Theo ông, quá trình hoàn thiện thể chế còn chậm chạp, đại biểu cũng đề nghị làm rõ quan điểm trong quá trình cơ cấu lại.
"Nếu chúng ta không nhất trí quan điểm cho rõ thì rất khó làm, bởi vì làm xong, 5-7 năm sau lại kết luận là sai. Nếu sai vì tiêu cực, vì tham nhũng thì phải nghiêm trị. Nhưng sai vì chính sách, luật pháp thay đổi thì có thể xử lý nếu gây thiệt hại, còn không thì kỷ luật", ông đề nghị.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông cho rằng thể chế thì phải có thử nghiệm, hiện nay, chính nghị quyết của Đảng cũng cho phép, kêu gọi mạnh dạn thử nghiệm. Do đó, luật sư đề nghị xem lại những trường hợp mà công an, viện kiểm sát không chứng minh được có tư túi hay vụ lợi.
Nhiều vụ việc, sai phạm xuất phát từ việc luật pháp thay đổi quá thường xuyên. Ông dẫn chứng trong báo cáo về cơ cấu lại nền kinh tế, giai đoạn 2016-2020 có 234 văn bản, 26 luật các loại được ban hành; nếu tính cả Quốc hội khóa XIII là 70 luật. Tức là, 10 năm có 100 luật được ban hành. Những văn bản này cũng có thay đổi nên có việc vào thời điểm làm không sai, nhưng vài năm sau luật thay đổi lại thành sai.
Tranh luận về ý kiến này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng khi cuộc sống xuất hiện những vấn đề có tính đặc thù, chưa phù hợp với cái chung thì cách giải quyết là trường hợp nào muốn làm trái luật thì xin thí điểm.
"Mình phải có đề án để làm trái chứ không phải không nói gì cả rồi cứ làm, làm trái xong nói 'vì tôi muốn làm đổi mới thể chế nên không được kỷ luật tôi' thì không đúng. Tôi nghĩ nên làm rõ cái này, không phải cứ làm trái rồi lấy lý do phát triển", ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định khi làm trái quy định, ít nhất trong tập thể phải báo cáo cấp ủy, cho thấy chính sách này không hợp lý và có quyền làm khác. Còn nếu cái "khác" này liên quan đến hướng dẫn của Chính phủ thì đề nghị làm trái nghị định, không trái luật; nếu trái nghị quyết của luật thì xin thí điểm.
"Những việc làm trái luật pháp, nếu có ý thức đầy đủ thì chúng ta phải lập tức có ý kiến công khai đàng hoàng, còn khi mình trình bày rồi mà trên không cho làm thì đành chịu, chứ không nên xác định là làm trái nhưng không tư túi. Anh không tư túi nhưng anh gây hại thì đấy cũng là trách nhiệm trước xã hội chứ", ông Nhân lập luận.
Ông dẫn chứng vừa qua, thành phố muốn làm khác luật nên đã đề nghị "làm trái" theo Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thành phố không làm vĩnh viễn mà chỉ trong thời hạn 5 năm.