Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận về việc có nên áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư

Một số đại biểu ủng hộ việc nhà chung cư phải có niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, một số băn khoăn về việc khi hết niên hạn sử dụng thì các bước tiến hành cải tạo thế nào.

Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi). Ở dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo là Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng các nội dung bổ sung trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện.

Trong khi đó, một số đại biểu khi thảo luận cho rằng cần thiết phải có quy định sở hữu nhà chung cư để tạo thuận lợi cho việc tháo dỡ, tái định cư cho những chung cư đã xuống cấp, hư hỏng.

Cần thiết quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề ở cải tạo chung cư cũ liên quan mật thiết đến thời hạn chung cư. “Tôi tán thành phải có thời hạn chung cư. Còn thời hạn thực tế liên quan đến thiết kế tòa nhà, có thể trước hay sau thời hạn”, Bí thư Hà Nội đề xuất.

“Vừa qua, Hà Nội lo vì sợ rủi ro cháy nổ, động đất thì không biết hậu quả thế nào. Bên cạnh đó còn thực tế nhiều nhà lắp ghép, cơi nới nên rất áp lực”, ông nêu thực tế và đề nghị tính toán lại việc sở hữu chung cư không có thời hạn.

so huu chung cu anh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.

Ông cũng nhấn mạnh khi đã có thời hạn sở hữu nhà chung cư, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân. Khi chung cư đã quá cũ, không đảm bảo an toàn thì việc cưỡng chế vì lợi ích người dân là bình thường. Ngoài ra, khi có quy định, người dân hiểu đã mua chung cư là phải có thời hạn.

"Hiện nay sở hữu chung cư vô thời hạn, nhưng xuống cấp lại bắt Nhà nước chịu trách nhiệm thì hài hòa lợi ích ở đâu?", ông nói.

Trong khi đó, việc cải tạo chung cư cũ bằng vốn ngân sách thì vô lý, bởi đó là vốn đầu tư công, không phù hợp với luật hiện hành.

Đại biểu Lê Trường Lưu (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) đặt ra mâu thuẫn khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Ông cho rằng muốn cải tạo chung cư cũ thì chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, đặt ra bài toán định giá khi bồi thường là bao nhiêu. Thực tế đã có trường hợp định giá theo thị trường nhưng một số hộ dân vẫn không chấp nhận, rất khó xử lý.

"Tất nhiên ta có phương án tái định cư tại chỗ và mặt bằng giá tương đối bằng nhau để thuyết phục nhưng vẫn có những nhà trong khu căn hộ đặt vấn đề giá cả cao hơn thì xử lý ra sao?”, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đặt câu hỏi.

Cũng phản ánh thực trạng hàng loạt nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng và Nhà nước phải bỏ ngân sách sửa chữa hoặc đàm phán với dân để xây dựng lại, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt vấn đề, nhà chung cư do doanh nghiệp đầu tư để bán không rõ sau bao nhiêu năm thì sửa. Ông đặt câu hỏi: "50 năm nữa doanh nghiệp ấy không còn trên đời, con cháu chúng ta ở trong căn hộ đó mà xuống cấp thì ai sửa? Luật phải có nhiều phương án, như cho bán với thời hạn 30 năm hay bao nhiêu năm thôi".

Đại biểu đề xuất khi bán nhà chung cư nên có quy định phải trích bao nhiều phần trăm mỗi năm. Từ đó, người ở trong chung cư phải đóng góp thế nào để sau 20 đến 30 năm có nguồn sửa chữa, tránh việc doanh nghiệp không còn tồn tại, Nhà nước lại phải bỏ tiền ra sửa.

Đề xuất quy định nhiều dạng thời hạn sở hữu nhà chung cư

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho rằng chung cư là lời giải cho nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn. Luật này có tác động rất lớn nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Người dân sở hữu chung cư cần đảm bảo 2 quyền là sở hữu và sử dụng. Trước đây quy định sở hữu lâu dài nên khó khăn khi cải tạo chung cư cũ, giờ nếu quy định thời hạn nên nhiều tâm lý trái chiều gây lo lăng.

Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng dự thảo đang gây khó khăn và khó hiểu hơn khi quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

so huu chung cu anh 2

Hiện tại, chung cư được quy định thời hạn sở hữu vĩnh viễn. Ảnh: Phạm Duy.

Theo đại biểu, điều này gây tâm lý lo lắng cho người mua khi không biết thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế đó là 50-70 năm hay 90 năm.

Dự thảo cũng chưa rõ tiêu chí chung cư bị hư hỏng như thế nào thì bắt đầu tiền hành việc kiểm định, đánh giá chất lượng. Ngoài ra, nếu thời hạn kiểm định sớm hơn hồ sơ thiết kế thì việc hỗ trợ, bồi hoàn thế nào...

Thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung nhiều phương thức quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư so với dự thảo hiện hành chỉ quy định một phương thức sở hữu là theo kết quả thẩm định.

"Nên bổ sung ít nhất 3 hình thức sở hữu. Một là không xác định thời hạn; hai là xác định thời hạn theo thời hạn sử dụng đất; ba là các bên tự thỏa thuận với nhau, không nên giới hạn một hình thức cụ thể. Song song với việc bổ sung thêm thì cần có quy định hết thời hạn thì trách nhiệm pháp lý thế nào", ông nói.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm