Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tranh luận về bản quyền của sách tóm tắt

Trên các diễn đàn như BookTalk, Reddit, Quora hay Medium, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề sách tóm tắt có hợp pháp hay không.

Sach tom tat anh 1

Các nền tảng sách tóm tắt xuất hiện trên thế giới hơn 10 năm nay, ngày càng được nhiều người sử dụng. Với những ứng dụng trên thiết bị di động hoặc trên web, người sử dụng dễ dàng nắm được ý tưởng chính của một cuốn sách trong khoảng 15 phút, họ thậm chí có thể nghe nội dung ấy trong khi đang di chuyển, hoặc làm việc nhà.

Được ưa chuộng là vậy, song vẫn có những tranh luận trái chiều về trải nghiệm và về bản quyền của sách tóm tắt.

Thị trường sách tóm tắt thế giới

Sách tóm tắt là bản tóm tắt nội dung cuốn sách gốc, giải thích ý tưởng chính, những điểm chính của cuốn sách. Một bản sách tóm tắt sẽ mô tả những ý chính của sách gốc, sử dụng trích dẫn trực tiếp (dung lượng nhỏ), nêu từ khóa, nêu ví dụ hoặc dữ liệu cụ thể giúp minh họa cho điểm chính của sách gốc.

Sách tóm tắt của đơn vị chuyên nghiệp sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm được thời gian, nắm được ý chính, là một gợi ý để người đọc có quyết định đọc sách gốc không. Sách tóm tắt cũng được xem như một dạng review, có thể là bạn đồng hành với người đọc trong quá trình khám phá sách gốc.

Hiện nay, nhiều đơn vị cung cấp nền tảng số sách tóm tắt. Nội dung mà các đơn vị này cung cấp đều là tóm tắt sách phi hư cấu, bài báo, nghiên cứu, bài phát biểu hội thảo.

Sách tóm tắt thường được cung cấp dưới hai dạng: Dạng đọc và nghe (audio, podcast). Một số đơn vị phát triển các nội dung giúp người đọc dễ ghi nhớ sách như Instaread với thẻ ghi nhớ (flashcard), getAbstract với sơ đồ tóm tắt sách…

Các đơn vị làm sách tóm tắt chuyên nghiệp thường cung cấp đa nền tảng, người sử dụng có thể đọc trên web, dùng thiết bị di động với các hệ điều hành iOS, Android.

Chất lượng tóm tắt sách của các đơn vị chuyên nghiệp thường được đánh giá cao. Nội dung này do người đọc sách gốc, sau đó sử dụng ngôn ngữ của mình để viết tóm tắt, đưa ra nội dung chính theo trải nghiệm của họ về cuốn sách. Trong khi đó, phần audio thường do AI đảm nhiệm.

Thị trường sách tóm tắt ở nước ngoài đã hình thành từ khá lâu, hiện sôi động. Blinkist là ứng dụng phổ biến nhất, với cộng đồng 19 triệu người sử dụng. Điều này cho thấy nhu cầu được biết nội dung chính một cuốn sách mà tiết kiệm thời gian là rất lớn.

Một số đơn vị phát triển tốt với doanh thu không nhỏ. getAbstract có doanh thu khoảng 30,4 triệu USD mỗi năm. Blinkist doanh thu ở mức 28 triệu USD năm 2018…

Sach tom tat anh 2

getAbstract là ứng dụng cung cấp sách tóm tắt được nhiều người sử dụng. Ảnh: Y Nguyên.

“Không gì thay thế được việc đọc sách thật sự”

Không thể phủ nhận việc các website hay ứng dụng tóm tắt sách mang đến giải pháp cho những người bận rộn trong cuộc sống hiện đại. Song không phải ai cũng cảm thấy sách tóm tắt là một ý tưởng hay.

David L. Ulin, cây bút phê bình sách kỳ cựu của Los Angeles Times đã có nhiều ý kiến chỉ trích đối với các nền tảng sách tóm tắt.

Trong bài bình luận trên tờ Los Angeles Times, ông viết: “Cuốn sách là thứ mà chúng ta phải dành thời gian trải nghiệm, chứ không phải để lướt qua hay phân loại thông tin. Mục đích thiết yếu nhất mà việc đọc sách mang đến chính là sự giao cảm giữa tác giả và người đọc”.

Theo David L. Ulin, các ứng dụng tóm tắt sách như Blinkist, CliffNotes... đánh trúng tâm lý của người bận rộn khi cung cấp toàn bộ nội dung của quyển sách bất kỳ trong “nháy mắt”. Song, điều này làm bào mòn đi tính hấp dẫn, những dấu ấn mà tác giả gây dựng nên.

“Điều tôi tìm kiếm ở một cuốn sách là cách các tác giả sắp xếp thế giới của họ, những thách thức mà họ đánh động vào người đọc. Đọc tóm tắt cũng như chẳng đọc được gì, không gì thay thế được việc đọc một cuốn sách thật sự”, Ulin viết.

Bình luận trong bài đăng về vấn đề này trên Quora, biên tập viên kỳ cựu của AP Dan Robrish chia sẻ: “Việc tóm tắt cuốn sách dày hơn 600 trang chỉ với vài cú lướt điện thoại khiến nhiều người dễ bỏ qua những tuyệt tác. Hãy tưởng tượng tác phẩm kinh điển gói gọn trong vài dòng thì làm sao thấy được vẻ đẹp của chúng, ai còn ham muốn đọc sách nữa”.

Không ít ý kiến cho rằng các ứng dụng tóm tắt càng ủng hộ việc xem sách như công cụ hào nhoáng để sống ảo mà bỏ qua những giá trị về thẩm mỹ văn học, nghệ thuật.

Viết trên tạp chí văn học Harper’s, nhà phê bình Christian Lorentzen bày tỏ: “Việc xem sách là đạo cụ chụp ảnh câu like đã đủ tồi tệ rồi, nhưng người ta còn tạo nên các ứng dụng tóm tắt để phủ nhận ý nghĩa tồn tại của những cuốn sách thì thật đáng sợ”.

Sach tom tat anh 3

Hình ảnh quảng bá cho ứng dụng Blinkist. Ảnh: Blinkist.

Vấn đề bản quyền của sách tóm tắt

Nhiều người cho rằng khi tóm tắt một cuốn sách, rồi bán nội dung ấy mà không có sự cho phép của tác giả và nhà xuất bản gốc là một sự vi phạm bản quyền. Một số câu hỏi liên quan vấn đề này thường thấy trên các diễn đàn như: “Bán tóm tắt sách có vi phạm bản quyền không?”, “Tại sao sách tóm tắt không vi phạm mà chuyển thể phim lại vi phạm bản quyền?”…

Trong khi nhiều đơn vị cung cấp sách tóm tắt đều không liên hệ bản quyền, thì getAbstract gần như là công ty duy nhất làm việc với các nhà xuất bản.

Chỉ tác giả, chủ sở hữu bản quyền của sách mới có quyền tạo ra các tác phẩm phái sinh từ sách của họ, điều này bao gồm cả bản tóm tắt.

Pamela Koslyn, Luật sư Luật Sở hữu trí tuệ tại Los Angeles, Mỹ

Patrick Brigger, đồng sáng lập getAbstract, từng nói trên Quora: “Hơn bao giờ hết, chúng ta nên tôn trọng quyền sở hữu nội dung gốc… getAbstract làm việc với hơn 600 nhà xuất bản để đảm bảo quyền tóm tắt nội dung mà các nhà xuất bản tạo ra. Chúng tôi chỉ tóm tắt các đầu sách mà chúng tôi đã nhận được quyền từ nhà xuất bản và tác giả để làm như vậy”.

Pamela Koslyn, luật sư luật sở hữu trí tuệ tại Los Angeles, Mỹ, tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề bản quyền sách tóm tắt trên diễn đàn pháp lý Avvo: “Chỉ tác giả, chủ sở hữu bản quyền của sách mới có quyền tạo ra các tác phẩm phái sinh từ sách của họ, điều này bao gồm cả bản tóm tắt”.

Nhiều đơn vị cung cấp sách tóm tắt không đồng quan điểm. Với câu hỏi “Tôi có thể xuất bản bản tóm tắt của một cuốn sách mà không vi phạm bản quyền không?”, trang 1minutebook nêu quan điểm: “Xin hãy nhớ, luật bản quyền bảo vệ văn bản thực tế, không phải ý tưởng. Vì vậy, nếu bạn tóm tắt cuốn sách bằng từ ngữ của riêng mình mà không ‘sao chép và dán’ văn bản từ sách gốc, thì bạn có thể”.

1minutebook dẫn luật bản quyền Mỹ và cho rằng luật này bảo vệ văn bản gốc, không bảo vệ ý tưởng. Do đó, người tóm tắt sách dùng ngôn ngữ của mình kể lại nội dung tác phẩm (ý tưởng sách gốc), mà không sử dụng quá nhiều đoạn văn bản trong sách gốc thì không vi phạm bản quyền.

“Bạn có thể chỉ gặp rắc rối nếu bản tóm tắt của bạn chứa các đoạn dài trích trực tiếp từ cuốn sách”, trích 1minutebook.

Do đó, các đơn vị làm sách tóm tắt thường không dùng bìa sách gốc (bìa sách gốc được luật bản quyền bảo hộ), mà thường tạo ra bìa cho mỗi cuốn sách tóm tắt của mình.

Robert Scott Lawrence, luật sư luật sở hữu trí tuệ tại Irvine, Mỹ, nói trên diễn đàn pháp lý Avvo: “Nếu bạn muốn viết một bản tóm tắt của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, mà không cần trích dẫn từ đó, bạn có thể tự do thực hiện”.

Oscar Michelen, luật sư luật sở hữu trí tuệ tại New York, Mỹ, bình luận: “Bạn có thể chỉ gặp rắc rối nếu bản tóm tắt của bạn chứa các đoạn trích dài trực tiếp từ cuốn tiểu thuyết… Tuy nhiên, trước khi bạn bắt đầu bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đặc biệt là một doanh nghiệp liên quan việc sử dụng tài sản trí tuệ của người khác, sẽ là khôn ngoan nếu bạn ngồi xuống một vài giờ với luật sư để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng”.

Những ứng dụng tóm tắt sách cho người bận rộn

Vài năm qua, nhiều ứng dụng công nghệ tóm tắt sách ra đời, giúp người đọc nắm được nội dung cốt lõi của sách mà không tốn nhiều thời gian.

Người trẻ ở Mỹ nghe sách nói nhiều hơn

Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh ở Mỹ, 41,5% người trẻ tham gia một cuộc khảo sát cho biết họ có sử dụng sách nói.

Y Nguyên - Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm