Tranh luận hành vi 'chống người thi hành công vụ' vụ án Vươn - Quý
Phiên xử phúc thẩm chiều 29/7, HĐXX, các luật sư bào chữa tiến hành phần xét hỏi đối với các bị cáo. Các luật sư làm rõ những nội dung được cho là chưa thống nhất đối với hành vi "chống người thi hành công vụ", "giết người" của gia đình bị can Vươn - Quý.
14h chiều ngày 29/7, HĐXX tiếp tục tiến hành phiên thứ 2 xét xử các bị cáo trong vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Vấn đề đang nhiều tranh cãi và được các bị cáo cho rằng hành vi của mình chỉ là phòng vệ chứ không “chống người thi hành công vụ”, “giết người”, đó là việc cho nổ hai bình gas và bắn súng hoa cải vào đoàn công tác cưỡng chế sáng 5/1/2012.
Bị can Đoàn Văn Vươn tại phiên phúc thẩm chiều 29/7/2013 (ảnh chụp qua màn hình TV). |
Các luật sư bào chữa đã hỏi các bị cáo nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung này. Bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý khẳng định mục đích của hành động trên là nhằm tạo tiếng vang để các cơ quan truyền thông vào cuộc, phản ánh để cấp Trung ương biết đến vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của chính quyền Tiên Lãng đối với gia đình mình.
Đoàn Văn Vươn nói, vì mục đích như trên nên Vươn đã cấm người nhà mình là Quý, Thoại, Sịnh… không được sử dụng đạn cỡ lớn; hai bình gas chôn kích nổ ở khoảng cách xa đoàn cưỡng chế để tránh gây sát thương…
Các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu cho biết thời điểm bị bắt giữ từ ngày 5/1 đến ngày 10/1/2012, các bị cáo không có lệnh bắt giam.
Bị cáo Thương, Báu khai trước tòa: Tại cơ quan điều tra Công an T.P Hải Phòng, hai bị cáo bị ép viết đơn tự nguyện ở lại cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra chứ không phải tự nguyện viết đơn xin ở lại.
Đoàn Văn Vươn nói trước tòa: việc cải tạo đầm bãi hoang hóa để có thể đưa vào sử dụng là một quá trình dài mất rất nhiều thời gian công sức của Đoàn Văn Vươn và người thân trong gia đình. Tổng số tiền gia đình Đoàn Văn Vươn đầu tư cải tạo đầm bãi trong vòng 8 năm mất khoảng 60 tỷ, trong đó, đến thời điểm hiện tại vẫn nợ ngân hàng 300 triệu đồng; nợ của các cá nhân khác (do vay mượn cả gốc lẫn lãi) từ 5 - 6 tỷ đồng.
Bị cáo Vươn cũng khai trước tòa, UBND huyện Tiên Lãng thu hồi trắng đầm bãi của mình mà không bồi thường một đồng nào.
Toàn cảnh phiên xét xử vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” của gia đình bị can Vươn - Quý (ảnh chụp qua màn hình TV). |
Trước đó, TAND TP.Hải Phòng xét xử phúc thẩm vụ kiện hành chính của Đoàn Văn Vươn đối với QĐ thu hồi đầm bãi của UBND huyện Tiên Lãng, đã ban hành bản án hành chính nhưng tới thời điểm Tiên Lãng thực hiện cưỡng chế không có văn bản nào thể hiện việc thực thi bản án.
Trong khi đó, chính quyền Tiên Lãng vẫn kiên quyết ra QĐ cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn vào sáng 05/1/2012.
HĐXX đã đưa ra các câu hỏi và buộc Đoàn Văn Vươn thừa nhận trước tòa về việc trong quá trình cải tạo đầm bãi, Vươn có phá rừng phòng hộ để quai đê lấn biển; có bị chính quyền Tiên Lãng phạt hành chính 5 triệu vào năm 2002; có cho thuê một phần đầm bãi trong diện tích đầm bãi do Vươn quai đê lấn biển mà có.
Đối với các bị hại, các luật sư bào chữa cho các bị cáo hỏi xoay quanh nội dung việc đoàn cưỡng chế đi theo con đường qua nhà Quý để cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn do ai chỉ đạo?; sau khi xảy ra giật kíp nổ khiến bình gas bay lên, ai là người nổ súng trước (đoàn cưỡng chế hay Đoàn Văn Quý)…
Về câu hỏi của luật sư đối với ông Lê Văn Mải: kế hoạch triển khai cho cưỡng chế, nguyên trưởng công an huyện Tiên Lãng từ chối trả lời vì theo ông Mải, theo nguyên tắc ngành, đây là tài liệu mật không được tiết lộ. Ông cũng đã cung cấp cho CQĐT Công an TP.Hải Phòng về bản kế hoạch này.
Các giám định viên có mặt tại phiên tòa được các luật sư hỏi các câu hỏi xung quanh kết luận giám định bốn mẫu vật kim loại do CQĐT Công an Hải Phòng trưng cầu giám định (gồm ba viên bi kích thước 2,5 – 3,5 – 8,0 li thu được tại hiện trường); về kết luận giám định khẳng định độ sát thương của súng do bị can Vươn - Quý tự chế trong khoảng cách 30 mét…
Đối với bị cáo Đoàn Văn Vệ (cháu ruột của bị can Vươn, Quý) liên quan đến vụ án “giết người” với vai trò là người giúp sức. HĐXX đã làm rõ tại tòa hành vi Vệ cầm 10,5 triệu đồng từ Thoại đưa để đi mua hộ súng cho Quý vào ngày 17/12/2011.
15h chiều ngày 18/12/2011, Vệ cho Quý biết Chinh đã mua được súng. Nhưng sau khi biết được mục đích sử dụng súng để chống lại đoàn cưỡng chế, Vệ đã tự động dừng lại, không mua súng giúp Quý mà trả lại tiền cho Thoại tại nhà mẹ đẻ của mình.
Đoàn Văn Vệ cũng khai nhận, ngoài việc nhờ mua súng, Quý còn đưa cho Vệ mẫu vỏ đạn để đi mua. Vệ cho vào túi áo, sau đó chưa kịp trả lại cho Quý.
Sáng ngày 5/1 khi xảy ra vụ nổ súng, Vệ đi lên đê cống Rộc đứng xem. Khi bị bắt, vỏ đạn này vẫn nằm trong túi áo Vệ chứ không phải vỏ đạn Vệ nhặt tại hiện trường như lời khai trước tòa sơ thẩm trước đó.
17h15, Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo và các bị hại, đồng thời kết thúc buổi xét xử thứ hai của phiên phúc thẩm. Ngày mai, 30/7, HĐXX TAND Tối cao tiếp tục xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn.
Theo Vietnamnet