UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo bàn phương án quy hoạch cảng biển vào hôm 7/11. Mục đích của hội thảo này là để Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trước khi quyết định có nên xây dựng cảng Liên Chiểu hay không.
Thay đổi dòng chảy
Ông Siah Gim Lim, Giám đốc Dự án Surbana Jurong - đại diện tư vấn, cho rằng nếu xây dựng cảng Liên Chiểu, tàu thuyền ra vào làm dòng nước sâu bị thay đổi 100 m, ảnh hưởng đến môi trường vịnh.
Bên cạnh đó, việc hình thành cảng Liên Chiểu sẽ kéo lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng... Điều này có thể gây ra các tác động xấu đến hoạt động du lịch tại khu vực này.
Đối với cảng Tiên Sa, nhà tư vấn Surbana Jurong cho rằng đây là địa điểm lý tưởng có sự bảo vệ của khu vực đồi núi xung quanh. Nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì phải mở rộng 5.800 m cầu tàu, đảm bảo tích hợp cảng hàng hóa và du lịch.
Phối cảnh cảng nước sâu Liên Chiểu. |
Ông Siah Gim Lim đề xuất Đà Nẵng nên mở rộng cảng Tiên Sa thay vì xây dựng cảng Liên Chiểu.
"Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải thận trọng khi xem xét. Khi xây dựng cảng cần đảm bảo tầm nhìn từ 50 năm trở lên, có thể bảo vệ được môi trường vịnh Đà Nẵng để phát triển du lịch bền vững", ông Lim nói.
Mở rộng cảng Tiên Sa, Sơn Trà bị đe dọa
Ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (Tedi Port), cho biết Đà Nẵng là 1 trong 3 thành phố được chọn để quy hoạch cảng biển loại A, ngoài Hải Phòng và Vũng Tàu, nên cần hết sức thận trọng.
Chuyên gia này nêu ví dụ về cảng Hải Phòng, Sài Gòn, đều phải chuyển từ nội đô ra ngoài. Trong quá khứ, Đà Nẵng cũng chuyển cảng từ sông Hàn ra Tiên Sa. Tuy nhiên, thời điểm đó, cỡ tàu nhỏ thì việc dịch chuyển ra Tiên Sa là hợp lý.
"Hiện nay, việc mở rộng cảng Tiên Sa là không hợp lý", ông Khang nói và giải thích nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì vẫn phải nạo vét với khối lượng lớn mà lại nạo vào phía bên trong.
Thứ 2, việc mở rộng nâng cao tĩnh không cầu là cực kỳ khó khăn. Thứ 3 là áp lực giao thông nội đô sẽ rất lớn bởi hàng chục nghìn công nhân làm việc tại cảng loại A như vậy.
Ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng hàng hải, lo ngại việc mở rộng cảng Tiên Sa sẽ ảnh hưởng đến vùng hoạt động, huấn luyện của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Kiểm ngư, Cứu nạn hàng hải, Bộ đội Biên phòng.
Khu vực cảng Tiên Sa giáp với bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Mặt khác, quy mô của cảng Tiên Sa nếu mở rộng cũng trong 5.800 m bờ vịnh nên khi có nhiều tàu, thuyền ra vào cảng sẽ bị quá tải.
"Lúc đó, chúng tôi quan ngại rằng quy mô cảng này không đáp ứng được các mục tiêu về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng, du lịch cũng như các hoạt động khác", ông Đạt nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Dân, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, phản đối mở rộng cảng Tiên Sa vì có nguy cơ tác động xấu đến bán đảo Sơn Trà.
Kết thúc hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để có một phương án hoàn chỉnh trình lãnh đạo thành phố xem xét, quyết định.
Năm 2018, UBND Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án cảng Liên Chiểu với số vốn hơn 34.00 tỷ đồng, để thay thế cảng Tiên Sa đang có nguy cơ quá tải. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT đã có nhiều buổi làm việc với địa phương nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên dự án chưa được triển khai.