Chiều 20/6, theo ghi nhận của phóng viên Zing, bảng hiệu đặt ở cổng Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã được khôi phục hiện trạng. Trước đó hai ngày, cổng chùa được đổi tên thành Nghĩa trang Nghệ sĩ.
Bà Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nói với Zing quyết định này được đưa ra sau cuộc họp nội bộ ban chấp hành, gồm Chủ tịch Trần Ngọc Giàu và Phó chủ tịch Tôn Thất Cần.
"Sáng cùng ngày, ban lãnh đạo của Hội Sân khấu TP.HCM đã xuống tận Chùa Nghệ sĩ để xem xét tình hình. Từ trước đến nay, Hội giao cho Ban Ái hữu quản lý và điều hành chùa. Trong ngày 23/6, Hội Sân khấu TP.HCM sẽ có cuộc họp chính thức để thông tin về vấn đề này", nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết.
Chùa Nghệ sĩ tọa lạc ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh minh họa: Hải An. |
Theo Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, việc thay đổi bảng hiệu của Chùa Nghệ sĩ thành Nghĩa trang Nghệ sĩ là chưa chính xác. Vì thế, Hội quyết định khôi phục lại tên cũ.
"Chùa Nghệ sĩ là di tích lịch sử, không thể nào xóa bỏ được. Nơi đây là chốn yên nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ. Hội Sân khấu luôn muốn ngôi chùa được quản lý quy củ, khang trang, sạch sẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với ban quản lý của Chùa Nghệ sĩ", bà Trịnh Kim Chi nói.
Vấn đề đổi tên Chùa Nghệ sĩ thành Nghĩa trang Nghệ sĩ gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều nghệ sĩ gạo cội, khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, lo lắng nếu một di tích quan trọng bị xóa bỏ, lãng quên.
"Từ lâu, Chùa Nghệ sĩ là chốn đi về của nhiều nghệ sĩ và đông đảo người dân địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết. Tôi hy vọng ngôi chùa vẫn giữ tên cũ vì nó đã in sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ", cô Nguyễn Thị Hải, ngụ ở quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ với Zing.
Ngoài ra, Ban Ái hữu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) cũng có nhiều động thái như mời các sư ở trong chùa ra ngoài sống. Các nghi lễ như thắp hương, tụng kinh, mở đèn ở chánh điện cũng bị ngừng lại.
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, Phật Quang Tự) tọa lạc ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đây là nơi an nghỉ của hơn 700 ngôi mộ và hài cốt của các nghệ sĩ cải lương nhiều năm gắn bó với ánh đèn sân khấu.
Theo tư liệu, vào năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động Hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp, TP.HCM để xây nơi an nghỉ cho các đồng nghiệp. Nhưng mãi đến năm 1970, ông bầu Xuân gánh hát Dạ Lý Hương mới bỏ hơn 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng Nhựt Quang Tự.
Hàng năm, vào dịp lễ Vu Lan, các nghệ sĩ từ khắp nơi lại về chùa thăm viếng, biểu diễn từ thiện cho các bà con và du khách thập phương.