Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi về bức tượng trước cửa đại sứ quán Nhật ở Hàn Quốc

Biểu tượng cho các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến ngay trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc đang gây tranh cãi, dù hai nước đã đạt được thoả thuận cho vấn đề này.

Bức tượng bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters>

Seoul và Tokyo hôm 28/12 công bố một thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép vào nhà thổ của quân đội Nhật Bản trước và trong Thế chiến II. Theo đó, Nhật Bản sẽ bồi thường 8,3 triệu USD cho quỹ hỗ trợ 43 phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép làm nô lệ tình dục và hiện còn sống sót. 

Washington Post cho hay, thoả thuận là một tiến bộ bất ngờ nhưng tích cực trong quan hệ hai nước. Trong một động thái thể hiện mức độ nghiêm túc của hai bên, cả Tokyo và Seoul đã thống nhất rằng đây là kết quả cuối cùng và không thể thay đổi.

Tuy nhiên, bức tượng cô gái - biểu tượng cho các nạn nhân vẫn được dựng trước Đại sứ quán Nhật ngay giữa thủ đô Seoul của Hàn Quốc và gây nên những tranh cãi. 

Tượng đồng có kích thước bằng người thật, mô phỏng một cô gái đi chân trần, được dựng từ tháng 12/2011 nhằm đánh dấu cuộc biểu tình lần thứ 1.000 bên ngoài đại sứ quán. Chiếc ghế trống bên cạnh tượng trưng cho những người đã qua đời khi chưa nhận lời xin lỗi đầy đủ từ Nhật Bản. Năm 1993, chính phủ Nhật chính thức xin lỗi về việc sử dụng nô lệ tình dục trong chiến tranh, tuy nhiên nhiều nhà phê bình cho rằng động thái này chưa đủ.

Nhật Bản từ lâu đã yêu cầu di dời bức tượng và nói rằng điều này trái với Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, trong đó kêu gọi nước sở tại bảo vệ các cơ quan ngoại giao. Tuy nhiên, Hàn Quốc kiên quyết bảo vệ.

Tượng được dựng từ năm 2011, đánh dấu cuộc biểu tình thứ 1.000 bên ngoài Đại sứ quán. Ảnh: AFP

"Thay vì nhấn mạnh việc loại bỏ nó, chính phủ Nhật Bản nên nghiêm túc tự vấn rằng tại sao các nạn nhân vẫn tổ chức biểu tình hàng tuần suốt 20 năm qua, không thiếu một tuần nào. Và liệu có thực sự không tìm được cách nào để khôi phục danh dự cho những phụ nữ tha thiết muốn như vậy hay không", Cho Byung-jae, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nói với New York Times.

Với thoả thuận của hai nước, số phận của bức tượng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tờ Chosun Ilbo viết rằng theo tuyên bố được hai bên ký kết, nó sẽ bị gỡ bỏ. 

Theo báo Yomiuri Shimbun, Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra khẳng định tương tự. Nhưng Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se được cho là đã nói với phóng viên rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết "thông qua đàm phán với các nhóm công dân liên quan". Nhiều người tỏ ra tức giận về sự mơ hồ này.

"Bức tượng là tài sản công cộng, biểu tượng lịch sử đại diện cho tinh thần hòa bình của các cuộc biểu tình đã được người sống sót và các công dân khác duy trì trong thời gian qua. Chính phủ Hàn Quốc không thể đề cập đến việc loại bỏ hoặc di dời nó", Hội đồng dự thảo về vấn đề nô lệ tình dục cho biết. 

Nhật Bản có thể chưa yêu cầu bỏ bức tượng ngay lập tức, nhưng số phận cuối cùng của nó được coi là vấn đề quan trọng với quốc gia này, nơi nhiều người cảm thấy rằng họ đã xin lỗi quá đủ vì những sai lầm trong quá khứ. 


Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm