Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tranh cãi quanh đề xuất học lái xe sẽ có phần chạy trên đường cao tốc

Chuyên gia khẳng định tính cấp thiết về chương trình đào tạo có phần thực hành lái xe trên đường cao tốc, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn điều kiện và tính an toàn.

thuc hanh lai xe cao toc anh 1

Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe và đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.

Trong bối cảnh hàng nghìn km đường cao tốc đang được thi công và đưa vào sử dụng 5 năm tới, đề xuất này nhận được sự quan tâm. Bên cạnh những ý kiến đồng tình bởi sự cấp thiết, chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở hạ tầng đào tạo và tính thực tiễn khi tăng giờ học thực hành.

Cần thiết

Là một tài xế đồng thời là chuyên viên đào tạo lái xe lâu năm ở Hà Nội, anh Hoàng Văn Công cho hay từ khi tiếp nhận thông tin trên từ các phương tiện truyền thông, anh hoàn toàn đồng ý với đề xuất có thêm nội dung thực hành lái xe trên đường cao tốc trong chương trình đào tạo.

Lái ôtô ở cao tốc là nhàn nhất do đường thẳng, tốc độ đều, mật độ xe cộ thấp hơn nên ít phát sinh tình huống bất ngờ.

Chuyên viên đào tạo lái xe Hoàng Văn Công

“Thật ra, lái ôtô ở cao tốc là nhàn nhất do đường thẳng, tốc độ đều, mật độ xe cộ thấp hơn nên ít phát sinh tình huống bất ngờ khi so với các tuyến đường khác. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có độ tập trung cao, bởi khi phát sinh tình huống trên cao tốc đòi hỏi phản xạ rất nhanh do phương tiện đi với tốc độ cao”, anh Công nói.

Dẫn mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình khẳng định tính cần thiết của việc thực hành lái xe trên loại hình đường bộ này. Ông cho rằng lái xe trên đường cao tốc có nhiều điều kiện đặc thù và yêu cầu riêng, hơn nữa khi xảy ra tai nạn tại đây thì thiệt hại rất lớn.

“Tôi thi bằng lái ôtô năm 2007, lúc đó tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều đường cao tốc như hiện nay. Mỗi lần lái xe lên đường cao tốc, tôi cảm thấy rất hồi hộp, do trong quá trình học không có điều kiện đi lên loại đường này”, tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

thuc hanh lai xe cao toc anh 2

Hoàng Văn Công hướng dẫn học viên thực hành lái xe. Ảnh: H.Q.

Trong khi đó, một chỉ huy vận hành tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết đường cao tốc là một loại hình giao thông có nhiều yêu cầu đặc thù như: Chuyển làn, đảm bảo tốc độ tối thiểu và tối đa, dừng đỗ, tránh vượt, đảm bảo kỹ thuật phương tiện, đi vào làn thu phí…

“Các yếu tố trên nếu không được đảm bảo rất dễ dẫn đến tai nạn do các xe lưu thông tốc độ cao. Khi xảy ra tai nạn không chỉ nạn nhân thiệt hại về tài sản và tính mạng mà còn gây ùn tắc kéo dài do đường cao tốc ít các lối giao cắt, xe cộ khó thoát ngay được”, vị này phân tích thêm.

Nơi chưa có đường cao tốc, học viên thực hành ở đâu?

Đồng tình về tính cấp thiết về việc nâng cao trình độ và kỹ năng thực hành cho tài xế trên đường cao tốc, nhưng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, bày tỏ băn khoăn về điều kiện thực hành của đề xuất này.

Chương trình đào tạo lý thuyết hiện có một chương về dạy lái xe trên đường cao tốc.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Hiện chưa có quy định về khu vực cho phép tài xế học thực hành trên đường cao tốc. Nếu đưa học viên trực tiếp lên cao tốc để thực hành là điều không thể bởi tốc độ lưu thông trên cao tốc tối thiểu là 60 km/h, tối đa là 120 km/h, nếu xảy ra sự cố, cả học viên và giáo viên sẽ không thể xử lý kịp.

Ông Quyền cũng phân tích việc trung tâm đào tạo xây riêng trên khu vực thực hành lái xe cao tốc cho học viên cũng là điều thiết khả thi, bởi theo tính toán để đạt được tốc độ tối ưu và có thể xử lý các tình huống thì cần một không gian dài 10-15 km.

“Hiện nay đường cao tốc được đẩy mạnh xây dựng; tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có đường cao tốc thì học viên sẽ phải đi đâu học?”, ông Quyền bày tỏ băn khoăn.

thuc hanh lai xe cao toc anh 3

Các sự cố trên đường cao tốc dễ dẫn tới ùn tắc kéo dài do ít nút giao cắt để xe cộ thoát ra. Ảnh: H.Q.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng việc đưa thêm nội dung vào chương trình đào tạo lái xe có khả năng đội thêm thời gian và chi phí cho người học. Trong khi đó, nguyên nhân xảy ra các sự cố trên đường cao tốc phần lớn xuất phát ý thức tài xế.

"Chương trình đào tạo lý thuyết hiện có một chương về dạy lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ nhiều tình huống”, ông Liên nói và cho rằng cơ quan chức năng không cần đề ra thêm chương trình học mà nên tiếp tục áp dụng công nghệ để phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, nâng cao ý thức cho tài xế.

Nên quy định rõ thời điểm học viên được thực hành

Không đồng tình với quan điểm “không nên cho học viên thực hành lái xe trên đường cao tốc vì dễ gây tai nạn”, tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng việc thực hành lái xe trên đường cao tốc là cần thiết đối với học viên bởi khi được cấp bằng, tài xế phải thuần thục tất cả kỹ năng trên mọi cung đường.

“Trong quá trình học, học viên có sự giám sát chặt của giáo viên mà còn sợ gây tai nạn, vậy khi họ không được thực hành mà đã cấp bằng lái liệu có đảm bảo?”, ông Tạo nói và đề xuất việc lái xe trên đường cao tốc không chỉ cần áp dụng cho chương trình học mà cần áp dụng cho cả khi sát hạch.

Về đảm bảo tính an toàn khi thực hành, ông Tạo cho rằng không bắt buộc học viên phải đi với tốc độ tối đa mà họ có thể chọn làn thích hợp để đi trên cao tốc với tốc độ tối thiểu hoặc tốc độ phù hợp. Đồng thời, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề xuất khi cơ quan chức năng đưa chương trình thực hành lái xe trên đường cao tốc vào áp dụng cần tránh gia tăng thời gian học cho học viên.

Còn chuyên viên đào tạo lái xe Hoàng Văn Công đề xuất đơn vị chức năng có những yêu cầu cụ thể về trình độ của học viên, khu vực thực hành đồng thời bắt buộc sự giám sát chặt của người đào tạo khi thực hành lái xe trên cao tốc.

thuc hanh lai xe cao toc anh 4

Hàng nghìn km cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đang được thi công. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đề xuất của Cục CSGT, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết đơn vị sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất của Cục CSGT để đưa ra những bổ sung phù hợp.

Vị này cho hay giáo trình đào tạo lái xe hiện đã có một chương về đào tạo lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ nhiều tình huống cụ thể.

Thời gian tới, các đơn vị mở rộng đào tạo bằng cabin học lái, trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe, trong đó có khá nhiều bài học hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm