Chiều 15/7, tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Đồng thời, ông Trung cũng kiến nghị cơ quan thực hiện sát hạch, cấp bằng lái phối hợp với lực lượng CSGT và ngành y tế quản lý chặt tài xế, kịp thời phát hiện trường hợp sử dụng ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi bằng lái.
Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải, tập trung vào quy định khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không sử dụng lái xe có sử dụng ma túy, người có tiền sử mắc bệnh tâm thần đang được theo dõi.
Cục trưởng CSGT kiến nghị cần nâng cao chất lượng sát hạch bằng lái xe. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Phân tích các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Cục trưởng CSGT cho biết khung thời gian xảy ra nhiều nhất là vào khung giờ từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau; tập trung chủ yếu tại quốc lộ (chiếm 55,56%). Một số hành vi gây tai nạn hàng đầu là: Đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 21.500 trường hợp vi phạm quá trọng tải; hơn 850 trường hợp dương tính ma túy, gần 104.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 140.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định…
“Việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với chất ma túy hiện nay chủ yếu do lực lượng CSGT phát hiện, xử lý thông qua công tác tuần tra kiểm soát. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành địa phương mà coi đó là nhiệm vụ của lực lượng CSGT…”, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá hình trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm còn nhiều thách thức, nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản gây bức xúc dư luận xã hội.
Ông Hùng lấy ví dụ về vụ tai nạn đường thủy tại Quảng Nam ngày 26/2 làm 17 người tử vong; vụ xe Audi tại Bắc Giang đêm ngày 2/6 làm 3 người chết, nguyên nhân là cán bộ công tác trong ngành GTVT điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia.
Đồng thời, 26 địa phương có số người chết do tai nạn tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.