Theo The Verge, YouTube sẽ không xóa đoạn video phát trực tiếp đang gây nhiều tranh cãi về một vụ xả súng hàng loạt mới đây ở thành phố Boulder, bang Colorado, Mỹ, bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng mạng.
“Sau vụ nổ súng bi thảm hôm 22/3, chúng tôi đã phát hiện một số video về vụ việc. Mặc dù nội dung bạo lực không được phép xuất hiện trên YouTube, chúng tôi vẫn sẽ cho phép hiển thị nếu chúng có đủ bối cảnh tin tức và tài liệu”, phát ngôn viên của YouTube, Elena Hernandez, nói với giới truyền thông.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã áp dụng giới hạn độ tuổi với những video này và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, cô nói thêm.
YouTube cho rằng video ghi lại vụ xả súng mang tính thời sự nên vẫn sẽ cấp phép lưu hành. Ảnh: The Daily Dot. |
Video trực tiếp trên được phát sóng từ khu vực xung quanh siêu thị King Soopers ở thành phố Boulder, nơi xảy ra vụ xả súng khiến 10 người thiệt mạng.
Theo trang Vice, video có lượng người theo dõi trực tiếp lên đến 30.000, và chỉ một ngày sau đã có tổng cộng 585.000 lượt xem. Tác giả video là Dean Schiller, người đã ghi hình từ bên trong siêu thị ngay sau vụ tấn công và tiếp tục ghi âm từ bên ngoài trong hơn ba giờ, bất chấp yêu cầu sơ tán của cảnh sát.
Schiller đã bị cư dân mạng phê phán vì không gọi cho cảnh sát khi có thể hoặc không giúp mọi người chạy khỏi tòa nhà. Thậm chí, một số hãng thông tấn và nhà nghiên cứu chỉ trích anh vì đã đưa ra những suy đoán lệch lạc về động cơ của kẻ xả súng, tiết lộ chiến thuật của cảnh sát và ghi hình thi thể nạn nhân.
Đông đảo cảnh sát bên ngoài cửa hàng King Soopers, phía nam thành phố Boulder, Colorado, khi vụ xả súng xảy ra ngày 22/3. Ảnh: AP. |
Trước đó, Schiller từng tự nhận mình là một nhà báo công dân và đã quay phim nhà tù hạt Boulder, một phần của chuỗi series về hành vi sai trái của cảnh sát. Năm 2019, người này và một quay phim khác bị bắt bỏ tù vì hành vi sai trái của mình.
Các video về những vụ giết người luôn tạo ra khó khăn cho nhà kiểm duyệt, những người có nhiệm vụ phân biệt giữa báo chí có ý nghĩa và nội dung phát tán bạo lực.
Các nền tảng như Facebook và YouTube từng “được lòng” cộng đồng mạng khi nhanh chóng để xóa các video được ghi trực tiếp bởi những kẻ xả súng hàng loạt, như cuộc tấn công vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, vào năm 2019. Nhưng đồng thời, cũng từng bị chỉ trích vì xóa video ghi lại các sự kiện mang tính bằng chứng như các vụ bắn trả cảnh sát.