Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi chuyện khách sạn 5 sao có giấy phép mới được bán rượu

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị xem xét bãi bỏ yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với khách sạn cao cấp 5 sao.

Chiều 22/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với 6 bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Trong đó, vướng mắc được đề cập nhiều nhất liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

de xuat bo quy dinh cam ban ruou bia tren mang anh 1
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng, Chính phủ sẽ không đặt vấn đề "không quản lý được thì cấm". Ảnh: Đoàn Bắc.

Khách sạn 5 sao phải xin giấy phép bán rượu có hợp lý?

Một kiến nghị được Hiệp hội Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam đưa ra, đó là xem xét bãi bỏ yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận xếp hạng sao, ví dụ như khách sạn cao cấp 5 sao.

 Tán thành quan điểm những gì không cần thiết thì phải sửa đổi, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng mục đích của giấy phép chủ yếu là để kiểm soát nguồn gốc rượu, làm thế nào để đảm bảo các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao phải cam kết nguồn gốc rượu không đảm bảo tiêu chuẩn không được đưa vào hệ thống của họ.

 Ông An lý giải đây không phải lạm dụng từ giấy phép, nhưng ông cho rằng trong hồ sơ phải có cam kết là rượu có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đó là điều quan trọng số một.

 Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, xếp sao là đã được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật. Quy định vẫn phải có giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ, nghĩa là cơ sở này vẫn phải đi xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy phép này. Ông cho rằng quy định như vậy là không rõ ràng, mập mờ.

 Giải thích rõ hơn, Thứ trưởng Công Thương nói đánh giá xếp hạng sao liên quan đến chất lượng dịch vụ, còn kiểm soát hàng hóa tiêu thụ, trong đó có mặt hàng rượu là vấn đề khác. Thực tế, ông cho rằng có khách sạn 5 sao chưa chắc không bán rượu lậu, nên phải có cái để quản lý, vì vậy cam kết của cơ sở đó rất quan trọng.

 Chưa hài lòng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu thay vì thủ tục giấy phép, tức là sinh ra các thủ tục không cần thiết, nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

 “Doanh nghiệp phải thông báo thay vì phải xin. Quy định có cả rồi, phải xin gì nữa”, ông Dũng nói. Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị làm thế nào để vẫn kiểm tra, kiểm soát được nhưng giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, như vậy mới là cải cách thực chất, không phải không kiểm soát được mà chúng ta cấm, sinh ra các thủ tục

Kiến nghị bãi bỏ bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam còn đặc biệt là kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet tại Nghị định 105 về kinh doanh rượu và Điều 20 của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo hiệp hội này việc cho phép bán rượu trên Internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp, tăng thu ngân sách.

Mặt khác, nhiều quốc gia trên thế giới như Anh và Mỹ, cũng như ở khu vực châu Á gồm Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản… đều cho phép bán rượu trên Internet.

Ghi nhận ý kiến này, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu thực tế, hiện nay, việc kiểm soát bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên mạng đang rất khó khăn. Kiểm soát thương mại điện tử đang còn bất cập cả về văn bản pháp quy và chế tài.

Theo ông An, nếu trường hợp Quốc hội thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu, bia mà bỏ điều khoản này trong dự thảo thì sẽ sửa Nghị định 105.

“Chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục xây dựng chương trình kiểm soát bán rượu trên Internet để kiểm soát được thực sự”, ông An nói.

Lý giải việc này, ông cho rằng tên tuổi của người bán, người mua trên mạng đều là ảo, không có gì chứng minh người đó, tổ chức đó là thật. Vì thế, cần có chính sách kiểm soát.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến thông qua. Quốc hội đang xem xét về nội dung này, Tổ công tác ghi nhận ý kiến của Hiệp hội.

“Chúng tôi sẽ tham gia theo hướng làm sao thuận lợi nhưng vẫn quản lý được, không đặt vấn đề không quản lý được thì cấm”, ông nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, cũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ là tạo bứt phá cho tăng trưởng năm 2019. Vì thế, Chính phủ, Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội. Các bộ, cơ quan, địa phương cần cải cách mạnh mẽ, thực chất.

Bởi vậy, ông yêu cầu tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, phải tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông chủ Thái Lan bị chất vấn về tin bán Sabeco cho Trung Quốc

Trả lời câu hỏi của cổ đông về thông tin Sabeco đang được bán lại cho Trung Quốc, đại diện ThaiBev bác bỏ tin đồn và nói có thể kiểm tra danh tính các cổ đông nắm giữ cổ phần.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm