Bộ trang phục thi đấu liền thân của các nữ vận động viên thể dục dụng cụ Đức đang trở thành tâm điểm trên mạng xã hội tại Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, quốc gia mà đến nay đa phần đồng phục của nữ sinh vẫn là váy và không ít công sở quy định phụ nữ phải đi giày cao gót, sự phản kháng của các nữ vận động viên Đức trước quy tắc về trang phục thi đấu hở hang nhận được nhiều sự tán dương, theo Reuters.
Nóng bỏng chuyện trang phục thể thao
Những ngày thi đấu vừa qua, đội nữ thể dục dụng cụ Đức tranh tài trong bộ trang phục liền thân màu đỏ trắng. Thực chất, đây là sự kết hợp giữa bộ trang phục thi đấu một mảnh hở chân (leotard) với một chiếc quần legging kéo dài tới mắt cá.
Các nữ vận động viên người Đức tuyên bố họ muốn phản đối tình trạng "tình dục hóa" nữ giới trong thể thao, và rằng phụ nữ có quyền lựa chọn trang phục mà họ cảm thấy phù hợp.
Bộ trang phục thi đấu của các cô gái Đức đã thu hút nhiều tranh cãi cũng như tán dương trên truyền thông nước chủ nhà. Không ít phụ nữ Nhật chia sẻ những câu chuyện cay đắng của họ liên quan trang phục thể thao trong quá khứ.
Trang phục thi đấu liền thân của nữ vận động viên Đức tại Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters. |
"Tôi từng thi đấu trong bộ môn thể dục nhịp điệu. Luôn có hai người đàn ông trung niên có mặt trong những buổi thi đấu, họ chỉ giơ máy lên chụp ảnh khi chúng tôi đưa chân lên", một tài khoản có tên Yuko viết trên Twitter.
"Trang phục một mảnh leotard có thể đẹp và hữu dụng, nhưng thực tế là có những người lợi dụng bộ quần áo vì mục đích xấu như vậy, do đó vấn đề cần được xem xét nghiêm túc", Yuko viết thêm.
Tại Nhật Bản, từng tồn tại một loại quần thể thao bó sát, rất ngắn được gọi là "bloomer" dành riêng cho nữ sinh trong các môn học giáo dục thể chất. Chính loại quần này đã khiến nhiều thế hệ nữ sinh Nhật Bản cảm thấy xấu hổ.
"Chúng tôi từng kiến nghị thay đổi quần bloomer sang quần đùi giống của nam sinh, nhưng giáo viên nam nói rằng 'tất cả nữ sinh phải mặc bloomer' và không có ngoại lệ", một tài khoản khác tên Ste viết trên Twitter.
Đề nghị được mặc quần đùi thay vì bloomer dường như là ý tưởng "không thể chấp nhận được" đối với những người già điều hành trường trung học, một phụ nữ Nhật Bản viết trên mạng xã hội.
Gánh nặng của phụ nữ Nhật
Chiếc quần bloomer giờ đây đã trôi vào dĩ vãng, khi không còn quy định bắt buộc mặc chiếc quần thể dục siêu ngắn này.
Thế nhưng, phụ nữ Nhật Bản vẫn tiếp tục đối mặt những oái oăm trong vấn đề trang phục, bất kể là học sinh tiểu học hay nữ nhân viên văn phòng.
Hồi đầu tháng 3, Ủy ban Giáo dục tỉnh Nagasaki công bố kết quả điều tra chấn động, khi cho biết 60% các trường tiểu học và trung học bắt buộc học sinh mặc đồ lót trắng.
Theo NHK, để kiểm tra xem học sinh có tuân theo quy định này hay không, một số trường cho phép giáo viên, đôi khi là nam giới, bắt học sinh xếp hàng ngay tại hành lang và kiểm tra đồ lót của từng người. Quy định này không có ngoại lệ với nữ sinh.
Các quy tắc về trang phục vẫn là một gánh nặng với phụ nữ Nhật. Ảnh: Japan Today. |
Tại tỉnh Kanagawa, một số trường tiểu học bắt học sinh cởi đồ lót trước khi mặc trang phục thể thao, với lý do đồ lót thấm mồ hôi sẽ không bảo đảm vệ sinh.
Theo Nippon TV, một số giáo viên nam đã bị buộc tội quấy rối tình dục các nữ sinh khi yêu cầu dùng tay kiểm tra kích thước ngực của các em để quyết định có cho phép nữ sinh mặc áo ngực trong lớp thể dục hay không.
Trong thế giới người trưởng thành, phụ nữ Nhật Bản vẫn thường đối mặt những quy định về trang phục tại chốn công sở. Không ít công ty Nhật Bản yêu cầu nữ giới phải đi giày cao gót.
Hồi năm 2019, quy định đi giày cao gót đã làm dấy lên một chiến dịch phản đối trực tuyến có tên "KuToo", phỏng theo các từ "giày" và "đau đớn" trong tiếng Nhật.
Cũng trong năm 2019, làn sóng tranh cãi bùng phát tại Nhật Bản sau khi một số công ty cấm phụ nữ đeo kính tại công sở. Những công ty này cho biết việc phụ nữ đeo kính sẽ tạo ấn tượng "lạnh lùng", không có lợi cho không khí tại văn phòng.
Tình hình khi đó càng trở nên căng thẳng hơn khi Bộ trưởng Lao động Takumi Nemoto phát biểu rằng việc các công ty quy định về trang phục phù hợp với văn hóa làm việc của họ là "cần thiết" và "đã được xã hội thừa nhận rộng rãi".
Lúc này, nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Nhật Bản cho biết hình ảnh các cô gái người Đức thể hiện những động tác thể dục dụng cụ mạnh mẽ, tự tin trong bộ trang phục liền thân kín đáo đã mang lại cho họ niềm cảm hứng.
"Những bộ trang phục liền thân đó rất cuốn hút, tôi rất ngưỡng mộ việc họ mặc trang phục ấy để thi đấu tại Olympic", một người sử dụng tài khoản Twitter tên Kodaiyumebuta cho biết.
"Tôi phản đối cái cách xã hội tình dục hóa các bộ phận cơ thể của phái nữ. Họ là những vận động viên chuyên nghiệp, điều họ đang làm tiếp thêm cho tôi sự can đảm", người này viết thêm.