Những ngày qua, hàng trăm công nhân mặc áo lính của Tổng công ty Sông Thu (thuộc Bộ Quốc Phòng) miệt mài chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục các hư hại của tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư để trở lại Hoàng Sa - nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép để làm nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền.
Ngày 8/5, khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa, tàu Cảnh sát biển 4033 bị tàu hải cảnh 044 của Trung Quốc ngang ngược đâm thẳng vào mạn phải, gây ra một vết rách dài 3 m, rộng 1 m, máy phải bị hư hỏng nặng.
Tàu Cảnh sát biển cập cảng để sửa chữa. |
Cũng vào thời gian trên, tàu 2012 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc tông mạnh làm hỏng nhiều trang thiết bị. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã điều các tàu trên về Đà Nẵng để sửa chữa.
Ngay trong đêm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Sông Thu Hà Sơn Hải đã huy động 115 công nhân lập tức bắt tay vào nhiệm vụ, sửa chữa 2 tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư trong thời gian sớm nhất.
Đang ăn tối cùng gia đình, nhưng khi nhận điện thoại từ công ty, anh Đinh Tiến Linh lập tức bỏ lại bát cơm, lấy xe máy chạy vào công ty để nhận nhiệm vụ. Trong đêm hôm ấy, anh Linh cùng với nhiều cán bộ, công nhân phải thức trắng đêm để “bắt mạch”, “khám bệnh” cho 2 tàu.
Công nhân Linh đang hàn các vị trí bị hư hỏng. |
Khi công tác “khám bệnh” xong, toàn bộ trang thiết bị hiện đại, vật tư được tập kết tại địa điểm các tàu neo đậu. Suốt từ lúc 7h30 sáng 6/5 đến 6h sáng 7/5 anh Linh không hề chợp mắt. Cẩn thận trong từng nốt hàn, từng động tác phun sơn, những công nhân mặc áo lính sửa xong 2 chiếc tàu chỉ trong 48 giờ.
Nhận lại tàu, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 vui mừng và không tin các công nhân có thể sửa xong trong thời gian ngắn như vậy. Ngày 12/5, khi tàu 4033 và 2012 xuất bến thẳng tiến Hoàng Sa thì 2 tàu chấp pháp khác lại cập cảng để sửa chữa.
Sau đó một tuần, 8h sáng 18/5, tàu kiểm ngư KN-630 cập cảng Nhà máy X50. Hơn 30 công nhân và cán bộ kỹ thuật được khẩn trương điều động đến hiện trường. Các loại máy hàn, máy cắt và vật liệu được nhanh chóng đưa xuống.
Sáng 21/5, bất chấp cái nắng như thiêu, như đốt, các công nhân Tổng công ty Sông Thu vẫn miệt mài sửa chữa, khắc phục cho các tàu chấp pháp. |
Tiếp đó, các cán bộ kỹ thuật của nhà máy kết hợp với cán bộ tàu Kiểm ngư đánh giá mức độ và lên phương án sửa chữa. Họ làm liên tục đến 20h cùng ngày thì các hư hỏng của tàu KN-630 đã được khắc phục. Sáng 19/5, Tàu KN-630 rời cảng, thẳng tiến Hoàng Sa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Phan Đình Phong, Trưởng phòng Chính trị, Tổng công ty Sông Thu, cho biết để nâng cao chất lượng và tiến độ sửa chữa, Nhà máy X50 đã chọn những cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ, tay nghề cao, chia làm 4 tổ (điện, máy, vỏ và mộc) làm việc liên tục. Tiếp đó, nhà máy phát động thi đua phấn đấu đạt "chất lượng và tiến độ nhanh nhất".
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các công nhân tranh thủ từng giờ, từng phút. Bộ phận này xong việc thì bộ phận khác tiếp quản để tiếp tục các phần việc khác theo chuyên ngành. Để rút ngắn thời gian sửa chữa, các công nhân nghỉ giải lao rất ít, nhà bếp mang cơm trưa và tối xuống tàu để anh em ăn.Anh Lê Văn Thành, công nhân Xí nghiệp Vỏ 2, chia sẻ: “Việc sửa chữa trên tàu khó khăn hơn tại xưởng vì nơi làm việc chật hẹp, thiếu ánh sáng và rất nóng. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi chẳng thấm tháp gì so với sự vất vả, nguy hiểm của các chiến sĩ trên tàu ngoài vùng biển Hoàng Sa. Nên dù có thức trắng 48 tiếng chứ lâu hơn nữa thì tôi cũng thấy vui vì mình có góp chút sức để giúp các lực lượng chấp pháp ra khơi, bảo vệ chủ quyền”.
Anh Thành và nhiều công nhân khác cho biết: “Nếu bây giờ cấp trên chỉ đạo lên tàu ra Hoàng Sa để sửa chữa tại hiện trường, chúng tôi cũng sẳn sàng xung phong lên đường”.
Phút thư giãn hiếm hoi của các công nhân Tổng công ty Sông Thu. |
Cũng theo ông Phan Đình Phong, với những hỏng hóc đã được các bên thống nhất đánh giá, nhà máy phấn đấu sửa chữa xong trong khoảng 10 giờ.
“Những công việc thế này, bình thường phải mất từ 8 - 10 ngày. Yếu tố để rút ngắn thời gian chính là sự hiệp đồng và thống nhất rất chặt chẽ giữa các bên trong đánh giá mức độ hỏng hóc, lập phương án khắc phục.
Trong quá trình sửa chữa, các cán bộ kỹ thuật của tàu luôn bám sát thợ của nhà máy, những chỗ nào chưa đạt là tiến hành khắc phục ngay. Điều này cho phép thợ không phải làm đi làm lại nhiều lần”, ông Phong cho biết.