Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Không có Luật Biểu tình nên mới xảy ra gây rối’

“Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

Không khí nóng bỏng về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và những hệ lụy sau buổi họp kín của các đại biểu Quốc hội sáng 21/5 tiếp tục lan tới buổi thảo luận tổ vào buổi chiều.

Là người đầu tiên phát biểu ý kiến, đại biểu Đỗ Văn Đương nói ngắn gọn về vụ việc và đề nghị cần thiết phải bổ sung Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của kỳ họp thứ 8, diễn ra vào cuối năm nay. Dự án Luật Biểu tình hiện chưa xuất hiện ở chương trình xây dựng luật năm 2015, thậm chí chưa rõ thời điểm được trình ra Quốc hội.

Đề nghị của đại biểu Đương sau đó được các đại biểu tại tổ TP.HCM tán thành.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những diễn biến liên quan tới các cuộc biểu tình tự phát, gây rối vừa qua sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan cho thấy người dân có nhu cầu về biểu tình, song, vẫn chưa có khung pháp lý.

“Vụ việc cho thấy ta còn lúng túng, thậm chí có những hành động bạo loạn, không có quy định chi tiết trách nhiệm các cơ quan chức năng. Vì thế tôi đề nghị tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cần đưa việc xây dựng chương trình Luật Biểu tình vào thảo luận và thông qua ở kì họp thứ 9”, ông Nghĩa đề nghị.

Cũng theo ông Nghĩa, những nội dung có thể đưa vào Luật là phạm vi, thời gian, thành phần biểu tình; ai chịu trách nhiệm, các nguyên tắc cơ bản như không được cản trở giao thông, xâm phạm tài sản, kích động, đăng ký nội dung trên băng rôn, biểu ngữ…

Ông Nghĩa cũng đồng thời phản bác luồng quan điểm cho rằng Luật Biểu tình sẽ dẫn đến tình trạng vượt kiểm soát. “Đây là nhận định sai, mà trái lại, chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý như vừa qua”, đại biểu Nghĩa nói.

Còn theo đại biểu Huỳnh Thành Đạt, về vụ việc giàn khoan HD 981, người dân Việt Nam, trong đó có công nhân và sinh viên rất bức xúc. Ông nhìn nhận, công tác tuyên truyền, quản lý vừa qua đã làm tốt nên đội ngũ này, đặc biệt là sinh viên có điều kiện thể hiện lòng yêu nước một cách khôn ngoan, văn minh, có trật tự.

Tuy nhiên, ông Đạt tỏ rõ lo ngại, nếu tình hình căng thẳng hơn thì sẽ rất khó để đặt những hoạt động biểu thị đó trong vòng kiểm soát.

“Tổng số sinh viên là gần 2 triệu. Với tinh thần yêu nước của các em, nếu không sớm có Luật Biểu tình thì rất khó khăn để phân định được hành vi nào đúng, hành vi nào sai”, ông nói.

Sau những vụ việc gây rối, bạo lực ở Bình Dương, Hà Tĩnh... vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều đề nghị sớm có Luật Biểu tình.
Sau những vụ việc gây rối, bạo lực ở Bình Dương, Hà Tĩnh... vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều đề nghị sớm có Luật Biểu tình.

Tự đặt mình vào vị trí của cơ quan xây dựng luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn, việc xây dựng luật là của đại biểu Quốc hội, của Nhà nước song cũng là việc của nhân dân. Luật Biểu tình do Bộ Nội vụ đảm nhiệm nhưng Hội Luật gia, Liên đoàn luật sư hoàn toàn có thể được huy động.

“Riêng Đoàn luật sư Việt Nam sẵn sàng đảm trách việc huy đông lực lượng tham gia để kịp tiến độ, đáp ứng nhu cầu”, vị đại biểu là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định.

Theo đại biểu Võ Thị Dung, với việc lực lượng Cảnh sát biển đang thực thi nhiệm vụ căng thẳng trên Biển Đông, cần sớm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Thảo luận thêm về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu Quốc hội tại tổ TP.HCM cho rằng việc xây dựng trong mỗi kỳ họp Quốc hội còn quá nhiều bất cập như thảo luận quá nhiều luật cùng một lúc mà không chia nhóm, tiến độ trình dự án luật chậm và quá nhiều điều chỉnh.

Đại biểu Trần Du Lịch bức xúc: “Tại sao luật pháp VN tuổi thọ ngắn? Vì làm luật mà không có hệ thống quan điểm rõ ràng, không có chủ thuyết, mô hình. Kỳ họp nào cũng mất thời gian ít nhất một ngày để bàn các luật mà thiếu sự thống nhất, phân chia có hệ thống”.

Ông đề nghị với thông lệ một dự án luật trải qua hai kỳ họp để được thông qua thì kỳ thứ nhất cần phải bàn chủ thuyết, quan điểm cho thống nhất, sau đó mới bàn những nội dung cụ thể trong luật chứ không phải cứ làm rồi sửa. Một số đại biểu cho rằng, chương trình xây dựng luật của Quốc hội cần linh hoạt và chủ động, tránh phụ thuộc vào các đề xuất có sẵn của Chính phủ.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm