Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trắng đêm ngóng tin ngư dân trên tàu bị TQ tông chìm

Từ khi nhận được tin tàu cá ĐNa 90152 của ông Trần Văn Vốn bị Trung Quốc đâm chìm ngoài biển Hoàng Sa, những người vợ, mẹ của các thuyền viên như ngồi trên đống lửa.

Tàu cá ĐNa 90152 rời cảng Đà Nẵng thẳng hướng Hoàng Sa ngày 13/5. Đến lúc 16h ngày 26/5, khi đang đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa cách vị trí Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý về phía Tây Nam thì bất ngờ ĐN 90125 bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm. 10 ngư dân trên tàu phải nhảy xuống biển.

Nhiều lần bị tàu Trung Quốc truy đuổi

Sáng 27/5, chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Vốn (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Ngôi nhà vốn không mấy rộng rãi, hôm nay chật kín người ra vào. Từ khi nhận được tin bị tàu Trung Quốc tông chìm, hàng chục người thân của 10 thuyền viên đi trên ĐNa 90125 luôn túc trực tại đây để nghe ngóng thông tin.

Còn anh Vốn, khi nghe tàu của mình bị nạn thì chết lặng bởi ngoài mất trắng tiền tỷ, anh còn lo cho sự an toàn của 10 thuyền viên đang lênh đênh trên biển.

Vợ chồng chủ tàu cho biết: “Tàu mất thì có thể vay tiền đóng lại chứ nếu thuyền viên có bị làm sao thì chắc vợ chồng tôi không sống nổi".

Anh Vốn kể: "Chiều 26/5, lúc 16h, tôi nhận được cuộc gọi từ máy Icom của ông Nguyễn Đình Sinh (thuyền trưởng tàu cá có mặt tại hiện trường cứu 10 thuyền viên). Ông này nói, khi tàu của tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì có 40 tàu cá rất lớn của Trung Quốc hung hăng bao vây. Khi 10 thuyền viên đánh tay lái để tránh va chạm thì 1 tàu cá của Trung Quốc tăng tốc, lao trực diện vào. Nhận được tin ứng cứu, tàu của ông Sinh đang đánh bắt gần đó chạy đến cứu các ngư dân an toàn”.

Theo chủ tàu, suốt từ chiều tối qua đến giờ, ông và người thân của các thuyền viên liên tục liên lạc với ông Sinh qua hệ thống Icom để nắm tình hình, nhưng những thông tin từ ngoài biển truyền về quá ít bởi Trung Quốc luôn tìm cách phá sóng. “Đến giờ tôi cũng chỉ biết là 10 thuyền viên an toàn. Còn con tàu tiền tỷ đã bị lật úp ngoài biển khơi”, ông Vốn sụt sùi.

Ngồi thẫn thờ trong góc nhà, khi được mọi người động viên, bà Huỳnh Thị Như Hoa (vợ ông Vốn) mới bình tĩnh kể: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, 2 vợ chồng quanh năm đi biển nhưng không dư giả là bao. Sau đó vợ chồng bàn chuyện vay mượn tiền, đóng mới tàu thuyền để vươn khơi”.

Cuối cùng, ước mơ cũng thành hiện thực khi năm 2002, con tàu 450 CV mang số hiệu ĐNa 90152 hạ thủy với số tiền đầu tư lên đến 2,5 tỷ đồng.

“Từ đó đến nay, tàu ĐNa 90152 luôn thẳng hướng Hoàng Sa đánh bắt và đã nhiều lần bị tàu cá của Trung Quốc truy đuổi, nhưng chúng tôi vẫn bình an vô sự. Tuy nhiên, lần này tàu cá của họ kéo đến đông quá nên mới xảy ra cơ sự”, bà Hoa nói và cho biết thêm, 10 thuyền viên trên tàu đều là anh em, họ hàng của gia đình.

“Từ khi nhận hung tin, tôi buồn và lo lắng vô cùng. Tàu mất thì có thể vay tiền đóng lại chứ các thuyền viên có bị làm sao thì chắc vợ chồng tôi không sống nổi. Từ đêm qua tới giờ, tôi không sao chợp mắt được”, bà Hoa nói.

Bà Nguyễn Thị Hạ, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hòa, cùng nhiều người khác thức trắng đêm mong ngóng tin tức của chồng, con nơi biển khơi.

Đứng ngồi không yên

Cả đêm qua, bà Nguyễn Thị Hạ (SN 1962, vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Hòa, SN 1960, trú phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) luôn túc trực tại nhà chủ tàu Trần Văn Vốn để mong ngóng tin chồng.

Dù đã biết chồng và các thuyền viên khác an toàn nhưng do hệ thống Icom lúc được lúc không nên bà Hạ và nhiều người đứng ngồi không yên. Bà Hạ kể, ông Hòa có kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển, trong đó có 4 năm đi trên tàu ĐNa 90152.

“Vừa rồi, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển của nước ta, tôi có bảo ông ấy nghỉ vài chuyến, khi nào dịu lắng thì đi, nhưng ông không chịu. Ông còn bảo ngoài đó (tức quần đảo Hoàng Sa) là của ta nên cứ đi đánh bắt chứ sợ gì. Nếu ra đó họ phá quá thì chí ít mình cũng góp chút công, cùng với Cảnh Sát biển, Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền. Nghe chồng nói vậy, tôi thấy không có lý do gì để ngăn cản", bà Hạ nghẹn ngào.

Mẹ của thuyền viên Nguyễn Văn Bình (19 tuổi), bà Huỳnh Thị Thọ (47 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) kể: “Chiều qua, khi đang đi bán cá ngoài chợ thì nhận được tin tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc tông chìm, tôi như chết đứng. Vì nhà quá nghèo nên thằng Bình mới theo tàu làm thuê. Từ trước đến nay, nó vẫn đi rồi về an toàn. Nhưng lần này sao Trung Quốc hung hăng, dám coi mạng người như rác thế?”.  

Đại diện chính quyền Đà Nẵng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình chủ tàu 40 triệu đồng.

Còn bà Trần Thị Kim Liên (SN 1971, vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Sương) vừa khóc vừa nói: “Ông xã tôi đã có thâm niên 20 năm làm nghề đi biển và đã hàng chục lần đối mặt với sóng to, gió lớn và bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Tất cả các lần đó, anh ấy đều vượt qua. Tôi cầu mong ông xã và các thuyền viên sớm an toàn trở về đất liền”.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết việc tàu cá Trung Quốc hung hăng tông chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng là hạnh động độc ác, cần phải lên án mạnh mẽ. “Chúng tôi tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực để ngư dân Đà Nẵng đóng mới, cải hoán tàu thuyền, an tâm vươn khơi, bám biển”, ông Viết nhấn mạnh.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm