Già làng Đinh Xòn ở bản Cà Roòng 1 nói cứ đến ngày lễ hội đập trống (ngày 16 tháng giêng) hằng năm, trai gái của 18 bản làng xã Thượng Trạch lại tìm về suối cấm. Đây là dịp họ gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu nhau. Nếu con trai ưng con gái của bản nào thì sẽ đến tận bản đó để hẹn hò. Ngoài ra, họ gặp nhau qua các mùa rẫy.
Đinh Xòn - người đã “công khai” về tình trường của mình (một thời đem lòng yêu con gái miền xuôi), nói: “Thời của mình đi... tán gái khổ lắm! Phải lội suối băng rừng, có khi đi từ bản này đến bản khác cách nhau mấy quả đồi để hẹn hò với người yêu.”
“Từ khi đường 20 Quyết Thắng được nâng cấp, thông xe, con trai, con gái muốn gặp được nhau đi chừng vài chục phút (xe máy) là đến. Bây giờ, “khoảng cách của tình yêu” còn được rút ngắn bằng điện thoại”, Đinh Xòn nói.
Lễ cột hồn cho cô dâu, chú rể trong đám cưới. |
Hẹn gặp người yêu vào khung giờ đặc biệt trên có nguyên do của nó. Người Ma Coong cho rằng, giờ đó cha, mẹ của cô gái đã ngủ say, cuộc nói chuyện sẽ không làm phiền đến họ.
Nếu như thanh niên đồng bằng hẹn hò, tán chuyện với bạn gái ở quán càphê… thì thanh niên ở đây cũng mất một khoản nhỏ tình phí.
Trước khi đi, người con trai mang theo một ít bánh trái đến nhà cô gái. Người nào muốn chinh phục nhanh con gái nhà người ta, mua thêm chai rượu, con gà… nhằm biếu bố mẹ cô gái đó để họ tạo điều kiện cho việc hẹn hò được dễ dàng hơn.
Cô gái nào ưng bụng sẽ dậy tiếp chuyện, còn không sẽ cố tình giả vờ nằm ngủ. Đến lúc này tùy cơ ứng biến, chàng trai phải chịu khó chai mặt bằng cách lấy nước rót vào tai cho đến khi cô gái chịu dậy tiếp chuyện mới thôi!
Trước đây, con trai muốn lấy được vợ phải có vài đồng bạc nén, vòng bạc làm sính lễ cho nhà gái. Bây giờ thay vào đó là tiền mặt, nhưng vẫn không thể thiếu các lễ lạt như: Một cái nồi đồng, một con dao, 12 cái bát. Còn các lễ như 12 con gà, 2 con lợn (trên ba mươi cân) và một con bò, được xem là “luật” bất thành văn từ xưa nay của bản làng.
Ngoài ra, nhà trai mất một khoản tiền thách cưới từ 15 - 20 triệu đồng. Sau một thời gian tìm hiểu, khi cái bụng hai người đã ưng thuận, nhà trai sẽ sang nhà gái làm lễ bỏ của (lễ ăn hỏi).
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mất cho nhà gái vài hũ rượu cần. Ngày nay, nhà nào có điều kiện mua thêm bia và nước ngọt… Tại đây, nhà trai nghe nhà gái thách cưới, định ngày và mang lễ vật đến cưới.
Rượu cần là thứ không thể thiếu trong đám cưới. |
Trong thời gian làm lễ bỏ của cho đến ngày cưới, con rể tương lai phải lễ phép với bố mẹ nhà gái. Nếu như vô lễ và làm phật ý, nhà gái sẽ bắt đền một con lợn hoặc gà, tùy theo mức độ nặng, nhẹ. Đinh Xòn nói trước khi làm rể, con trai ở đây rất lễ phép, vì ai cũng sợ chuyện bị nhà gái phạt vạ.
Trước khi vào bản khác để làm lễ bỏ của tại nhà gái, nhà trai phải đến xin phép già làng, trưởng bản. Nếu là người hiền lành, tử tế già làng, trưởng bản sẽ đồng ý, còn không thì mặc nhiên người con trai đó sẽ bị từ chối, tránh việc con gái của bản mình phải chịu khổ khi về làm chồng người bản khác.
Trước đây, xin phép già làng, trưởng bản để lấy con gái bản nào thì nhà trai phải cho già làng, trưởng bản hai đồng rưỡi bạc hình (loại tiền thời Pháp thuộc). Hiện nay, thay bằng cho bạc hình, nhà trai cho khoảng 250 ngàn tiền mặt. Trước khi xin làm rể của bản, phải hứa với già làng, trưởng bản đối xử tử tế với vợ con, không được đánh đập hay lăng mạ…
Trắng đêm "chịu nhục" mới được rước dâu
Lễ vật nhà trai mang đến trong đám cưới, phải đáp ứng yêu cầu bên nhà gái (lễ vật phải còn sống). Trường hợp lợn, gà nhỏ hơn quy định sẽ bị nhà gái từ chối. Ngay tức thì, nhà trai phải về nhà đổi lại lợn, gà to hơn.
Trước khi vào nhà cô dâu, nhà trai phải nói chuyện xin trưởng họ (người chủ trì lễ cưới) bên nhà gái để được lên cầu thang. Tiếp theo, nói chuyện để xin vào cửa chính. Qua hai “ải” này, họ mới được phép vào tiếp chuyện với nhà gái.
Theo tục lệ ở đây, nhà trai chỉ được phép ngồi góc bên trái và ở một khoảng hẹp ngay gần cửa chính. Nhà gái tùy điều kiện mà thết đãi rượu cần cho nhà trai. Thường thì nhà gái chịu 5 - 7 bình rượu cần để tiếp nhà trai từ tối tới sáng. Với nhà có điều kiện, nhà gái thết đãi nhà trai 12 - 13 hũ.
Đêm tối ở bản 61, những ngày này cả bản làng vui như hội vì có đám cưới của Đinh Thực - con trai Đinh Xòn người bản Cà Roòng 1, lấy Y Bùi - người trong bản.
Để đám cưới thêm phần rộn ràng, nhà cô dâu phải xuống tận bản 51 cách mấy chục cây số muợn loa thùng nhà Quách Nẫm (anh rể cô dâu). Nhà cô dâu tối hôm đám cưới không có điện, nhưng cũng lắp vài bóng đèn néon nhỏ được phát từ ắcquy. Loa thùng cũng được phát từ ắcquy để đảm bảo cuộc vui không bị gián đoạn, loa thùng được nối thêm mấy cục pin đại.
Quách Nẫm - “ông chủ” của loa thùng, thứ mà dân bản xem là hàng độc ở đây - nói bảy năm về trước, đám cưới không có nhạc gì, mọi người chỉ ăn cỗ, uống rượu. Bây giờ, có loa, đài có tiếng nhạc nên đám cưới vui hơn nhiều.
Đám cưới của người Ma Coong có rượu cần là chính. Đây là thứ không thể thiếu trong các dịp quan trọng. Món ăn chính trong đám cưới là thịt lợn, bò và gà. Cỗ bàn được bày trong bát nhỏ, mâm mây (mâm được đan từ cây mây rừng), xôi được gói trong lá rừng… là những “thực đơn” chính của tiệc cưới. Gia đình hai bên vừa nói chuyện, uống rượu cần, thi thoảng có vài người lại nhảy theo điệu nhạc Lào… xình xang.
Ngồi chung mâm cỗ nhà gái thết đãi, thầy giáo Đinh Miệt (anh trai chú rể) nói đùa: “Ở đây, muốn lấy được con gái nhà người ta, cả họ nhà trai phải trắng đêm “chịu nhục”! Nhà gái mời rượu mình phải uống. Nhà gái muốn nhà trai say mình phải uống cho say. Nhà trai phải ngồi tiếp chuyện từ tối cho tới sáng. Khi nào họ chưa hài lòng thì mình chưa được đưa dâu về. Đêm cưới chính thức ở nhà gái sẽ quyết định giờ đưa dâu, nên nhà trai phải cố gắng“chịu nhục”.
Tối hôm đó, phía nhà trai của chú rể Đinh Thực phải ngồi nói chuyện với bên nhà gái cho đến sáng. Nhà gái và nhà trai uống rượu, ăn cỗ từ đêm cho tới sáng hôm sau mới thôi. Hai bên thống nhất với nhau ngày, giờ đưa cô dâu về “dinh”. Buổi tối, nhà trai được họ nhà gái “cấp” cho một cái chăn, hai cái gối và một chiếc chiếu nằm mới (ngày hôm sau nhà trai được mang về).
Trưa ngày hôm sau, trước khi đưa dâu về Đinh Thực và Y Bùi được làm lễ cột hồn cùng mọi người trong gia đình hai họ để cầu may mắn, hạnh phúc cho đôi uyên ương mới cưới.
Lễ rước dâu không áo cưới, xe hoa. Cô dâu Y Bùi được trang điểm nhẹ. Cô dâu bước xuống cầu thang, cả bản làng 61 cùng ra đưa tiễn trong tiếng cười chúc phúc. Đoàn rước dâu hết sức đơn giản, “xe hoa” của nhà trai đang chờ sẵn phía đầu dốc (đưa dâu bằng xe máy).
Đêm cưới chính thức ở nhà cô dâu. |
Cô dâu được đón về “dinh” đầu tiên, những người thân còn lại bên cô dâu được các xe máy khác đón theo sau. Phía nhà trai đón dâu và nhà gái bằng hai chiếc xe máy. Tất cả mọi người phải tất tả đi bộ hơn 15km về nhà trai dưới bản Cà Roòng 1.
“Bây giờ có xe máy nên sướng hơn nhiều. Ngày trước, đám cưới ở đây chú rể rước cô dâu đi bộ về nhà. Nếu nhà hai họ xa quá, có khi đi cả hơn ngày trời mới đến nhà chú rể. Có đám cả hai họ đều phải làm lán “dã chiến” ngủ tại đường, ngày hôm sau đi tiếp”, Quách Nẫm (anh rể cô dâu), ngồi phía sau xe tôi - chia sẻ.
Dưới bản Cà Roòng 1 hôm nay cũng mở nhạc hân hoan. Nhà Đinh Xòn đã chuẩn bị rượu thịt đầy đủ để chào đón cô dâu mới. Đinh Xòn tự hào cho biết, sẽ làm khác với lệ làng bằng việc thết đãi nhà gái hai ngày, hai đêm liền.
Sau đám cưới, cô dâu Y Bùi được bàn giao mâm, nồi, gà lợn… trong nhà để cô tiện quản lý. Đám cưới của họ không áo cưới, xe hoa nhưng có thể họ sẽ hạnh phúc rất nhiều so với những đám cưới rình rang khác. Phía dưới bếp nhà Đình Xòn, cỗ bàn và rượu cần cũng được dọn bày tươm tất. Vừa uống rượu, Đinh Miệt vừa nói rằng đây là mâm của thanh niên chưa vợ, con gái chưa chồng. Đây là cơ hội để con trai, con gái bản mình tìm hiểu nhau, biết đâu sẽ có một đám cưới mới từ đây!