Trang ẩm thực Mỹ 'bênh' Đặng Lê Nguyên Vũ
Một trang ẩm thực của Mỹ vừa đưa ra bình luận về "lời tuyên chiến" của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ và giải thích vì sao đây là đối thủ của Starbucks.
Foodbeast - một trang ẩm thực nổi tiếng của Mỹ vừa đưa ra một bài bình luận về "lời tuyên chiến" của "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên, với Starbucks, hãng cà phê nổi tiếng thế giới.
Starbucks thống trị thế giới, và tất cả mọi người đều biết điều đó. Logo màu xanh hình nàng tiên cá của Starbucks có mặt ở khắp mọi nơi, cũng giống như logo hình cung màu vàng của McDonald hay hình mắt bò của Target. Bạn có thể than vãn vì thiếu những quán cà phê nhỏ (nơi bạn có thể bị chế giễu nếu hỏi mua một cốc sữa đậu nành), nhưng không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của các cửa hiệu Starbucks - khi xuất hiện dày đặc ở khắp các khu dân cư.
Cả Starbucks và Trung Nguyên đều có những lợi thế riêng về sản phẩm. |
Tuy nhiên, có một người đàn ông "lạ", sẵn sàng "tuyên chiến" với hãng cà phê nổi tiếng khắp thế giới. Tên ông là Đặng Lê Nguyên Vũ, người được mệnh danh là "Vua cà phê Việt". Ông Vũ hiện là Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Việt Nam. Người đàn ông này có khát vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Starbucks. Ông Vũ tin rằng, thành công của Starbucks phần lớn là đến từ cách làm thương hiệu chứ hoàn toàn không phải nhờ sản phẩm mà họ mang đến cho khách hàng.
"Họ rất thành công trong việc đưa các câu chuyện ăn sâu vào trong tiềm thức khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào các thành phần cốt lõi của Starbucks, chúng ta sẽ thấy những điều họ đang làm thật là tệ hại. Không phải họ đang bán cà phê, những gì mà họ đang bán chỉ là nước có vị cà phê với đường trong đó", ông Vũ nói.
Dù thế nào, bạn cũng phải thừa nhận, Đặng Lê Nguyên Vũ nói đúng. Có ai thực sự đến với Starbucks để thưởng thức những cốc cà phê nóng hổi tinh khiết không? Không, bạn tới đó để mua những thứ như một cốc nước trái cây được trang trí bắt mắt, ngồi trên chiếc ghế nệm êm, bắt đầu công việc ngày mới hay đơn giản là thưởng thức những bản nhạc đang được thịnh hành. Mọi người tới đó là để "mua" những trải nghiệm, không phải mua cà phê hay dịch vụ bởi chúng ta đang sống trong một nền kinh tế với những trải nghiệm.
Starbucks rất giỏi trong việc bán trải nghiệm cho những quý ông, quý bà thành thị sành điệu với cái laptop luôn mang bên mình, và ông Vũ biết điều đó. "Người Mỹ không cần một sản phẩm khác, họ cần một câu chuyện khác". Và câu chuyện của Trung Nguyên là tất cả nguyên liệu cà phê họ dùng đều được mua từ các trang trại cà phê nhỏ và phát triển bền vững, nơi người trồng cà phê được đảm bảo về giá cả của đầu ra.
Đây là một nỗ lực đáng được đánh giá cao trong việc phát triển bền vững hài hòa, mặc dù có vẻ như hơi trái ngược với mục đích thống trị thị trường thế giới của ông Vũ. Điều này sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế cho những người nông dân trồng cà phê ở khu vực cao nguyên Việt Nam vì mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), nhưng Việt Nam chỉ thu về được một phần nhỏ trong khoản thu nhập được tạo ra từ hạt cà phê đã được chế biến, đóng gói và tiêu thụ trên thị trường.
Ông vua cà phê có kế hoạch sẽ mở rộng kinh doanh và thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ vào năm tới. Và biết đâu đấy, có thể chẳng mấy nữa người Mỹ sẽ được thấy một cửa hàng cà phê Trung Nguyên ngay cạnh nhà mình.
Theo NDHMoney