Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trăn trở đưa môn bơi vào dạy trong trường học

Sau vụ 9 nam sinh Quảng Ngãi chết đuối thương tâm, nhiều người đặt câu hỏi khi nào môn bơi mới đưa vào trường dạy để phòng ngừa thảm họa cho học sinh.

'Ngôi trường độc nhất' ở Quảng Ngãi đưa môn bơi vào dạy cho học sinh Trong khi nhiều trường học trong cả nước còn lúng túng thì trường THCS Phổ Vinh, huyện Đức Phổ- trường học duy nhất ở Quảng Ngãi đã đưa môn bơi vào dạy cho học sinh thành công suốt ba năm qua.

Sau vụ việc 9 nam sinh chết đuối, chính quyền địa phương lẫn ngành giáo dục Quảng Ngãi giật mình về "khoảng trống " trau dồi kỹ năng sống, dạy bơi cho học sinh ở trường học. 

dua mon boi vao truong hoc anh 1
Bến sông Trà Khúc- nơi 9 nam sinh lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) chết đuối chiều 15/4. Ảnh: M.Hoàng.

Ba năm trước, Bộ GD&ĐT từng gửi văn bản hướng dẫn ngành giáo dục các tỉnh, thành cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong Trường Tiểu học giai đoạn 2010-2015.

Sau đó, nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...quan tâm đầu tư bể bơi công cộng kết hợp với dạy bơi cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Tuy nhiên đến nay, nhiều tỉnh, thành khác do nhiều điều kiện khác nhau vẫn chưa thể triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh.

Lúng túng đưa môn bơi vào trường học

Trao đổi với Zing.vn ngày 20/4, ông Nguyễn Minh Trí - Phó giám đốc Sở giáo dục Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, việc đưa môn bơi bắt buộc vào trường học nếu dựa vào ngân sách thì khó khả thi. Căn cứ số trường học ở địa phương này thì phải xây 600 bể bơi (mỗi công trình vốn 1 tỷ đồng), chi lương hàng tháng cho hàng trăm huấn luyện viên thì Nhà nước khó kham nổi. 

Trong khi đó, ngành giáo dục kinh phí rất eo hẹp, toàn bộ dự toán ngân sách của trường chỉ đủ chi lương cho giáo viên còn chi phí cho hoạt động các câu lạc bộ hầu như không có. Do vậy ngành giáo dục muốn đưa môn bơi vào trường học phải dựa vào nguồn vốn xã hội hóa là đúng đắn nhất.

Ông Nguyễn Minh Trí - Phó giám đốc Sở giáo dục Đào tạo Quảng Ngãi trăn trở về việc đưa môn bơi vào dạy trong trường học.

" Xã hội hóa ở đây không đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà còn hướng đến nâng cao nhận thức người dân tự chịu trách nhiệm về bản thân và con em mình", ông Trí bộc bạch. 

Dù Chính phủ đã công nhận TP Quảng Ngãi là đô thị loại 2 nhưng đến nay vẫn chưa có công trình bể bơi nào phục vụ nhu cầu dân sinh. Hiện địa phương này có ba bể bơi của các khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố đang hoạt động với giá vé vào cổng từ 15.000 đến 20.000 đồng. Trẻ em con gia đình khá giả thì mới có cơ hội tiếp cận còn trẻ ở các vùng nông thôn do hoàn cảnh nghèo khó, cha mẹ mưu sinh xa quê, đường sá xa xôi khó thể đến các bể bơi này học được. 

Ông Nguyễn Thanh Hải- Hướng dẫn viên môn bơi lội Quảng Ngãi chia sẻ, học bơi với trẻ em địa phương vẫn còn là "quà xa xỉ".

"Dịp nghỉ hè ba tháng là thời gian lý tưởng nhất để cho trẻ đi học bơi nhưng các bậc phụ huynh lại đưa cháu học thêm nhiều môn nên khó thể học được do trùng khớp thời gian", ông Hải thổ lộ. 

dua mon boi vao truong hoc anh 2
Học sinh lớp 9 khởi động cơ thể trong giờ học bơi ở trường THCS Phổ Vinh, huyện Đức Phổ. Ảnh: M.Hoàng.

Ông Nguyễn Hà Hải- Chánh Văn phòng UBND TP Quảng Ngãi ý kiến về việc đưa môn bơi vào dạy trong trường học.

 

 

 

 Đề xuất môn bơi thành tiêu chí xét trường chuẩn

Do kinh phí hạn hẹp nên sau ba năm phát động của Bộ GD&ĐT, đến nay Quảng Ngãi chỉ có duy nhất trường THCS Phổ Vinh (huyện Đức Phổ) có thể xây bể đưa môn bơi vào dạy cho học sinh.

Ông Nguyễn Hà Hải - Chánh Văn phòng UBND TP Quảng Ngãi cho rằng, chính quyền địa phương xây bể bơi phục vụ nhu cầu dân sinh ở các công trình công cộng chứ không thể đầu tư riêng cho từng trường học.

" Nếu Bộ GD&ĐT gắn yếu tố xây bể bơi thành tiêu chí để xét trường đạt chuẩn quốc gia thì việc đưa môn bơi vào dạy cho học sinh mới sớm thành hiện thực. Khi có tiêu chí này thì địa phương mới có cơ sở lập đề án, bố trí nguồn kinh phí hàng năm triển khai được", vị này đề xuất. 

Theo ông Hải, việc xây bể bơi ở các trường học cần thận trọng, tính toán kỹ bài toán quản lý vừa đảm bảo hiệu quả giáo dục vừa tránh lặp lại tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thầy giáo Nguyễn Đường- Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Vinh chia sẻ, xuất phát từ đặc thù địa phương có nhiều sông, suối, ao hồ và bãi biển, năm 2013, trường đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép đầu tư xây bể rộng 400 m2 đưa môn bơi vào dạy cho học sinh. Bể bơi gắn với công trình phụ trợ có tổng vốn gần 5 tỷ đồng.  

dua mon boi vao truong hoc anh 3
Thầy giáo Trương Đức Vui dạy bơi cho học sinh ở trường THCS Phổ Vinh chiều 20/4. Ảnh: M.Hoàng.

"Mỗi học kỳ các em học 12 tiết môn bơi lội, đến hết cấp 2 thì các em có thể bơi thành thạo, nắm vững các kỹ năng phòng chống đuối nước, giảm thiểu rủi ro cho bản thân", ông Đường chia sẻ.

Không chỉ phục vụ nhu cầu học bơi cho học sinh, điểm trường THCS Phổ Vinh là nơi tập huấn cho đội ngũ giáo viên toàn huyện; trở thành điểm học bơi cho trẻ em các xã lân cận vào mỗi dịp hè.

Sau bốn ngày xảy ra 9 nam sinh chết đuối, thầy giáo Bùi Phước- Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà tâm sự, nếu eo hẹp nguồn kinh phí, trước mắt, ngành giáo dục Quảng Ngãi xem xét bố trí vốn xây bể bơi theo từng cụm dùng chung cho học sinh các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà...

" Mất mát 9 học sinh là nỗi đau quá lớn đối với nhà trường, tôi mong ngành giáo dục đưa ra giải pháp cấp bách dạy bơi, kỹ năng sống để học sinh phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng cho mình thời gian tới", ông Phước tha thiết kiến nghị. 

9 nam sinh chết đuối vì trượt xuống vực nước sâu

Sau ba ngày xảy ra vụ đuối nước, bước đầu, cảnh sát Quảng Ngãi nhận định, 9 nam sinh trường THCS Nghĩa Hà phóng trên bờ cao xuống vực nước sâu dẫn đến đuối nước.


Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm