Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi là thành viên bộ tộc những người 'đau đời'

Trong các tác phẩm của mình, Trần Tiễn Cao Đăng thường thể hiện nỗi lo âu về vấn đề lớn của thế giới: tận thế, nhân tính mai một, cái đẹp bị hủy hoại, động vật bị ngược đãi...

Những gặp gỡ không thể có là tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng vừa được công ty sách Tao Đàn phát hành. Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với tác giả về những điều anh gửi gắm trong tác phẩm mới này.

Tran Tien Cao Dang noi ve tap truyen moi nhat anh 1
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

- Bốn truyện ngắn trong “Những gặp gỡ không thể có” đều có dung lượng khá dài so với mặt bằng truyện ngắn thông thường và đều có thể phát triển tiếp thành tiểu thuyết. Như vậy, nếu không xét đến yếu tố dung lượng, theo anh điều gì là điểm khác biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết?

Nếu nhất định cần một sự phân định về hình thức các truyện này thì tôi nghĩ chúng là truyện vừa (novella) chứ không phải truyện ngắn.

Nhà văn đôi khi có thể biết, trước hoặc trong khi viết, rằng ý tưởng đang có trong đầu mình là phù hợp với một truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác thì không. Chẳng hạn, các tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoangBiên niên ký Chim vặn dây cót của Murakami là được triển khai từ những truyện ngắn trước đó.

Ta có thể hình dung rằng một thời gian sau khi viết các truyện ngắn đó, có thể nhiều năm, nhà văn “đột nhiên” nhận ra rằng ý tưởng ấy, câu chuyện ấy có tiềm năng của một tiểu thuyết.

Mặt khác, có những truyện vừa toàn bích, tự nó là quá đủ, chẳng hạn Hóa thân của Kafka. Hẳn bản thân tác giả biết hơn ai hết rằng không cần triển khai nó thành tiểu thuyết.

Trên thực tế, ranh giới giữa truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết không phải bao giờ cũng rõ ràng, và không phải là điều trọng yếu.

Yêu cái đẹp dưới mọi dạng thức

Anh yêu thích nghệ thuật múa, và cả âm nhạc, điện ảnh. Khi viết tập truyện ngắn “Những gặp gỡ không thể có”, 3 bộ môn nghệ thuật ấy có tác động gì đến quá trình sáng tác của anh không, có gợi mở những phương thức viết mới không?

Tôi yêu mọi cái đẹp đích thực dưới mọi dạng thức , do tự nhiên hoặc con người tạo ra. Những cái đẹp trong các thể loại nghệ thuật hoặc loại hình hoạt động khác của con người đều có thể tác động đến văn của tôi, bằng cách này hay cách khác. Chẳng hạn, Chika Choắt, một chương trong Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, hiển nhiên là “chịu ơn” từ cái đẹp của võ thuật.

Về việc “gợi mở những phương thức viết mới” như bạn gợi ý, bản thân tôi không rõ. Cũng có thể như vậy trong tương lai. Một trong những niềm vui không gì thay được của việc sáng tạo là bản thân ta, trong phần lớn trường hợp, không thể mường tượng trước một cách chính xác hình hài cái thành quả sau cùng của mình.

Tran Tien Cao Dang noi ve tap truyen moi nhat anh 2
Tập truyện Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng mới được NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành.

Có phải “Những gặp gỡ không thể có” là một tiền truyện hay hậu truyện cho “Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian”, vì ở truyện ngắn cuối cùng “Tập kích nhà băng: Quan điểm của nhà thơ”, khiến người đọc có cảm giác nhân vật người phụ nữ được tôi mời kể chuyện chính là “nàng” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh?

 - Thật ra, bốn truyện trong tập này được viết vào những thời gian khác nhau - có truyện viết cùng lúc với Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, có truyện trước đó, có truyện ít lâu sau đó.

Nhưng bạn đã có một nhận xét tinh tế. Bên trong các truyện này và trong Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian có một âm vọng chung, một cái nền chung nào đó, như thể tất cả chúng là những tiểu truyện bên trong một đại truyện mà cho đến giờ (và có thể sẽ mãi mãi) ẩn kín, chỉ phát lộ mỗi lúc một phần.

Theo nghĩa này, rất có thể người phụ nữ được mời kể chuyện kia chính là “nàng” trong cuốn tiểu thuyết, mặc dù trên thực tế Tập kích nhà băng: Quan điểm của nhà thơ được hoàn thành sau Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian và tôi không có chủ ý như thế khi viết.

Loài người đang cư xử với loài khác bằng sự kiêu ngạo, vô cảm

Trong tác phẩm của anh, ngoài đề tài tận thế, có thể thấy một đề tài cũng thường xuyên xuất hiện là về động vật, cụ thể hơn là việc động vật bị ngược đãi. Anh bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu, sự quan tâm dành cho động vật từ khi nào và vì sao anh cảm thấy bản thân có trách nhiệm phải lên tiếng về việc bạo hành động vật thông qua tác phẩm của mình?

- Tôi yêu thương loài vật - chó, mèo, chim… - từ nhỏ, như một tình yêu thương hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng 10-15 năm trở lại đây, tôi mới ngày càng thường xuyên suy nghĩ về cái gọi là “nhân tính” của loài người nói chung một khi chúng ta vẫn đang tiếp tục cư xử với mọi loài khác với sự kiêu ngạo và vô cảm như trong hiện tại.

Tran Tien Cao Dang noi ve tap truyen moi nhat anh 3
Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng thường viết về động vật trong các tác phẩm của mình.

- Câu văn của anh thường rất dài và anh miêu tả chi tiết rất kĩ, anh có sợ sự tập trung quá nhiều vào chi tiết sẽ khiến người đọc bị lạc vào mê cung chữ nghĩa của anh và khó nắm bắt nội dung, tinh thần chính yếu của câu chuyện không? Hay chính sự lạc lõng giữa bộn bề chi tiết ấy là cảm giác anh có chủ đích đem lại cho người đọc khi sáng tác?

- Viết câu văn dài, tập trung vào chi tiết không phải là lựa chọn của tôi - điều đó đến một cách tự nhiên. Mặt khác, tôi cũng không muốn tự giam mình trong lối viết đó. Ở một số truyện khác, tôi dùng chủ yếu những câu ngắn - tuy nhiên, điều đó là do bản thân nội dung câu chuyện quyết định.

Tuy vậy, đúng là câu dài hợp với tạng của tôi hơn. Đó có lẽ là do một đặc tính nào đó của phương thức tư duy, hay đúng hơn là hình thái của tâm thức. Không phải vô cớ mà đa phần các nhà văn tôi đặc biệt yêu thích là những người “chuyên trị” câu dài, như José Saramago, Laszlo Krasznahorkai, Bohumil Hrabal, Thomas Bernhard.

Những nhà văn này đều có điểm chung: họ không chỉ là nhà văn tài hoa, trí thức đích thực, mà còn là những tâm hồn lớn thường xuyên bận tâm đến những vấn đề lớn của loài người, của sự tồn tại - những người thường xuyên mang một nỗi lo âu lớn (Angst) nào đó về thế giới. Tôi là một thành viên trong bộ tộc những người “đau đời” này.

Bổ sung một chút: Tôi không nói rằng câu văn dài “hay” hơn hoặc “cao” hơn câu văn ngắn. Mỗi loại câu, mỗi phương thức kể chuyện đều có sức mạnh của nó, vẻ đẹp của nó.

- Cái đẹp xuất hiện trong “Những gặp gỡ không thể có" hầu hết đều bị hủy diệt, vì sao anh thường chọn những kết thúc rất khốc liệt cho truyện của mình như thế? Phải chăng anh đã mất niềm tin vào việc con người ngày nay biết cách giữ gìn, nâng niu cái đẹp?

Tran Tien Cao Dang noi ve tap truyen moi nhat anh 4
Tiểu thuyết đầu tay của Trần Tiễn Cao Đăng.

- Một người bạn của tôi, là người có khả năng thẩm định nghệ thuật tinh tế mà tôi quý trọng, có nhận xét rằng truyện của tôi thường khởi đầu với một sự êm đềm, bình an, như thể sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng nếu tinh ý, người đọc có thể dần dần nhận ra một dòng chảy ngầm ở bên dưới báo hiệu sự bất an nào đó. Và rồi, ở một thời điểm tưởng như bất ngờ, bất an phát lộ và bùng ra. Theo anh ấy, đó là phong cách riêng của tôi.

Cũng có thể đúng như anh ấy nói, nhưng nếu vậy, tôi nghĩ nguyên nhân không đơn giản là mất niềm tin vào việc con người biết giữ gìn cái đẹp. Mất niềm tin vào việc con người có khả năng giữ gìn giới tự nhiên đã sinh ra mình và kể cả giữ gìn chính mình, đó mới là dòng chảy ngầm lớn và sâu nhất trong mọi thứ tôi viết.

Không phải không có niềm hy vọng nào vào con người. Chỉ là, tôi không tin vào loài người với tư cách như một toàn thể, mà chỉ tin vào một số ít con người.

- Những tác phẩm của anh đều có chất fantasy, sci-fi, hiện thực huyền ảo và câu chuyện thường diễn ra ở thì tương lai giả định. Đây có phải là phong cách anh sẽ theo đuổi lâu dài trong thời gian sắp tới hay anh sẽ có những điều chỉnh, thay đổi, chẳng hạn một tác phẩm hiện thực đặt trong bối cảnh hiện tại?

- Bên cạnh nhiều thể loại khác, tôi thích văn chương và phim ảnh sci-fi từ nhỏ. Hồi những năm đầu đại học, tôi viết một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mà tôi đặt cái nhan đề đầy tham vọng là “Vũ trụ loài người”. Dự đồ đó sớm bị bỏ dở, nhưng qua đó tôi biết mình sẽ đi con đường nào.

Mặt khác, tôi không phải típ nhà văn sci-fi “thuần túy”, theo nghĩa là tôi không bận tâm nhiều đến các vấn đề kỹ thuật, những phát kiến khoa học hoặc phát minh công nghệ trong tương lai. Điều tôi bận tâm hơn là số phận của con người cá nhân trong tương lai xa; vì vậy, trong truyện của tôi, sci-fi là một thành tố quan trọng thì đúng hơn là một đặc trưng mang tính thể loại.






Vũ Lập Nhật

Bạn có thể quan tâm