Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trận thủy chiến 'vô tiền khoáng hậu' của binh chủng Tăng- Thiết giáp

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đại đội Tăng - Thiết giáp 45 thuộc tiểu đoàn Bộ binh Cơ giới 23 đã có một trận đánh độc đáo diệt tàu địch trên sông Vàm Cỏ Tây.

Trong cuốn ký sự Theo vết xích xe tăng tập 2 (NXB Hội nhà văn, 2004), ghi lại những hồi ức chiến đấu của các cựu chiến binh Tăng – Thiết giáp, Trung tá Lê Cát Lợi, nguyên nhân viên kỹ thuật Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 23 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp B2 đi cùng Đại đội 45 trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã kể lại chi tiết trận “tao ngộ chiến” vô tiền khoáng hậu này.

chien dich Ho Chi Minh,  xe tang Viet Nam,  Doan 232,  Dinh Doc lap,  30/4 anh 1
Xe tăng lội nước của quân giải phóng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.

Theo lời kể của tác giả Lê Cát Lợi, tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 23 được thành lập ngày 12/8/1974 tại khu rừng Cần Đăng thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, với biên chế gồm 3 đại đội xe bọc thép BTR 60 PB có phiên hiệu lần lượt là đại đội 42, 43, và 44, gồm 22 xe và 1 đại đội Tăng - Thiết giáp bơi nước hỗn hợp gồm: 3 xe K63-85, 2 xe BTR 50PK và BTR-50PK, 1 xe BTR - 50PK. Tiểu đoàn 23 trực thuộc sự chỉ huy của Sư đoàn 5 gồm 425 cán bộ chiến sĩ.

Ngày 14/4 Bộ Chính trị cho mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 22/4 tiểu đoàn triệu tập cuộc họp chỉ huy các đơn vị và các cán bộ đầu ngành để giao nhiệm vụ.

Theo đó, Sư đoàn 5 sẽ thuộc Binh đoàn 232 đảm nhiệm mũi tiến công theo hướng Tây Nam. Binh đoàn tiến đánh 2 hướng: Hướng chính gồm phần lớn lực lượng của binh đoàn đánh qua Đức Hòa, Đức Huệ, đánh qua Quang Trung, Phú Lâm, đánh vào Sài Gòn. Hướng phụ bỏ qua Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, tiến dọc sông Vàm Cỏ Tây đánh vào Long An, cắt đứt quốc lộ 4, không cho địch ở Sài Gòn và Cần Thơ ứng cứu nhau. Các đơn vị được phân công chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Đại đội 45 nhận nhiệm vụ vượt cánh đồng lầy cùng Sư đoàn 5 Bộ binh tiến dọc sông Vàm Cỏ tiến đánh Long An và chốt chặt lộ 4. Đại đội 45 được tăng cường thêm 2 xe tăng lội nước K63-85mm, nâng tổng số đầu xe lên 10 chiếc. Đồng chí Nguyễn Đắc Liên trực tiếp đi cùng Ban chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng là đồng chí Bùi Văn Ngự, chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Ký.

Tác giả Lê Cát Lợi kể lại chi tiết hành trình bốn ngày loay hoay vượt các bãi lầy trong Đầm Tháp Mười, đến tối 29/4 mới tới được rạch Ba Thằng Minh dừng lại làm công tác chuẩn bị bơi theo sông Vàm Cỏ Tây để về Long An.

“Chúng tôi kiểm tra và sửa lại chỗ nhét giẻ”, tác giả kể lại. “Tôi cho tháo hết sàn xe dựng lên để có gì thì dễ xử lý. Xe xuống rạch, nước rỉ vào từng tia bằng ngón tay. Chúng tôi, một mặt lấy cây lấy giẻ chèn lại, một mặt mở cả hai máy hút nước sàn xe.

Mới đầu thì lo lắm, lo làm sao bơi liên tục được 40-50 km, nhưng lâu quen dần. Hóa ra xe xuống nước rất vững chúng tôi thoải mái đi lại trong xe, xe không hề tròng trành. Nước chỉ cách nóc xe chừng 20 cm nhưng không sao, chỉ khi nào bơm nước phía sau bơm ra dòng nước mạnh, tức là nước trong xe đã nhiều, chúng tôi mới mở bơm nước phía trước. Chả mấy chốc chúng tôi đã ra đến ngã ba sông. Chỗ này là thôn Trà Cú, cách Tuyên Nhơn chừng 5-6 km. Chúng tôi xuôi dòng đuổi theo đơn vị”.

Bài viết tiếp tục kể lại chi tiết diễn biến trận đánh đặc biệt của đại đội tăng trên sông:

Màn đêm buông xuống, dòng sông mênh mang, ghe thuyền ngược xuôi. Nhân dân qua lại nhìn xe tăng bơi trên sông đều tỏ ra ngạc nhiên, nhiều chiếc ghe chạy sát lại gần chúng tôi xem xe tăng và chào bộ đội. Trăng hôm nay lên muộn, dòng sông mờ mờ ảo ảo. Bỗng chúng tôi thấy nhiều chiếc ca nô to, cao, hình thù giống nhau, chạy song song với chúng tôi xuống phía hạ lưu. Chiếc nào cũng phủ bạt kín mít, tắt đèn tối om. Nhân dân ghé vào bảo: “Các chú ơi, địch đấy, sao không bắn!”. Chúng tôi hỏi: “Địch đâu?” Nhân dân trả lời: “Những chiếc tàu to phủ bạt, không đèn là địch, các chú đừng bắn nhầm ghe của dân”. Như vậy đội hình của địch lẫn vào đội hình của ta.

Tiểu đoàn ra lệnh cho những xe đi đầu phát tín hiệu cho các ca nô dừng lại. Bọn địch lờ đờ như không biết, tăng tốc chạy xuôi. Tiểu đoàn ra lệnh nổ súng bắn chỉ thiên, chúng càng chạy nhanh. Không thể để chúng chạy thoát. Những xe đi đầu được lệnh dùng súng máy 12,7mm bắn tàu địch. Bọn địch cũng dùng đại liên và M79 bắn trả. Tiểu đoàn ra lệnh dùng súng phòng không 23 mm và 14,5 mm nhằm vào chiếc đi đầu. Từng loạt đạn đỏ lừ găm vào tàu địch. Đội hình địch rối loạn, trước sau đều thấy xe tăng ta. Chiếc tàu trúng đạn từ từ chìm xuống lòng sông. Lực lượng địa phương của ta cũng dùng ghe ập tới, buộc địch đầu hàng.

Ta hướng dẫn cho số ca nô còn lại ghé vào mạn phải sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn ấp Tân Đông, áp giải bọn chúng lên bờ. Chúng khai nhận đây là 2 giang đoàn thủy quân của chúng đóng tại Tuyên Nhơn, lợi dụng trời tối định chuồn ra biển. Chúng đâu có ngờ gặp đoàn xe tăng của ta đang bơi trên sông. Toàn bộ những tên trên chiếc tàu bị bắn chìm đã bị tiêu diệt, trong đó có một tên thiếu tá. Ta bắt sống 170 tên, cũng có một tên thiếu tá, thu toàn bộ 19 ca nô chiến đấu. Bên ta hy sinh một chiến sĩ. Đến giờ toàn thắng mà máu chiến sĩ xe tăng vẫn đổ... Tiểu đoàn giao cho bộ đội địa phương giải quyết số tù binh và chiến lợi phẩm.

Chúng tôi lại xuống sông tiếp tục hành quân. Bình minh đã tỏa sáng chân trời trước mặt. Nhìn đoàn xe tăng - thiết giáp bơi giữa dòng, chiếc nọ cách chiếc kia 200-300 m, nòng súng vươn cao, cờ Mặt trận Giải phóng phấp phới trên cột ăng ten trông vừa kiêu hãnh vừa ngộ nghĩnh. Quang cảnh ấy không chỉ những người lính xe tăng chúng tôi, mà tôi tin nhân dân hai bên bờ sông đều sung sướng và tự hào.

Chúng tôi đổ bộ lên phía trái chân cầu Long An, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Xe cộ tấp nập trên cầu không khí hân hoan náo nhiệt. Mười con mãnh hổ sau bốn ngày đầm dưới bùn lầy và một ngày vùng vẫy trên sông, nay xếp thành một dãy dưới chân cầu, nòng súng vươn cao vẫy chào nhân dân đang đứng đông nghìn nghịt hai bờ sông.

Tác giả Lê Cát Lợi sau này là Chủ nhiệm Bộ môn Tăng - Thiết giáp trường Quân sự Quân khu 7. Ông khẳng định trong sách: Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, bộ đội Tăng – Thiết giáp đã tham gia 15 chiến dịch lớn, đánh 211 trận, thì trận đánh địch trên sông Vàm Cỏ Tây lần ấy cũng là trận đánh độc nhất, nên anh em còn gọi một cái tên nữa cũng hay hay: “Trận thủy chiến vô tiền, khoáng hậu của binh chủng Tăng - Thiết giáp Việt Nam”.

Sách Theo vết xích xe tăng ghi lại hồi ức chiến đấu của các cựu chiến binh trong binh chủng Tăng – Thiết giáp, đã xuất bản được 2 tập. Hiện ban biên tập đang nỗ lực tập hợp bài viết để có thể ra được tập 3 nhằm chào mừng 60 năm ngày thành lập binh chủng vào tháng 9/2019 tới.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm