Bình luận
Tuyển Việt Nam đã có trận đấu quả cảm trên sân Sharjah. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo bị dẫn 2 bàn cho đến tận phút 79, nhưng vẫn có thể gỡ hòa 2-2 khi đồng hồ chỉ sang phút 90+1. Tuy nhiên, đẳng cấp của ngôi sao La Liga đã giúp Wu Lei mang về 3 điểm cho tuyển Trung Quốc ở phút bù giờ cuối cùng.
Đối thủ Trung Quốc không giấu tham vọng định đoạt trận đấu từ những pha không chiến, dựa trên ưu thế về thể hình, thể lực. Thực tế là họ cũng chẳng có vũ khí nào khác để lấn át tuyển Việt Nam, mà sự bế tắc trong hiệp một là minh chứng.
Chúng ta đã tập chống bóng bổng thế nào?
HLV Park Hang-seo đã dành nhiều thời gian tập cho các học trò đối phó lại những đợt “dội bom” ở tầm cao. Bộ 3 trung vệ được ưa thích nhất của ông dường như rất thuộc bài, trong những tình huống chủ động đón lõng đối phương.
Nhưng bàn thắng đầu tiên của Zhang Yuning lại đến từ pha phá bóng cầu may, khi hệ thống phòng ngự của chúng ta chưa kịp kích hoạt lại chế độ đánh chặn do toàn đội đang gây sức ép bên phần sân Trung Quốc.
Mắt xích đầu tiên là Bùi Tiến Dũng bị đánh bại trong pha tranh chấp gần giữa sân, dẫn tới sự đứt gãy tiếp theo của Quế Ngọc Hải ở khâu bọc lót, và cuối cùng là Đỗ Duy Mạnh không kịp can thiệp vào tình huống phát sinh.
Cả 3 bàn của Trung Quốc đều xuất phát từ những tình huống bóng bổng. |
Vẫn xuất phát từ bóng bổng, nhưng ngay khi bị kéo ra xa khung gỗ của Bùi Tấn Trường, lập tức hàng thủ của thầy Park phải trả giá. Đây rõ ràng là hình thái khác mà chúng ta không lường trước hoặc chưa kịp thích nghi.
Bị thủng lưới ở thời điểm thế trận đang cân bằng, tuyển Việt Nam đã không còn giữ được sự lạnh lùng, tỉnh táo. 2 bàn thua sau đến theo cùng kịch bản, thứ kịch bản phổ biến, quen thuộc mà bất cứ đội nào chơi tạt cánh đánh đầu đều sử dụng, nhưng chúng ta đã để nó xảy đến quá dễ dàng.
Wu Lei tất nhiên là ngôi sao cần đeo bám kỹ càng nhất bên phía Trung Quốc. Chúng ta đều biết sự nguy hiểm của tiền đạo đang chơi ở giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga), vậy mà anh ta vẫn lập cú đúp trong tư thế thoát việt vị hoàn toàn thoải mái. Những khoảng trống chết người đã bị khai thác lặp đi lặp lại, khi ông Park thay Bùi Tiến Dũng bằng Nguyễn Thanh Bình.
Cả 2 đường kiến tạo thành bàn không hề bất ngờ, vì nó đều rơi phía sau lưng Quế Ngọc Hải và khi ấy, cần có sự bọc lót của trung vệ lệch trái. Thanh Bình, về lý thuyết là đáp ứng được tiêu chuẩn trong các tình huống tập, nhưng đến tình huống thật, anh đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chúng ta thua tức tưởi Australia bởi pha nhỡ nhàng giữa thủ môn và trung vệ. Gặp tuyển Trung Quốc, chúng ta tiếp tục thủng 2 lần tương tự thế. Vậy thì hiệu quả của các bài tập chống bóng bổng đang phiêu dạt nơi đâu?
Chúng ta có thể đá tấn công
Truyền thông Trung Quốc điểm mặt chỉ tên từng cầu thủ Việt Nam trong các buổi tập, dù HLV Park Hang-seo đã dùng chiêu đổi áo. Điều đó nghĩa là ban huấn luyện của Li Tie đã thuộc nằm lòng cách bài binh bố trận của tuyển Việt Nam.
Nhưng ông Park vẫn ra quân bằng đội hình không có bất cứ xáo trộn nào. 11 cái tên đá chính đều nằm trong dự đoán, kể cả Phan Văn Đức là cầu thủ đang mất phong độ trong thời gian dài và thậm chí còn dính chấn thương.
Với đội hình ấy, các chuyên gia phân tích ông Park muốn giằng co, duy trì thế thủ trong phần lớn thời gian và tung những quân bài đột biến vào cuối trận. Đây là phong cách cầm quân đặc trưng của ông trong hầu hết trận đấu với đối thủ mạnh hơn. Ông từng thành công với nó trong quá khứ, nhưng đã thất bại cả 3 lần gần nhất.
Trận gặp Trung Quốc là lần thứ 4, thuyền trưởng người Hàn Quốc tiếp tục duy trì toan tính kiểu này. Tuy nhiên, khác với UAE, Saudi Arabia hay Australia, thầy Park nhận thấy tuyển Trung Quốc không quá vượt trội về kỹ thuật và chiến thuật. Ông muốn tạo thế trận dồn ép ngay đầu hiệp 2, nghĩa là thay đổi về tư duy tiếp cận nhưng lại không thay đổi về nhân sự.
Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng được coi là phù hợp khi tuyển Việt Nam chuyển trạng thái sang phản công hay tấn công mạch lạc hơn. Tiếc rằng họ chỉ được thay vào khi đội đã bị dẫn bàn (Văn Toàn) hoặc được sử dụng quá ít (Công Phượng phút 86 mới có mặt trên sân).
Hiệu quả của những đổi thay này như thế nào, tất cả đều đã rõ. Tuyển Việt Nam chỉ thực sự bùng nổ trong 10 phút, lúc đã thua 2 bàn cách biệt. Đó là khi chúng ta chơi tấn công quyết liệt, trực diện, vây ráp triệt để hòng tìm bóng, đoạt bóng và đưa nó đến cầu môn đối phương nhanh nhất.
Hoàng Đức là điểm sáng trong sơ đồ chiến thuật của tuyển Việt Nam. Ảnh: AFC. |
Chúng ta không thu mình lại, rập rình phòng thủ chờ phía bên kia sơ hở. Chúng ta cũng không rụt rè, phân vân nữa trong việc gia tăng quân số ở những khu vực có thể tận dụng thời cơ. Và chúng ta quyết đoán hơn trong những lựa chọn của mình, như Nguyễn Hoàng Đức sút xa ngoài 20 m đầy uy lực, Hồ Tấn Tài xử lý gọn gàng để tung cú sút hiểm hóc thành bàn, hay pha phối hợp điển hình cho sự nhạy bén và chuẩn xác giữa Công Phượng, Quang Hải để mang về bàn gỡ 2-2 của Tiến Linh.
Đấy mới là thứ bóng đá mà người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng ở sân chơi đẳng cấp như vòng loại cuối cùng World Cup. Đấy mới là những khoảnh khắc mà thầy trò ông Park cho thấy sự tiến bộ của mình qua tích lũy, qua va chạm, cũng như triển vọng thu hẹp khoảng cách với nhóm đầu châu Á.
10 phút ghi 2 bàn vào lưới Trung Quốc, cũng như 10 phút ghi 2 bàn vào lưới UAE, điểm chung là tuyển Việt Nam đều bừng sáng khi bị dồn vào thế chân tường. Tại sao chúng ta không nhân bản những phút huy hoàng ấy thường xuyên hơn, chủ động và ở những thời điểm có lợi hơn?
Chúng ta sẽ không quá thất vọng với những trận thua, bởi đây mới là lần đầu tiên chúng ta được chen chân vào bảng đấu sống còn của các quốc gia giàu truyền thống. Chúng ta chỉ thất vọng khi không thể, hoặc không đủ bản lĩnh trình diễn hết năng lực của mình. Năng lực sáng tạo và dứt điểm của các tuyển thủ Việt Nam, năng lực xoay chuyển tình thế của thầy Park - tất cả đều tồn tại và hiện hữu, chỉ có điều, chúng ta kích hoạt nó ở mức nào.
Sự thận trọng và tính toán của thầy Park là chính đáng, nhất là khi tuyển Việt Nam bắt đầu hành trình săn vé đến Qatar, cũng như cần kiểm chứng khả năng chịu áp lực ở trình độ cao. Nhưng giờ là lúc các cơ hội thực tế xa dần và lối chơi phòng thủ đã không chứng minh hiệu quả.
Liệu đây có phải điểm khởi đầu cho những tư duy cởi mở, mạo hiểm, tấn công tích cực và cũng là động lực cho những cái tên mới mẻ hơn? Trong những lúc khó khăn nhất, chúng ta đã nhìn thấy vai trò của Trần Minh Vương, Hồ Tấn Tài. Và ngay cả những sai lầm như của Nguyễn Thanh Bình hôm nay cũng có giá trị của nó, cho mai sau.