Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Quốc Toản: Từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử

Qua ngòi bút của tác giả Lưu Sơn Minh, nhân vật Trần Quốc Toản như hiện thân của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết ái quốc nhưng cũng có bao dằn vặt bên trong.

Nối tiếp thành công của truyện dài dành cho thiếu nhi Trần Quốc Toản, Sơn Minh tiếp tục thổi một làn gió mới vào hình tượng vị anh hùng trẻ tuổi với tiểu thuyết lịch sử cùng tên.

Trong buổi trò chuyện với độc giả tại Hà Nội nhân ra mắt sách ngày 15/6, nhà văn cũng chia sẻ quan niệm về nghề viết của mình. Anh cho rằng mỗi người viết phải có trách nhiệm với độc giả về những điều mình viết ra, nhất là với viết về đề tài lịch sử.

tieu thuyet lich su Tran Quoc Toan anh 1
Nhà văn Lưu Sơn Minh ký tặng sách cho độc giả.

Khi câu chuyện lịch sử mà người viết sáng tạo đang còn nhiều lẩn khuất chưa được giải đáp thì họ không nên dừng công việc làm sáng tỏ điều đó. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến cho tác giả chấp bút để viết tiếp.

Trần Quốc Toản là tác phẩm được nhà văn sáng tạo thêm từ truyện ngắn Nước mắt trúc, đã khắc họa nhiều góc nhìn đan cài nhau về người anh hùng nhỏ tuổi. Đó là một người con hiếu thuận và muốn bảo vệ mẫu thân trước sự xa lánh của gia tộc cho đến sự mặc cảm tự ti khi số phận mình bị lãng quên trong triều đại. Chính cách khắc họa nội tâm cá nhân người anh hùng dân tộc trong mối quan hệ phức tạp với tuổi trẻ, gia tộc, tổ quốc, thời đại đã đem đến điểm khác biệt nổi bật cho tác phẩm.

tieu thuyet lich su Tran Quoc Toan anh 2
Nhà văn Sơn Minh (ở giữa) chia sẻ với khán giả.

Chia sẻ về việc vẽ minh họa cho tiểu thuyết này, họa sĩ Thành Phong nhận thấy mình có duyên với những nhân vật thời Trần. Cái duyên đó xuyên suốt từ bộ truyện Long thần tướng lấy bối cảnh thời Đông A cho đến tiểu thuyết về người anh hùng trẻ tuổi nhất cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Đã từng hợp tác cùng tác giả Lưu Sơn Minh trong tác phẩm Trần Khánh Dư, Thành Phong cho biết tạo hình hai nhân vật đều tập trung vào những điểm nổi bật của người thời Trần như: nhuộm răng, xăm mình. Điểm khác biệt ở chỗ  Trần Quốc Toản được tập trung thể hiện sự non nớt hồn nhiên còn Trần Khánh Dư mang đậm sắc thái ngạo nghễ oai hùng.

tieu thuyet lich su Tran Quoc Toan anh 3
Tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản của nhà văn Lưu Sơn Minh.

Thành Phong cũng chia sẻ trong tương lai sẽ thực hiện nhiều dự án vẽ minh họa về đề tài lịch sử để khai phóng bản thân, sáng tạo thêm nhiều phong cách mới.

Tác giả Lưu Sơn Minh sinh năm 1974.

Truyện ngắn lịch sử Chim sâm cầm chưa về (về án oan Thái sư Lê Văn Thịnh) được chọn là Truyện ngắn của năm 1996 trên báo Văn nghệ trẻ.

Các tác phẩm đã in:

- Mưa sâm cầm (tập truyện ngắn).

- Trần Khánh Dư (tiểu thuyết lịch sử).

Họa sĩ vẽ minh hoạ 'Linh Nam chích quái' và cái nhìn về lịch sử

Hơn 200 bức tranh minh họa trong cuốn sách được vẽ tay hoàn toàn. Một kỳ công thực sự của họa sĩ Tạ Huy Long, thể hiện tâm huyết và tài năng của anh.

Thanh Nhàn

Bạn có thể quan tâm