Không chỉ tại Mỹ, vài năm gần đây Black Friday đã trở thành một trong những dịp giới kinh doanh, người tiêu dùng Việt Nam chờ đợi nhất năm. Black Friday năm nay rơi vào 27/11, nhưng hiện nay một số cửa hàng, thương hiệu lớn đã "rục rịch" giảm giá trước để thu hút khách hàng.
Khảo sát dọc các tuyến phố thời trang lớn ở Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy... các biển quảng cáo giảm giá đã giăng kín vỉa hè với mức giảm giá 50-70%. Để hút khách, các cửa hàng còn có chiêu ưu đãi như: Đồng giá, mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, giảm giá khi mua sản phẩm thứ 2…
Chị Hằng, quản lý một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết thời điểm này là "thời cơ" để tăng doanh số sau thời gian hoạt động kinh doanh bị “đóng băng” vì dịch Covid-19. Vì thế, ngay sau ngày Lễ Độc thân 11/11, cửa hàng chị triển khai luôn chương trình giảm giá Black Friday để thu hút khách hàng.
Hơn một tuần nữa mới đến Black Friday nhưng nhiều cửa hàng đã tung khuyến mại “khủng” để thu hút khách hàng. Ảnh: Thanh Thương. |
Theo chị, khoảng 3, 4 năm trước khi trào lưu giảm giá ngày Black Friday mới xuất hiện ở Việt Nam, doanh số của cửa hàng chị tăng rất nhiều so với ngày bình thường, khoảng 50-70%. Tuy nhiên, đến năm 2018, 2019 thì lượng khách đến mua ngày này càng ít đi, doanh số vì thế mà giảm theo. Chị cũng dự đoán do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách năm nay sẽ giảm hơn so với năm ngoái.
Ngoài các cửa hàng thời trang, hiện một số trung tâm thương mại cũng đã “rục rịch” giới thiệu nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng. “Nắm bắt tâm lý khách hàng ngại đi mua vào ngày Black Friday sẽ đông nên thường tranh thủ đi mua trước. Vậy nên cửa hàng đã giảm giá từ sớm để đón đầu lượng khách này”, nhân viên một cửa hàng thời trang chia sẻ.
Dù ngập tràn khuyến mại, nhiều khách hàng vẫn không dễ mua được những sản phẩm ưng ý. Trên đường Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), Hương Giang, sinh viên một trường đại học bước ra tay không từ một cửa hàng có dán thông tin giảm giá 50-70%.
Theo Giang, đúng là cửa hàng có giảm 50% thật, nhưng hầu hết sản phẩm được giảm giá đều là mẫu từ mùa hè, thậm chí có cả sản phẩm rất cũ từ mùa đông năm ngoái. "Các mẫu mới thì vẫn nguyên giá hoặc được giảm rất ít chỉ 10%. Giảm 50% chỉ là chiêu thu hút khách hàng mà thôi", Giang bức xúc.
Sau nhiều lần "săn" hàng giảm giá, chị Thương (Thanh Xuân, Hà Nội) thừa nhận: "Cứ tưởng mua được hàng rẻ nhưng thực ra rất lãng phí, nhiều bộ quần áo vì thấy được giảm giá mạnh nên tôi bất chấp mua, về rồi chỉ mặc được một lần".
Mặc dù triển khai khuyến mãi Black Friday từ sớm, không khí mua sắm tại trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn ảm đạm. Ảnh: Thanh Thương. |
Trái ngược với thị trường bán lẻ truyền thống ồ ạt khuyến mại, các sàn thương mại điện tử trong nước vẫn khá yên ắng sau khi dồn lực giảm giá khủng cho ngày Lễ Độc thân (11/11). Hiện mới chỉ có Sendo quảng cáo chương trình mua sắm siêu sale "khủng" nhất năm diễn ra từ 20/11.
Theo chị Nguyễn Hồng Nhung, chuyên gia truyền thông, việc nhiều cửa hàng tung khuyến mại trước gần hai tuần khiến sự kiện Black Friday bị dàn trải thiếu tập trung. Hơn nữa, Black Friday ở Việt Nam chưa thực sự đúng nghĩa và bị biến tướng bởi nhiều cửa hàng lợi dụng sự kiện này để giải phóng hàng tồn, hàng cũ, hàng hết size... Trong khi tại Mỹ, hàng giảm giá ngày Black Friday đều là mặt hàng chất lượng, có giá trị lớn.
"Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu lớn, cửa hàng uy tín để mua. Với các shop nhỏ lẻ, trước khi mua hàng giảm giá, cần xem xét rất kỹ mức giá của sản phẩm cũng như chất lượng", chị Nhung chia sẻ.
Hà, một người chuyên săn hàng khuyến mại từ vài năm trở lại đây đã chuyển hướng đặt hàng từ dân order hàng nước ngoài vào dịp Black Friday. Theo chị, mặc dù mất thêm phí, đổi lại chị không phải chen lấn mệt mỏi tại các trung tâm thương mại, mà lại có thể mua hàng chất lượng từ các nhãn hàng lớn.