Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc

18 người bị chôn vùi ở Hòa Bình, hàng nghìn ngôi nhà bị chìm trong nước trong nhiều ngày là hình ảnh đau buồn trong trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc.

TRẬN LŨ LỊCH SỬ HOÀNH HÀNH MIỀN BẮC

18 người bị chôn vùi ở Hòa Bình, hàng nghìn ngôi nhà tại Ninh Bình và ngoại thành Hà Nội bị chìm trong nước nhiều ngày, khiến cuộc sống người dân đảo lộn là hình ảnh đau buồn trong trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 1

Do tác động của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 9-11/10, mưa lớn xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Bắc, gây ngập nhà cửa, cuốn trôi cầu cống, đường giao thông và tài sản của người dân.

Đặc biệt, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại về người tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La. Tính đến hết ngày 14/10, mưa lũ đã khiến 68 người thiệt mạng, 34 người mất tích và 32 người bị thương.

Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đất tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) vào rạng sáng 12/10, khiến 18 người bị vùi lấp. Vào thời điểm sạt lở, hai phụ nữ đón cháu đi học qua khu vực này may mắn thoát nạn. Theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, còn hàng chục điểm sạt lở khác trên tỉnh lộ 433.

Toàn cảnh đợt mưa lũ bất thường khiến 54 người thiệt mạng Đợt mưa lũ bất thường làm hơn 50 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích. Lũ về cuốn trôi nhiều ngôi nhà, cầu đường và tài sản của người dân.

Hàng trăm người tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất

50 chiến sĩ CSCĐ Hòa Bình tham gia công tác cứu hộ. Lực lượng thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình, huyện Tân Lạc có 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội. Địa phương này còn nhận lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được chi viện từ Bộ Quốc Phòng, Hà Nội và dùng chó nghiệp vụ để tăng hiệu quả tìm kiếm.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 6

Những chiếc máy xúc, máy ủi được điều đến xóm Khanh làm việc không xuể bởi khối lượng đất đá đổ ụp xuống quá lớn. Việc triển khai tìm kiếm cứu nạn 18 con người gặp vô vàn khó khăn. Trong sáng 12/10, các lực lượng tìm được 8 thi thể. 15h chiều cùng ngày thi thể thứ 9 được tìm thấy và nạn nhân thứ 10 được phát hiện vào sáng hôm sau (13/10). Lúc này vẫn còn 8 người mất tích. Các chiến sĩ chia sẻ chưa bao giờ bầu trời xóm Khanh lại tối nhanh đến vậy.

Ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, cho biết lực lượng cứu hộ đã làm việc hết sức, với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để nhanh chóng tìm thấy những người còn lại.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 10

Sau những giờ tìm kiếm người đến kiệt sức, các chiến sĩ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tranh thủ nghỉ ngơi. Họ chỉ được nghỉ 2 tiếng vào buổi trưa và kết thúc khi trời tối sầm.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 11

Nhiều ngôi làng bị cô lập

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước lũ trên sông Mã qua Thanh Hóa và sông Hoàng Long qua Ninh Bình vượt giá trị lịch sử 30-40 năm trước.

Trong những ngày bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt xảy ra trên diện rộng ở Ninh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình. Tỉnh Nghệ An có 34 nhà dân bị sập, gần 1.000 hộ bị ngập nước, 8 người chết. Tại Hà Tĩnh, nhiều huyện miền núi bị nước lũ chia cắt. Sơn La có 64 ngôi nhà bị hư hỏng, 9 nhà phải di dời khẩn cấp, trôi ngập 43 ha lúa. Riêng tỉnh Yên Bái, hơn 1.100 ngôi bị thiệt hại, trong đó 46 nhà bị sập trôi hoàn toàn.

Tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nước lũ tràn vào nhà từ đêm 10/10, sáng hôm sau, người dân ở nhiều ngôi làng thuộc thị trấn Xuân Mai và các xã khác trở tay không kịp. Có những ngôi làng bị cô lập với bên ngoài, những căn ở gần đê bị ngập gần tới nóc nhà. Người dân đành phải bỏ nhà cửa để tìm chỗ nương náu.

Theo người dân xã này, đợt lụt năm nay gần giống trận ngập trên diện rộng ở Hà Nội năm 2008, mực nước có lúc sâu đến 1 m. May mắn, toàn thôn vẫn được đảm bảo có điện sử dụng. Tuy nhiên nước giếng bị ngập nên nhiều người phải xách từng xô hoặc mua nước đóng chai về sử dụng.

Khi phóng viên có mặt, toàn bộ các ngõ nhỏ, lối ra vào và bên trong nhiều ngôi nhà đều bị ngập cả mét. Nhìn số thóc gạo may mắn được đưa lên cao kịp thời, bà Liên vẫn không khỏi thắc thỏm: “Chỉ lo nước lũ dâng cao thì số thóc này cũng mất trắng thôi”. Đầu ngõ, ông Toản kéo lê thùng thức ăn cho lợn đang được di tản ở sân nhà văn hóa thôn. Vừa làm con cá bắt được quanh nhà, anh Trung cũng dùng luôn nước lũ để rửa dao thớt. “Nước sạch phải đi xách từng xô về nên tiết kiệm được chút nào hay chút đấy”, anh Trung nói.

Chị Mai, một người dân ở xã Tân Tiến cho biết gia đình vẫn cố vớt vát được chút rau xanh cho bữa cơm mấy ngày biến thành "sông". Còn dư một chút, chị và chồng lặn lội mang rau ra đầu làng đổi lấy thịt.

Tại ngôi nhà kế bên, bà Phùng Xuân Cương khệ nệ bê mâm cơm lên nhà người em để dùng bữa. Từ lúc nước mới ngập, hai cụ thân sinh của bà Cương được người con thứ đón đi chăm sóc, còn gia đình bà chuyển sang trú tạm tại nhà ông con út, nơi ít bị ngập hơn.

Đến quá buổi trưa 14/10, nước còn ngập cả vào trong nhà dù bậc cửa cao hơn nửa mét, gia đình bà Liên (xã Tân Tiến) buộc phải ăn cơm ngay trên bàn bi-a. Bên ngoài ngõ, anh Phong hì hục chèo chiếc bè mà anh tự thiết kế cho mình làm từ thùng bia hơi với vài chiếc chai nhựa. “Ngập lụt này thì bán hàng được cho ai nữa. Rảnh quá nên tôi cũng làm cái bè này để dễ bề đi lại”, chủ quán bia chia sẻ.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 20

Khốn khổ trong nước lũ

Trong 3 ngày từ 9-11/10, lượng mưa tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình lên đến 400 mm. Riêng ngày 11/10, lượng mưa đạt 180 mm gây ngập nhiều khu vực trong tỉnh.

Mưa lớn làm nước sông Hoàng Long đến mức 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23 m). Tại nhiều điểm, nước sông đã gần bằng mặt đường. Những khu vực ngoài đê sông Hoàng Long, đường tới chùa Bái Đính đều bị ngập nặng.

Ông Tiến (70 tuổi) ở xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, cho biết sau khi nhà bị ngập đến gần mái, gia đình phải di chuyển đến nhà con cái để tránh lũ.

Nước dâng cao cũng khiến 1.700 ha lúa tại huyện Gia Viễn bị ngập, trong đó có 200 ha mất trắng. Ông Đào, một người dân cho biết dù lúa còn xanh nhưng ông vẫn phải cố gặt vì để ngoài đồng sẽ mất trắng. Nhà ông có hơn một mẫu ruộng nhưng chỉ có hai vợ chồng gặt. Do nước lên hai ngày nên gia đình mới mang về được hơn một sào vì vừa gặt vừa mò mẫm, rất chậm.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 26

Người trong làng đã khổ, dân ở ven sông còn bi đát hơn. Tại xã Gia Thanh nước sông Đáy lên quá nhanh vào đêm 11/10 khiến bà con nơi đây không kịp trở tay. Những ngày này, họ chỉ có thể di chuyển bằng thuyền.

Tại đầu một con ngõ, bà Ngoãn (xã Gia Thanh, Gia Viễn) còng lưng đẩy xe di chuyển đàn vịt vào trong đê vì bên ngoài không còn chỗ nào cho chúng trú ngụ. Các tài sản có giá trị được các gia đình nơi đây di chuyển lên cao để tránh bị ngập.

Một số ngôi nhà không có người ở do họ đã đến nhà người thân phía trong đê trú tạm, chờ nước rút. Ông Phạm Hữu Đô cho biết làng ông ở đã nhiều lần ngập nhưng mọi năm nước chỉ lên đến sân, riêng năm nay nước tràn vào tận trong nhà. Hai ông bà đành kê ghế lên ngủ tạm để trông coi tài sản.

Cũng trong cơn lũ lịch sử ở Ninh Bình, nước sông Nho Quế dâng cao gần như nhấn chìm các thôn ven sông của xã Lạc Vân, huyện Nho Quan hai ngày 12 và 13/10. Khi đạt đỉnh nước dâng lên tận mái, ngôi nhà của ông Bạo đang xây dựng bị ảnh hưởng rất lớn. Ngày đầu ông ở cheo leo trên tầng 2, hôm sau qua trường Tiểu học Lạc Vân trú nhờ. Những người hàng xóm của ông ban đầu còn có một ít nước ngọt dự trữ nhưng qua 3 ngày, nước dần cạn kiệt, họ phải tận dụng nước lũ để vo gạo, rửa rau, tắm giặt.

Trớ trêu hơn, một gia đình có 10 thành viên phải chen chúc trên chiếc gác xép nhỏ chỉ vài mét vuông ngủ qua đêm. Còn anh Thảo, nhà gần đó thì tận dụng thùng chiếc ôtô tải để ở tạm bởi tầng 2 của nhà mình anh nhường cho người khác ở nhờ.

Tâm sự với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Liên (xóm Bình An, xã Lạc Vân) nói cả đời chưa bao giờ thấy nước dâng cao như vậy. "Bình thường, nước chỉ mấp mé mặt sàn, nhưng lần này ngập đến tận cổ. Tuy nhiên, do chủ quan đồ đạc trong nhà bà như tivi, tủ lạnh và 3 tủ quần áo bị ướt hoặc ngâm dưới nước và hư hỏng. Chiều 13/10, bà phải quay về nhà để dọn dẹp.

Gần đó, nhà anh Thắng phải cho lợn nằm trên giường. Sau khi nước rút, anh vội cho lợn xuống đất vì nó cắn nát chỗ ngủ này. Cả gia đình anh sống trên gác xép nhỏ hẹp, còn chú chó buộc phải xích trên thuyền. Do nước lũ dâng cao quá đầu người, các loại xe máy, xe đạp của người dân cả làng bị bỏ xó, ngâm nước, không thể di chuyển.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 31

Nỗi đau của người này, cơ hội của kẻ khác

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa mưa lũ đã nhấn chìm trên 137 ha lúa; hơn 2.500 ha ngô; 1.453 ha rau màu; trên 1.012 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu.

Mưa lũ lên nhanh gây ngập trang trại và làm chết gần 4.000 con lợn. Người dân và chính quyền đều bất lực vì nước lên quá nhanh.

Khu vực ngoại đê sông Hép bị ngập sâu từ 1,5–2 m. Nằm tại khu vực này, toàn diện tích trang trại lợn của Trại giam số 5, Nông trường Thống Nhất với quy mô gần 4.000 con đều bị ngập.

Còn tại Hòa Bình, hàng nghìn cây cam trên cánh đồng ở huyện Cao Phong đổ gục xuống nước hoặc rụng tơi tả khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Ước tính, mỗi hộ nông dân bị thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Tổng cộng có hơn 20 hộ dân trồng cam bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (khu 2 thị trấn Cao Phong) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 300 gốc bị thối rễ, cuốn trôi. "Thiệt hại gần 400 triệu đồng, năm nay gia đình tôi coi như mất trắng", anh Tùng tâm sự.

Vườn cam nhà ông Nguyễn Văn Tiến (khu 3 thị trấn Cao Phong) bị ngập một nửa. Ông cho biết hơn 80 cây cam trồng trên diện tích 800 m2 bị mất trắng, thiệt hại gần 40 triệu đồng.

Nhiều cây nằm gục xuống dòng nước lũ đục ngầu. Hầu hết gốc cam phải bỏ đi vì đã bung rễ, không thể cứu vãn.

Do lượng mưa ở Gia Viễn lên đến 400 mm, 520 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập trắng, cá tràn bờ ra ngoài rất nhiều. Trên khúc sông Bắc Rịa dài chưa đầy một km ở xã Gia Phong, Gia Viễn, Ninh Bình có đến hơn 10 thuyền đánh cá khi nước lên. Còn tại khu vực xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, các nhóm thanh niên tranh thủ đi câu cá vừa để giải trí, vừa có thức ăn.

Trong ngày 12/10, người dân đánh bắt liên tục từ sáng đến tối với lượng cá nhiều hơn hẳn mọi ngày. Có người thu được cả tạ cá mang đi bán. Trong đó, có rất nhiều cá trắm cỏ, cá chép có trọng lượng lên đến hơn 2 kg/con. Giá cá trắm cỏ, cá chép dao động khoảng 40.000 đồng/kg cho loại cá 2 kg.

Mưa lớn kéo dài 4 ngày, nước từ các suối chảy xuống khiến gần 200 m quốc lộ 6 qua huyện Mai Châu bị ngập sâu gần 2 m, giao thông tê liệt. Riêng ngã ba Tòng Đậu (đoạn quốc lộ 6 chạy qua huyện Mai Châu, Hòa Bình) nối với tỉnh Sơn La bị ngập nặng. Giao thông qua khu vực này hoàn toàn bị tê liệt.

Để di chuyển qua đoạn ngập dài gần 200 m, người dân địa phương dùng thuyền nhôm và bè. Tận dụng cơ hội, nhiều người mở dịch vụ chở người và xe máy qua đoạn ngập. Mỗi lượt chở khách đi và về, họ thu từ 20.000 - 30.000 đồng; thậm chí 100.000 đồng/lượt, nếu hàng cồng kềnh. Biết là đắt nhưng không còn cách nào, nhiều người đành chi tiền để thoát qua chỗ ngập cho nhanh. Các bệnh nhân đi cấp cứu qua đây đều phải nhờ đội chuyên chở này.

Theo Ban chỉ huy quân sự huyện Mai Châu, chính quyền đã huy động nhiều thuyền và bè để chở người dân miễn phí qua đoạn ngập nhưng do lượng khách quá đông, nhiều người vẫn phải đi thuyền ngoài và mất phí. Các phương tiện muốn di chuyển lên Sơn La phải đi từ Hà Nội vòng qua quốc lộ 32, lên quốc lộ 37 đi Phù Yên ra Cò Nòi mới đến nơi. Đoạn đường này xa hơn rất nhiều khi đi qua quốc lộ 6.

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 41

Trước đó, do lượng mưa quá lớn khiến thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả. Lúc 8h ngày 11/10, lưu lượng đến hồ ở mức 13.000 m3/s (trên báo động 3 là 1.000 m3/s). Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên chậm, lúc 7h ngày 11/10, ở mức 3,68 m (dưới báo động 1 là 5,82m).

Luc luong cuu ho tai vu sat lo o Hoa Binh anh 42

Nhóm phóng viên

Đồ hoạ: Minh Trí - Hiền Đức

Bạn có thể quan tâm