Một ngày rưỡi sau trận lũ lịch sử chôn vùi 18 người, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm để đưa các thi thể tiếp theo ra bên ngoài. Địa hình phức tạp, mưa như trút nước, nhiều lúc lực lượng tìm kiếm phải bỏ chạy vì đất đá từ trên cao tiếp tục sạt xuống.
Đứng từ trên quả đồi cao đối diện, anh Bùi Văn Dũng (26 tuổi, xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) dõi mắt nhìn theo đoàn tìm kiếm.
Anh Dũng, vợ và cô con gái may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc nhưng căn nhà sàn hai vợ chồng bao năm xây dựng đã biến mất không một dấu vết.
Bị lũ chôn vùi căn nhà, trâu bò nhưng anh Dũng vẫn cảm thấy may mắn. Anh bảo nếu tổ tiên không phù hộ độ trì có lẽ gia đình anh đã nằm dưới đống đất đá khổng lồ.
Chiếc đèn pin cứu mạng cả gia đình
Hướng ánh mắt về dòng thác Khanh, anh Dũng kể: “Lúc đó trời tối đen như mực. Đang ngủ, tôi chỉ nghe một tiếng ầm trên đầu, mặt đất chuyển động dữ dội. Mở mắt ra, tôi thấy mình nằm giữa trời, hai chân bị đất đá đè lên, đau điếng”.
Rút chân ra khỏi bùn đất, anh Dũng hoảng loạn dùng tay mò xung quanh để tìm vợ con nhưng không thấy. Bất chợt anh tìm được chiếc đèn pin.
Ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn pin bật lên, cách đó khoảng 10 m, vợ con anh Dũng đang giẫy giụa bị đất đá đè nửa thân người.
“May mắn là khi ngủ tôi đắp chăn nên khi đất đè lên người, việc rút chân ra không quá khó khăn. Tôi lao về phía vợ con, dùng thanh gỗ bị vỡ ra từ xà nhà để đào đất, cứu vợ con mình”, anh Dũng nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Vừa đào bới, anh vừa gào thét để có ai nghe được đến cứu giúp. Nhưng 18 người hàng xóm của anh đều đã bị đất đá chôn vùi. Tiếng ầm ầm từ trên cao vẫn vọng xuống. Đất đá đỉnh thác Khanh tiếp tục đổ xuống hạ nguồn.
Khi vợ con đã được giải thoát khỏi đống đất đá, anh Dũng một tay bế con gái, một tay dìu vợ chạy về phía các gia đình ở trên con dốc gần đó kêu cứu.
Thoát khỏi vùng nguy hiểm, chị Bùi Thị Hợp (20 tuổi, vợ anh Dũng) nằm vật xuống đất, mặt tái nhợt. Họ chợt nhận ra mình vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Anh Dũng bảo chiếc đèn pin cũ, ánh sáng lờ mờ chính là ân nhân cứu mạng cả gia đình mình. Nếu không có nó, chính anh cũng không biết đường chạy ra ngoài chứ đừng nói đến cứu vợ con.
Sau đó, anh Dũng và vợ con được đưa về nhà mẹ vợ cách đó vài trăm mét. Họ sợ hãi ngồi ôm nhau trong một góc. Phía ngoài, bước chân đội cứu hộ chạy rầm rập, thỉnh thoảng ngôi nhà lại rung lên vì đất đá tiếp tục đổ ầm ầm.
Đại tang xóm nghèo
Chiều 13/10, anh Dũng rời khỏi nhà, đi bộ ra quốc lộ 6 để đi viếng đám tang. Khuôn mặt nhợt nhạt, anh quặn lòng nhìn về phía đám ma tập thể với 5 chiếc quan tài dàn hàng. Nằm ở đó là những người hàng xóm xấu số. Hai ngày trước anh Dũng và họ vẫn trò chuyện vui vẻ cùng nhau.
Anh lắc đầu bảo: “Sau sự cố kinh hoàng ấy, vợ con tôi vẫn sợ hãi chưa dám ra ngoài. Con bé mới 2 tuổi nhưng đã phải hứng chịu nỗi ám ảnh suốt đời. Tối qua ngủ, con tôi thỉnh thoảng lại giật mình”.
Đại tang với 5 chiếc quan tài nằm song song ở xóm Khanh. Đó là 5 trong số 18 người bị đất đá vùi lấp đã được tìm kiếm. Ảnh: Văn Chương. |
Thác Khanh vốn hiền hòa. Dưới dân thác có 8 hộ dân sinh sống yên bình. Chưa bao giờ họ nghĩ, con thác này sẽ “nổi giận”, cướp đi sinh mạng của chừng ấy con người.
Khi tôi hỏi có về lại chân thác Khanh để dựng nhà, anh Dũng lắc đầu. Anh nói rằng thời gian cũng không thể làm mờ được nỗi ám ảnh, vết sẹo trong tâm trí vợ con mình.
“Vợ chồng tôi sẽ tìm nơi khác. Nhưng giờ đây, bao nhiêu năm tích cóp, chúng tôi phải làm lại từ đầu, từ con số không”, người đàn ông may mắn thoát chết buồn rầu.
Đến 14h chiều nay (13/10), ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết đã tìm thấy 10 thi thể trong tổng số 18 nạn nhân vị đất đá chôn vùi. Người được tìm thấy sau cùng là một người đàn ông hơn 70 tuổi. Khi được đội cứu hộ tìm thấy, người này bị mất một bên tay.
Ông Sứ khẳng định đội tìm kiếm cứu nạn đang tích cực tìm những nạn nhân còn nằm dưới núi đất khổng lồ. Trong khi đó, khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.