Giữa làn sóng liên tiếp những thông tin nặng nề về phong tỏa và số ca bệnh Covid-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus corona mới (SARS-CoV-2), mạng xã hội thời gian qua xuất hiện rải rác một vài thông tin tích cực về "mẹ thiên nhiên": từ đàn thiên nga rồi cá heo trở về những kênh đào Venice, đến đàn voi dạo quanh ngôi làng và uống rượu ngô đến say mèm tại Vân Nam, Trung Quốc.
Những thông tin mang màu sắc tích cực về đời sống hoang dã "hồi sinh" giữa giai đoạn u ám vì dịch bệnh lập tức được đón nhận nhiệt thành, với hàng nghìn lượt chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, từ Twitter, Facebook đến Instagram và Tik Tok, thậm chí đã xuất hiện trên mặt báo. Nhiều người cho rằng đây là điều tích cực hiếm hoi giữa đại dịch, khi động vật hoang dã đang trở lại và tự do sinh sống trong một thế giới mà con người ít can thiệp hơn trước.
Tuy nhiên, những thông tin "tươi đẹp" đó, đáng tiếc, lại không đúng sự thật.
Giữa giai đoạn khủng hoảng, người dùng mạng xã hội dễ bị thu hút bởi những thông tin tích cực về thiên nhiên hồi sinh dù một số là tin giả. Ảnh: Getty. |
Sống ở Ấn Độ, đăng chuyện Venice
Bầy thiên nga thành Venice được bàn tán trên mạng thật ra là một điều rất quen thuộc tại Burano, một hòn đảo nhỏ ngoài khu đô thị Venice. Cá heo trở về Venice cũng là tin giả, vì hình ảnh được chia sẻ vốn dĩ được ghi lại ở cảng Sardinia, cách thành phố Venice cả trăm kilomet.
Câu chuyện nóng nhất mạng xã hội tuần qua là đàn voi quá chén ở Vân Nam. Chưa ai xác nhận được hình ảnh gốc được ghi nhận từ khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc đã kiểm chứng và khẳng định không có đàn voi nào uống rượu ngô, say mèm rồi nằm ngủ giữa vườn trà ở Vân Nam thời gian qua. Đúng là voi ở Vân Nam thường đi vào những nơi có người sinh sống, nhưng đó cũng không phải chuyện lạ. Voi Vân Nam và những con voi trong hình ảnh gây bão mạng xã hội cũng không cùng một giống.
Hiện tượng tin giả về động vật tràn lan thời gian qua là một minh chứng điển hình cho thấy những tin đồn thất thiệt, tốt đến khó tin, có thể lan rộng đến thế nào trong thời buổi khủng hoảng.
Chúng ta thường bị thôi thúc phải chia sẻ những thông tin tạo cảm xúc mãnh liệt. Trước những áp lực về tình hình dịch bệnh, hình ảnh động vật đầy tích cực trở thành liều thuốc giải độc mà ta không thể cưỡng lại, National Geoprahic bình luận.
Kaveri Ganapathy Ahuja, chủ nhân của dòng tweet về "thiên nga trở về thành Venice", nói cô chỉ thấy một vài bức ảnh trên mạng xã hội rồi quyết định tổng hợp vào một đăng tải. Cô sống ở New Delhi, Ấn Độ, cách Venice hơn 5.800 km đường chim bay và dĩ nhiên không biết thiên nga là điều quá quen thuộc với người dân Burano, từ trước cả khi dịch bệnh bùng phát.
"Dòng tweet đó chỉ nhằm chia sẻ một điều khiến tôi cảm thấy vui trong thời buổi u ám. Tôi ước trên Twitter có nút chỉnh sửa cho những lúc như thế này", Ahuja nói ban đầu không kỳ vọng đăng tải của mình sẽ được chia sẻ mạnh và cũng không nghĩ thông tin có thể gây hại.
Dù vậy Ahuja vẫn không chịu gỡ bài đăng. Cô cho rằng mình vẫn nói đúng sự thật vì màu nước ở Venice thật sự trong hơn trước, hệ quả của việc tàu thuyền không còn ra vào tấp nập
"Đây là một kỷ lục cá nhân của tôi và tôi không muốn xóa nó", Ahuja chia sẻ cô không muốn mất đi lượt "like" và chia sẻ lại "chưa từng có tiền lệ" mà mình nhận được thời gian qua.
Hình ảnh đàn voi say mèm ngủ giữa vườn trà tại tỉnh Vân Nam đã được truyền thông Trung Quốc xác minh là sai sự thật. Ảnh: Twitter. |
Sự tích cực đầy cám dỗ
Paulo Ordoveza, một nhà phát triển web và chuyên gia về xác thực hình ảnh, thường xuyên vạch trần những tin đồn thất thiệt và người đăng tin giả trên mạng xã hội Twitter. Ordoveza cho biết "lòng tham về khả năng lan tỏa" thường thôi thúc hành vi "gieo mầm" thông tin sai sự thật.
"Chứng kiến số 'like' và 'retweet' nhảy lên con số hàng nghìn giống như khoái lạc quá liều", Ordoveza đề cập đến chỉ số lượt thích và chia sẻ lại trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, Erin Vogel, chuyên gia tâm lý học xã hội và nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, lý giải rằng lượt thích và bình luận "khủng" trên mạnh xã hội tạo cảm giác "chúng ta được xã hội tưởng thưởng". Nhiều nghiên cứu cho thấy mạng xã hội thúc đẩy lòng tự tôn của một người trong một thời gian ngắn.
Những điều khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu càng trở nên lôi cuốn hơn khi xã hội dần nhận thức rõ tính nghiêm trọng của đại dịch, nền kinh tế trước nguy cơ sụp đổ và cuộc sống đột nhiên rơi vào cảnh cô lập.
"Vào thời điểm chúng ta cảm thấy thật sự cô độc, níu kéo cảm giác dễ chịu đó là một điều đầy cám dỗ, đặc biệt khi những điều chúng ta chia sẻ có thể mang đến hy vọng cho người khác", Vogel lý giải.
Theo vị chuyên gia của Stanford, ý tưởng rằng động vật và thiên nhiên có thể hồi sinh mạnh mẽ giữa giai đoạn khủng hoảng "có thể tạo cho chúng ta cảm giác tất cả những gì chúng ta đang trải qua đều có ý nghĩa và một mục đích nào đó".
"Tôi nghĩ mọi người rất muốn tin tưởng vào sức mạnh hồi phục của tự nhiên. Mọi người hy vọng rằng, dù chúng ta đã làm những gì, thiên nhiên vẫn đủ sức mạnh để vượt qua tất cả", Susan Clayton, chuyên gia về tâm lý học và nghiên cứu môi trường tại Đại học Wooster, bang Ohio, nhận định.
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 50% người Mỹ thừa nhận họ "bị phơi nhiễm" trước thông tin bịa đặt liên quan đến virus corona.
Những thông tin tích cực nhưng sai sự thật như cá heo và thiên nga trở về thành Venice có thể không gây ra nhiều rắc rối. Tuy nhiên, việc tạo ra tâm lý lạc quan giả tạo cũng không hẳn là hữu ích trong thời điểm khủng hoảng hiện nay. Vogel cảnh báo chúng có thể khiến mọi người giảm lòng tin, đặc biệt trong thời điểm cảm xúc dễ tổn thương. Phát hiện tin tốt là tin giả "có thể làm lung lạc tinh thần nhiều hơn cả việc chưa từng nghe đến thông tin đó".
"Tôi ủng hộ mọi người chia sẻ những điều tích cực. Nhưng chúng không nhất thiết phải kịch tính. Chỉ cần chúng có thật", ông nói.