Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tràn lan đồ chay giả mặn không nhãn mác

Với nhu cầu đa dạng, thị trường thực phẩm chay chế biến sẵn đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất, dù chất lượng còn nhiều bàn cãi.

Kho kiem soat chat luong thuc pham chay che bien san anh 1

Tháng 7 âm lịch hàng năm là giai đoạn gia đình chị Huỳnh Chi (quận 2, TP.HCM) ăn chay mỗi ngày. Tuy nhiên, chị không hề lo lắng về độ đa dạng các bữa ăn, bởi món chay bây giờ có cả đùi gà, heo quay, lẩu Thái, pate, xúc xích… Với chị, vấn đề lớn nhất là sức khỏe.

Sự việc vừa qua với sản phẩm pate Minh Chay càng khiến chị hoang mang hơn, nhất là trong tháng 7 này, khi nhu cầu mua hàng cao.

Tràn ngập hàng chợ

"Thực phẩm dùng trong bao lâu cũng được" - bà S. - một người bán đồ chay tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dặn khách mua về món chả chay giá 50.000 đồng/nửa kg.

"Các món ở đây tôi tự làm hết. Trừ chả lụa phải cất trong ngăn mát tủ lạnh, còn lại cứ cấp đông thì dùng bao lâu cũng được", bà S. khẳng định.

Tuy nhiên, những thực phẩm chế biến sẵn trông bắt mắt y hệt món mặn này chỉ được bọc trong túi ni lông mỏng, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, đặc biệt là ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Kho kiem soat chat luong thuc pham chay che bien san anh 2

Sản phẩm không có thông tin nhãn mác, không được hứa hẹn chính xác về hạn sử dụng, được bán tràn lan tại các chợ truyền thống. Ảnh: Lan Anh.

Dạo một vòng quanh các chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Vườn Chuối (quận 3), không khó để tìm thấy những sản phẩm chay chế biễn sẵn "nhà làm" tương tự.

Chị T., tiểu thương tại chợ Thị Nghè, cho biết nhu cầu tìm mua đồ chay những năm gần đây tăng khá nhiều, đặc biệt với các sản phẩm chế biến sẵn. Rằm tháng 7 năm nay, lượng khách đặt hàng trước tăng gấp đôi năm ngoái, do đó chị phải mua sỉ thêm từ một số bạn hàng quen. Giá bán đồng thời cũng tăng khoảng 10-15%.

Cụ thể, giá các loại giò chả chay đông lạnh dao động 30.000-65.000 đồng/500 gram, trong khi heo quay, đùi gà chay có giá khoảng 100.000-120.000 đồng/kg, sườn non chay giá 200.000-250.000 đồng/kg.

Trong khi đó, thị trường thực phẩm chay trên chợ mạng cũng nhộn nhịp suốt những ngày qua. Các từ khóa "thực phẩm chay", "đồ chay"... trên Facebook cho ra hàng trăm kết quả. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sản phẩm và giá bán lại gần như không được nhắc đến.

Kho kiem soat chat luong thuc pham chay che bien san anh 3

Một số kết quả cho từ khóa "thực phẩm chay" trên tính năng marketplace của Facebook, với thông tin sản phẩm và giá bán rất hạn chế.

Kể về kinh nghiệm mua đồ chay online, chị Minh Phương, một người ăn chay trường lâu năm ở quận 3, TP.HCM cho biết từng có lần bị ngộ độc sau khi ăn nem chay mua trên một trang thương mại điện tử.

"Tất nhiên không phải người bán nào, sản phẩm nào trên mạng đều không tốt. Nhưng sau lần đó, tôi tự nhủ mình cẩn thận hơn khi mua đồ chế biến sẵn. Chỉ khoảng 50.000 đồng là gia đình 3 người chúng tôi có thể ăn một bữa cơm chay ngon, rẻ hơn nhiều so với đồ mặn, nên tôi nghĩ nếu có tốn thêm ít tiền để mua hàng chất lượng ở nơi uy tín thì tôi cũng sẵn lòng", chị Minh Phương chia sẻ.

Thu hút đại gia thực phẩm

Không chỉ cá nhân và hộ kinh doanh cá thể, hàng loạt doanh nghiệp cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường sôi động này.

Bà Nguyễn Thị Ái Trinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc, chia sẻ trước đây thực phẩm chay thường được gắn với tôn giáo nên thị trường còn hạn hẹp. Những năm gần đây thị trường đã mở rộng và phát triển rất mạnh mẽ.

Sau 25 năm qua, Công ty đã xây dựng chuỗi gần 100 cửa hàng thực phẩm và nhà hàng tại 22 tỉnh, TP, với hàng trăm sản phẩm chay lạnh, khô, ăn liền, đóng hộp, gia vị và nước; xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Australia, Đức, Anh...

Kho kiem soat chat luong thuc pham chay che bien san anh 4

Phân khúc thực phẩm chay thu hút nhiều tên tuổi lớn tham gia sản xuất. Ảnh: Lan Anh.

Bên cạnh Âu Lạc, trên thị trường có khá nhiều thương hiệu có thâm niên hơn 20 năm như Ngọc Liên, Bình Tây... và vài năm gần đây có thêm các tên mới: Am La, Cát Tiên, Đại Dũng, Hoa Đăng...

Từ năm 2014, Công ty TNHH Thực phẩm thuần chay Am La đã đầu tư nhà máy chế biến chả giò chay và dăm bông xắt lát từ đạm lúa mạch và đạm lúa mì. Đây là những mặt hàng chay đông lạnh, bên cạnh nhiều mặt hàng thực phẩm chay khác được phát triển từ năm 2007 như hạt nêm, nước mắm, mắm ruốc, món kho, chả giò, xíu mại, sườn chay, gà lát, heo lát...

Mặc dù giá trị thị trường chưa từng được công bố, có thể thấy rõ ngay cả những tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm cũng đang khai thác và mở rộng phân khúc đồ chay, như Vissan, Cầu Tre, Sài Gòn Food, Ngọc Liên, Song Hương...

Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện nhiều mặt hàng chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá thường cao gấp 3-4 lần doanh nghiệp trong nước sản xuất. Một phần vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng nội địa thay vì nước ngoài.

"Hàng trong nước vừa rẻ hơn, lại hợp khẩu vị người Việt nên dễ bán hơn. Cửa hàng chủ yếu nhập hàng nước ngoài để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu một bộ phận khách nước ngoài", anh Xuân Hưng, đại diện một cửa hàng thực phẩm chay lớn tại quận 1, TP.HCM cho biết.

Khó kiểm soát

Một doanh nghiệp sản xuất đồ chay chế biến sẵn ở TP.HCM từng khẳng định, "món mặn có gì, món chay có đó". Tuy nhiên, điều này vô tình đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi với Zing, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nhìn nhận thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với đủ loại mặt hàng và chất lượng. Công tác quản lý vì thế cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng "giả mặn" chế biến sẵn.

"Thực phẩm chay ở chợ và trên mạng phần nhiều là hàng do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các món 'giả mặn' đã chế biến và đóng gói sẵn lại càng nguy hiểm, vì thường có hương vị và màu sắc rất bắt mắt, nguy cơ độc hại càng cao", bà Lan nhận định.

Thậm chí, sự việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới bị phát hiện chứa vi khuẩn có độc lực rất mạnh vừa qua còn dấy lên tình trạng chính cơ sở kinh doanh được cấp phép rõ ràng, với sản phẩm có bao bì nhãn mác đầy đủ, vẫn có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Vì đây là cơ sở có đăng ký kinh doanh, có thông tin liên hệ, nên cơ quan chức năng mới có thể sớm xử lý và thu hồi sản phẩm. Nếu người dân sử dụng các sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường, việc kiểm soát sẽ càng thêm khó khăn, cũng không biết lấy ai chịu trách nhiệm", bà Lan nói.

Đến nay, đã có 9 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay, trong đó hầu hết đang thở máy. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vi khuẩn Clostridium botulinum type B có trong sản phẩm này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong.

TP.HCM hiện đã xác minh được 1.290 khách hàng trên địa bàn có mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7, 8 qua hình thức online và đang tiến hành thu hồi. Không chỉ pate Minh Chay, toàn bộ sản phẩm khác của đơn vị này đều được thu hồi để xác minh chất lượng theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.

Đồng thời, Ban Quản lý ATTP TP đang phối hợp với 24 quận, huyện rà soát toàn bộ địa điểm kinh doanh thực phẩm chay để sớm phát hiện và thu hồi những sản phẩm đã đưa ra thị trường.

Thông qua sự việc lần này, bà Lan cho hay sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

Tuy vậy, trước tình trạng kinh doanh tràn lan hiện nay, bà cho rằng điều quan trọng nhất là người tiêu dùng tự nâng cao cảnh giác trong mua sắm và sử dụng thực phẩm.

"Người dân nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh.", bà khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết đa số trường hợp ngộ độc thịt từ thực phẩm đóng gói tại nhà. Bào tử vi khuẩn bền với nhiệt nhưng độc tố của nó dễ bị phân hủy.

Do đó, việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70 độ C trong 10-20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Nếu thực phẩm đóng gói công nghiệp bị phồng, rách hay hết hạn, người dân không nên sử dụng.

Bác sĩ Hậu khuyến cáo người tiêu dùng nên giữ thức ăn ở dưới 5 độ C cho đến lúc sử dụng. Thịt nên được hút chân không hoặc đông lạnh và rã đông ngay trước khi nấu.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm