Trần lãi suất có thể giảm thêm 0,5%
Việc giảm lãi suất luôn có hai hiệu ứng thuận nghịch. Do đó, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, tối đa từ nay đến hết năm, lãi tiền gửi sẽ giảm thêm 0,5%, về 7%/năm là kịch trần.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xu hướng giảm lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn còn. Song việc giảm lãi suất này luôn có 2 hiệu ứng thuận và phản hồi. Thuận là bởi doanh nghiệp mong lãi suất còn giảm để tiếp cận vốn, còn phản hồi là Ngân hàng Nhà nước dù biết giảm là đúng nhưng phải thận trọng vì sợ lạm phát chu kỳ sau. Do đó, ông Nghĩa nêu quan điểm: “Cùng lắm từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi chỉ giảm thêm 0,5%, lãi cho vay có thể mạnh hơn do tỷ giá, sức ép cán cân thanh toán và lực cầu của thị trường”.
Giảm lãi suất, đối với doanh nghiệp, là hiệu ứng thuận, còn với Ngân hàng Nhà nước, đó là hiệu ứng ngược vì áp lực giảm luôn có song cần căn cứ vào nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Ảnh: Lan Anh. |
Vấn đề hiện nay của thị trường, theo chuyên gia này, là xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, tiếp cận vốn và xử lý ngân hàng yếu phải đi liền nhau mới mong phá băng tín dụng. Hiện tại, băng tín dụng đã đóng chặt, và kinh nghiệm của các nước là phải mất một thời gian dài mới có thể phá. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên nhân đóng băng tín dụng ngoài là vấn đề tài chính, còn là lòng tin và vấn đề chính trị, nên không phải chỉ giảm lãi suất là xong.
“Nhật Bản đã giảm lãi suất 22 năm trời, còn Mỹ áp dụng lãi suất thấp trong nhiều năm cũng không phá được, cuối cùng phải bơm 4.000 tỷ USD chủ yếu mua nợ xấu là trái phiếu thế chấp bất động sản, rồi thêm vài trăm tỷ USD để cứu những hãng lớn, cho phá sản 800 ngân hàng nhỏ, vượt vách đá tài khóa mà đến tháng 4/2013 mới tuyên bố tảng băng tín dụng bắt đầu tan”, ông dẫn ví dụ.
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế. Ông cho rằng, chính sách đang đi đúng hướng, việc giảm lãi suất có tác động đến thị trường. “Vài ba năm tới, tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu, sau đó là giải quyết các ngân hàng yếu kém không trụ vững được trong quá trình xử lý nợ xấu. Tôi cho rằng, giải quyết nợ xấu dứt điểm sẽ làm được trong vòng 3-5 năm”, ông nói.
Lan Anh
Theo Infonet