Giải trượt băng nghệ thuật Việt Nam 2017, cô bé Khánh Linh tiến vào sân băng trong sự cổ vũ của gia đình và những tiếng hò reo của bạn bè. Tiếng nhạc vang lên, cô bé lao đi vun vút trên sân băng, uyển chuyển như một vũ công. Có những lúc nhảy lên xoay mình trên không, lúc lại xoay người với chỉ một chân trên sân băng.
Đam mê trượt băng hơn tất thảy
Đó là màn trình diễn của Trần Khánh Linh, người mới chỉ năm trước thôi đã giành huy chương vàng đầu tiên cho Việt Nam tại giải trượt băng châu Á Skate Asia 2016. Đặc biệt, Khánh Linh đã giành huy chương vàng khi so tài với 725 vận động viên từ 36 quốc gia, khi em mới chỉ 11 tuổi.
Để có được thành công như vậy, tất cả xuất phát từ đam mê cháy bỏng với trượt băng nghệ thuật của Khánh Linh. Tiếp xúc với bộ môn này được hơn 3 năm nhưng Khánh Linh thổ lộ em đã biết đến trượt băng đã khá lâu: “Từ rất lâu em đã đam mê môn này và thường xem những video trên mạng, rồi hay tự trượt trên sàn đá hoa để giống trượt băng. Mãi gần đây Việt Nam mới có sân băng, em rất vui vì cuối cùng giấc mơ đã trở thành hiện thực”.
Kể từ ấy, Khánh Linh luôn hướng về sân băng và coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, em đều được cha mẹ đưa tới sân. Nhận ra niềm đam mê của con, chị Trang - mẹ Khánh Linh quyết định để con được tập luyện môn thể thao này một cách nghiêm túc, với huấn luyện viên.
Ban đầu chỉ để phục vụ niềm đam mê của con, nhưng sau khi được các huấn luyện viên (HLV) nước ngoài đánh giá cao về tiềm năng, chị Trang quyết định sẽ cho con tập luyện dưới môi trường chuyên nghiệp.
Trần Khánh Linh chỉ có niềm đam mê duy nhất với trượt băng. Ảnh: Kiệt Trần |
Đó là thời điểm đánh dấu cô gái mới chỉ 10 tuổi đã phải tập luyện theo chế độ như của một vận động viên chuyên nghiệp. Những món ăn yêu thích như gà rán, khoai chiên Linh phải từ bỏ. Một tuần, Khánh Linh chỉ có duy nhất một ngày nghỉ và 6 ngày còn lại cô bé đều phải tập luyện làm sao cho đủ ít nhất 10 tiếng trên sân băng, chưa kể những bài tập ngoài sân khác như gym hay ba-lê. Bên cạnh đó, Khánh Linh còn giành rất nhiều thời gian cho những chuyến thi đấu quốc tế và đặc biệt là những lần tập huấn xa nhà.
Chính vì tập luyện và thi đấu trượt băng, Linh không dành đủ thời gian cho những hoạt động khác mà những cô, cậu bé ở lứa tuổi ấy thường làm. Việc học tập của em bị ảnh hưởng trước tiên. Chút thời gian rảnh Linh không được đi chơi, đi xem phim như các bạn đồng trang lứa mà phải học bù những kiến thức từ những rất nhiều buổi nghỉ học để đi tập, đi thi đấu. Thậm chí em thường phải tranh thủ giờ ra chơi trên lớp để hoàn thành đủ bài tập về nhà.
Trong quỹ thời gian của cô bé gần như không có chỗ cho các hoạt động vui chơi giải trí. Lúc bạn bè vui chơi, Linh phải học, phải tập luyện. Các hoạt động ở trường, lớp như 20/11 hay Noel Linh đều không tham gia được. Mùa hè các bạn đi nghỉ mát thì Linh đi tập huấn. Ở lớp thay vì ra chơi với các bạn Linh lại phải ngồi trong lớp làm bài tập. Không như các bạn, cô bé gần như phải đánh đổi một phần tuổi thơ vì trượt băng nghệ thuật
Nhiều lần khóc nơi xứ người
Một bước ngoặt trong sự nghiệp của Khánh Linh là chuyến tập huấn kéo dài 2 tháng rưỡi hồi giữa năm 2017 tại Australia. Đó là chuyến tập huấn mà sau đó, cả Linh cùng HLV của em - cô Liudmila Kuznetsova - đều cho rằng đã giúp em tiến bộ hơn rất nhiều.
Là vận động viên trượt băng nghệ thuật hàng đầu ở Việt Nam nhưng khi sang Australia, Khánh Linh không khỏi bất ngờ với trình độ của các em nhỏ nơi đây. Nhiều bé người Australia ít tuổi hơn so với Linh, nhưng lại có kỹ thuật cơ bản rất tốt, thậm chí có thể thực hiện được những kỹ thuật khó hơn em. Cô bé cảm thấy xấu hổ, nhiều đêm gọi điện về nhà khóc với bố mẹ.
Hết khóc vì xấu hổ, Linh lại tiếp tục khóc. Lần này vì những bài tập quá khó và nặng với em. Bên Australia, không chỉ tập trên sân bằng mà ngày nào Khánh Linh cũng phải tập những bài thể lực rất nặng bên ngoài sân. Từ chạy cầu thang, chạy quanh sân, bật cóc, chống đẩy, gập bụng… Khánh Linh được HLV yêu cầu tập rất nhiều đến nỗi cô bé nhiều lần khóc nấc lên vì quá mệt.
Khánh Linh phải tập luyện vô cùng vất vả. Ảnh: Kiệt Trần |
Thời gian nghỉ ngơi của cô bé cũng không có nhiều. Khánh Linh ở nhờ nhà HLV cách sân tập gần 60 km, mỗi ngày Linh phải dậy từ 4h sáng, tự chuẩn bị bữa trưa để kịp đến sân tập lúc 6h. Tập xong buổi sáng, cô bé phải trải thảm ngủ ngay trên sân tập, và sau khi buổi tập chiều kết thúc thì 7h30 tối mới cùng HLV Kuznetsova lên xe đi về nhà
Linh nhớ lại những lúc ấy, nhiều khi em tự nghi ngờ niềm đam mê của mình, liệu mình có nên bỏ cuộc không. Nhưng Linh không từ bỏ: “HLV khi ấy hỏi em có đam mê đến mức phải xa nhà thế này không, và em làm vì tự nguyện hay vì bắt ép? Em trả lời rằng em tự nguyện. Lúc ấy em nhận ra mình đã chấp nhận xa bố mẹ, xa gia đình thì phải cố gắng hết sức. Bố mẹ đã bỏ công sức tiền của để em sang đây tập thì em phải tập hết chỗ tiền ấy”.
Sau những khó khăn ban đầu, Khánh Linh quen dần với cường độ tập luyện HLV Kuznetsova đặt ra cho em mà theo Linh, nó đã giúp em khỏe hơn và tiến bộ hơn rất nhiều. Cô bé nói rằng nhờ tập thể lực, em đã thực hiện được những động tác khó hơn: “Trượt băng cực khổ lắm. Nó là môn mình không bao giờ học hết được. Mình học cái này mình lại muốn lên cao hơn nữa, muốn cao hơn nữa, không bao giờ hết. Để làm được như thế em phải tập và tập thể lực rất nhiều”.
Gia đình sẽ làm tất cả
Chuyến tập huấn của Khánh Linh cho kết quả tức thì. Em giành huy chương vàng giải trượt băng nghệ thuật Việt Nam nội dung Novice A, trước đó Khánh Linh còn được tổng cục TDTT đăng ký tham dự SEA Games 29 nhưng không được nước chủ nhà chấp nhận vì chưa đủ số tuổi quy định.
Đến nay, có thể nói Khánh Linh đã đạt được những thành tích nhất định. Đằng sau những thành công ấy, dấu ấn của gia đình rất quan trọng. Cha mẹ Khánh Linh không những đồng ý cho con chơi thể thao chuyên nghiệp - điều không thường gặp với những gia đình ít truyền thống thể thao - mà còn làm tất cả để Linh ngày một tiến bộ hơn.
“Một người bố, người mẹ cho con làm gì thì mong muốn sau cùng chỉ để con được hạnh phúc, cứ để cho con vui trước đã. Bây giờ con đang được đánh giá có khả năng, vậy nếu mình có tài năng, thiên về một cái gì đó thì sao không đầu tư, để xem cái tối đa của con là thế nào”, chị Trang chia sẻ về quyết định cho Khánh Linh theo trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp.
Khánh Linh may mắn vì được gia đình hỗ trợ tối đa. Ảnh: Kiệt Trần |
Bên cạnh đó, gia đình Khánh Linh còn bỏ ra rất nhiều tiền của cho việc tập luyện và thi đấu của em. Từ những đôi giày thi đấu trị giá 4-5000 đô la cho đến những bộ váy, tất vài trăm đô, chị Trang cùng gia đình sẵn sàng đầu tư để Khánh Linh có điều kiện tập luyện cũng như thi đấu tốt nhất, sát với chuẩn thế giới nhất có thể.
Thậm chí, cả những chuyến thi đấu cũng như tập huấn quốc tế của Khánh Linh, gia đình đều đứng sau để chi trả toàn bộ chi phí cho em, từ đi lại, ăn ở, lệ phí thi đấu… Cả những chuyến du đấu, gia đình cũng đứng ra chi những khoản di chuyển và sinh hoạt cho HLV của Linh.
Tốn kém như vậy, nhưng chị Trang cho biết sẽ làm tất cả để con tiến bộ, dù có thể không đạt được nhiều thành tích. Những chuyến tập huấn nước ngoài vẫn đang chờ đợi Khánh Linh để giúp em có thể nhanh chóng vươn lên một trình độ mới của trượt băng nghệ thuật.
“Đầu tháng, gia đình sẽ lại đưa con sang Australia 1 tháng. Cuối tháng 4 sang Indonesia để đấu giải Indonesia. Hè tới Linh sẽ lại sang Australia 4 tháng nữa để tập huấn, thi đấu các giải ở đó và New Zealand. Tháng 12 Khánh Linh sẽ về Việt Nam dự giải trước khi sang Nga tập huấn vào tháng 2/2019”, chị Trang chia sẻ.
Mới 12 tuổi nhưng Khánh Linh đã đạt được nhiều thành tích. Đồ họa: Minh Phúc. |