Suốt thời gian qua, Nga tập trung tấn công khu vực Donbas của Ukraine bằng các cuộc không kích và pháo kích không ngừng. Moscow đang đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc, dần kiểm soát hoàn toàn trung tâm công nghiệp của nước láng giềng.
Và khi chiến sự ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 4, mặt trận Donbas có thể là nơi mang tính quyết định tới diễn biến toàn bộ xung đột.
Nếu Nga thắng trong trận chiến ở Donbas, điều đó có nghĩa là Ukraine không chỉ mất lãnh thổ mà còn có thể mất phần lớn lực lượng quân sự có năng lực tốt nhất. Kết quả này mở đường cho Moscow giành thêm khu vực khác và áp đặt các điều khoản với Kyiv. Trong khi đó, nếu Nga thất bại, đây sẽ là cơ hội để Ukraine phản công.
Chiến thuật thận trọng hơn
Kể từ khi rút lực lượng khỏi Kyiv vào tháng 3, Nga đã tập trung quân đội vào vùng Donbas, miền Đông Ukraine. Đây là khu vực có mỏ và nhà máy, nơi lực lượng ly khai thân Nga xuất hiện từ năm 2014.
Nga đang tiến hành "chiến dịch" này một cách cẩn thận hơn khi dựa chủ yếu vào pháo kích tầm xa nhằm làm suy yếu tuyến phòng thủ của Ukraine. Phương án này đang có hiệu quả khi lực lượng Nga hiện kiểm soát nhiều khu vực ở cả Luhansk và Donetsk.
Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak nói với BBC rằng Ukraine đang mất 100-200 binh sĩ mỗi ngày. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov mô tả tình hình chiến đấu là "cực kỳ khó khăn".
Nhiều nhà phân tích suy đoán Điện Kremlin có thể tuyên bố chiến thắng sau khi đạt được một số lợi ích ở Donbas, chấm dứt cuộc xung đột hiện tại.
Nga trước đó tuyên bố rõ ràng họ hy vọng Ukraine sẽ công nhận tất cả khu vực nước này đã kiểm soát được, bao gồm cả bán đảo Crimea sáp nhập từ năm 2014. Tuy nhiên, Kyiv kiên quyết phản đối.
Nga có lợi thế rõ ràng về pháo binh trong trận chiến giành Donbas. Ảnh: Reuters. |
Lực lượng Nga đã kiểm soát toàn bộ bờ biển Azov, bao gồm cả cảng chiến lược Mariupol, toàn bộ khu vực Kherson - một cửa ngõ quan trọng vào Crimea - và phần lớn khu vực Zaporizhzhia. Những điều này có thể hỗ trợ quân Nga tiến sâu hơn nữa vào bên trong Ukraine.
Không giống như những chiến thuật trước đó, Nga hiện sử dụng gọng kìm nhỏ hơn, buộc Ukraine phải rút lui và không mở rộng quá mức đường tiếp tế.
Keir Giles - chuyên gia về Nga tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London - cho biết Nga đang “tập trung tất cả lực lượng pháo binh vào một khu vực duy nhất của chiến tuyến để tiến lên phía trước bằng cách san phẳng mọi thứ ngáng đường”.
Ông Giles nói Ukraine đã và đang theo đuổi chính sách phòng thủ linh hoạt, nhường ở những nơi hợp lý thay vì giữ chặt từng tấc đất lãnh thổ.
Các quan chức phương Tây vẫn ca ngợi khả năng của lực lượng Ukraine khi cho rằng lính nước này chống trả quyết liệt, dựa vào pháo binh và rút lui ở một số khu vực trong khi thường xuyên phát động phản công.
Nga có lợi thế rõ ràng về pháo binh trong trận chiến giành Donbas, nhờ có số lượng lớn pháo và bệ phóng tên lửa hạng nặng cùng với lượng đạn dồi dào. Trong khi đó, Ukraine phải sử dụng vũ khí này tiết kiệm bởi Moscow liên tục nhắm vào đường tiếp tế.
Ukraine bắt đầu nhận được nhiều vũ khí hạng nặng hơn từ các đồng minh phương Tây. Các nước này đã cung cấp cho Kyiv hàng chục khẩu pháo và hiện có kế hoạch chuyển bệ phóng tên lửa.
Ukraine muốn "câu giờ"?
Các quan chức Ukraine và giới nhà phân tích phương Tây lo ngại Moscow có thể cố gắng tấn công vào khu vực Dnipro đông dân cư ở xa hơn về phía bắc. Bước tiến này có thể chia Ukraine ra làm hai phần, gây ra mối đe dọa mới với Kyiv.
“Các mục tiêu của Nga trong bối cảnh này đang thay đổi so với tình hình trên thực địa", Eleonora Tafuro Ambrosetti - nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế có trụ sở tại Milan - cho biết. Bà lưu ý Nga có thể cố gắng gây thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế Ukraine bằng cách nắm giữ toàn bộ tuyến đường bờ biển của nước này để từ chối quyền tiếp cận hàng hải.
Cột khói bốc lên ở Severodonetsk nhìn thấy từ thành phố lân cận Lysychansk ở khu vực Luhansk hôm 10/6. Ảnh: Los Angeles Times. |
Trong khi đó, một tướng hàng đầu của Nga nói về kế hoạch chia cắt Ukraine khỏi biển Đen bằng cách kiểm soát khu vực Mykolaiv và Odesa đến tận biên giới với Romania. Động thái này cũng sẽ cho phép Moscow xây dựng hành lang trên bộ tới khu vực ly khai Transnistria tại Moldova. Nga có đặt một căn cứ quân sự ở Transnistria.
Tất cả tham vọng này đều phụ thuộc vào kết quả thành hay bại của Moscow ở miền Đông Ukraine. Ukraine gạt bỏ những lo ngại về một thất bại ở miền Đông, bày tỏ tin tưởng quân đội nước này sẽ đứng vững để phòng thủ trước bước tiến của Nga, và thậm chí là cả phản công.
"Kế hoạch của Ukraine rất rõ ràng: Kyiv đang muốn làm cho quân đội Nga kiệt sức, cố gắng tận dụng thời gian để nhận thêm vũ khí từ phương Tây, bao gồm cả hệ thống phòng không, với hy vọng phát động một cuộc phản công hiệu quả”, chuyên gia Mykola Sunhurovsky thuộc Trung tâm Razumkov, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kyiv, cho hay.