Trong lịch sử 88 năm của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup, mới chỉ có 2 trường hợp hai đội góp mặt trong trận chung kết từng đối đầu nhau trong giai đoạn vòng bảng.
Lần đầu tiên là ở World Cup 1954 tại Thụy Sĩ, ĐT Tây Đức khi đó thua Hungary 3-8 ở vòng bảng, nhưng trong trận chung kết Tây Đức lại tạo ra bất ngờ với chiến thắng 3-2 trước Hungary cực mạnh khi đó để lên ngôi vô địch World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Đến giờ trận đấu này vẫn được gọi với cái tên "Điều kỳ diệu ở Berne".
ĐT Tây Đức vô địch World Cup 1954 sau khi đánh bại đội từng thắng mình ở vòng bảng là Hungary trong trận chung kết. Ảnh: FIFA.com. |
Lần thứ hai là tại World Cup 1962, Brazil và Tiệp Khắc hòa nhau 0-0 ở vòng bảng nhưng sau đó Selecao đã giành chiến thắng 3-1 trong trận chung kết để lần thứ hai liên tiếp lên ngôi vô địch thế giới. Đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử, danh hiệu vô địch World Cup được bảo vệ thành công.
Tuy nhiên nếu nhìn theo góc nhìn của Euro, lịch sử lại nói rằng đội thắng ở vòng bảng sẽ có lợi hơn nếu gặp lại bại tướng trong trận chung kết.
Euro 1996, ĐT Đức thắng Cộng hòa Czech 2-0 ở vòng bảng trước khi thắng tiếp 2-1 trong trận chung kết với "Bàn thắng vàng" của Oliver Bierhoff. Euro 2004, ĐT Hy Lạp thắng Bồ Đào Nha tại vòng bảng và lặp lại kết quả đó trong trận chung kết để tạo ra cú sốc lớn nhất trong lịch sử các VCK Euro.
Chỉ có duy nhất một trường hợp đội thua ở vòng bảng nhưng giành chiến thắng trận chung kết. Đó là VCK Euro 1988 khi Hà Lan thua Liên Xô 0-1 ở vòng bảng, nhưng giành chiến thắng 2-0 trong trận chung kết với siêu phẩm của Marco Van Basten để lên ngôi vô địch.
ĐT Hà Lan là trường hợp duy nhất trong lịch sử Euro làm được điều này khi thắng Liên Xô trong trận chung kết Euro 1988. Ảnh: uefa. |
Có một trường hợp hai đội hòa nhau ở vòng bảng và gặp lại nhau trong trận chung kết. Đó là Euro 2012 khi Italy hòa Tây Ban Nha 1-1 ở giai đoạn đầu tiên trước khi thua 0-4 trong trận đấu cuối cùng.
Trong lịch sử 11 lần tổ chức AFF Cup (hay tiền thân là Tiger Cup), đã có 7 lần biến cố hai đội gặp nhau trong trận chung kết từng đối đầu nhau tại vòng bảng. Không tính kết quả hòa, thì có 3 lần đội giành chiến thắng trước sẽ trở thành nhà vô địch.
Đó đều là Thái Lan vào AFF Cup các năm 2000, 2014 và 2016. Còn lại, từng có 2 lần đội thua ở vòng bảng sẽ tạo nên điều bất ngờ trong trận chung kết. Đáng nói, chủ nhân của hai bất ngờ này chính là Việt Nam và Malaysia, hai đội góp mặt trong trận chung kết AFF Cup 2018.
AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam thua Thái Lan 0-2 tại vòng bảng trước khi thắng "Voi Chiến" 2-1 ngay tại Rajamangala trong trận chung kết lượt đi. Lượt về ở Mỹ Đình đã là lịch sử với cú đánh đầu đúng phút cuối cùng của Lê Công Vinh.
Bàn thắng của Lê Công Vinh tại trận chung kết AFF Cup 2008 đã giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch. Ảnh: Hoàng Hà. |
AFF Cup 2010, Malaysia thua Indonesia 1-5 ở vòng bảng trước khi đánh bại cả Thái Lan lẫn Việt Nam để lọt vào trận chung kết gặp lại đội tuyển xứ sở vạn đảo. Trận lượt đi tại Bukit Jalil, Malaysia thắng đậm 3-0 trước khi thua 1-2 ở trận lượt về để lên ngôi vô địch.
Trận chung kết AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra trong 2 lượt trận. Lượt đi diễn ra vào lúc 19h45 ngày 11/12 tại sân Bukit Jalil, lượt về sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 15/12 trên sân Mỹ Đình.
ĐT Việt Nam sẽ có lợi thế trong trận lượt về khi được thi đấu tại Mỹ Đình. Đồ họa: Minh Phúc. |