Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trạm thu phí BOT 'bủa vây' miền Tây

Ngoài phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tài xế ôtô đến Bạc Liêu phải qua thêm bốn trạm thu phí trên quốc lộ 1. Còn nếu đi An Giang thì qua hai trạm ở quốc lộ 91.

Gần hai tuần qua, chuyện thu phí dịch vụ đường bộ tại một số trạm BOT đã làm "nóng" miền Tây. Tài xế, người có ôtô cá nhân và các doanh nghiệp vận tải cho rằng họ đã tốn nhiều tiền để qua các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 91 khi từ TP.HCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Không đi đường của BOT vẫn phải mua vé qua trạm

Theo tìm hiểu của Zing.vn, quốc lộ 1 từ Bạc Liêu đến Tiền Giang (khoảng 180 km) hiện có 4 trạm thu phí đặt tại xã Châu Hưng A (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng), quận Cái Răng (TP Cần Thơ) và xã Bình Phú (huyện Cai Lậy, Tiền Giang).

Trên quốc lộ 91, ngoài trạm thu phí số 1 (T1) tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ) còn có trạm số 2 (T2) ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt - giáp ranh TP Long Xuyên (An Giang).

Tai xe dung tien le mua ve qua tram thu phi anh 1
Vị trí 4 trạm thu phí trên quốc lộ 1 đặt tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ và Tiền Giang. Đồ họa: Minh Trí.

Gần nửa tháng qua, tài xế và các doanh nghiệp vận tải ngoài việc phản ánh giá vé, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy thì họ còn cho rằng trạm T2 của Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang (BOT Cần Thơ - An Giang) nằm ở vị trí không thích hợp. Từ khi trạm T2 hoạt động, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Kiên Giang và An Giang chỉ sử dụng gần 2 km đường của BOT Cần Thơ - An Giang nhưng phải mua vé toàn tuyến.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị đã có văn bản về việc đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ xem xét giảm giá vé tại BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, văn bản này chưa phát hành đến đơn vị nào, chờ đến cuộc họp với UBND tỉnh Tiền Giang và Tổng cục đường bộ vào sáng 14/8 sẽ chính thức phát hành.

Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết doanh nghiệp vận tải và dịch vụ công cộng phản ứng vị trí đặt trạm T2 là có cơ sở. Theo ông Nưng, nếu dời về khu vực ngã ba Lộ Tẻ thì phù hợp hơn để ôtô đi Kiên Giang không phải tốn tiền sử dụng dịch vụ của BOT Cần Thơ - An Giang.

"Chiều 11/8, chúng tôi làm việc với Tổng cục đường bộ và họ đồng thuận với ý tỉnh là miễn hoặc giảm phí cho một số xe buýt và doanh nghiệp vận tải tuyến Rạch Giá có hợp đồng vận chuyển thường xuyên. Việc giảm phí như thế nào thì Bộ GTVT sẽ tính. Trạm này thất bại, phải đặt xuống phía dưới là hợp lý", lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chia sẻ.

Cùng quan điểm với lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) An Giang Ngô Công Thức nói rằng địa phương thấy được bức xúc của người dân đối với trạm T2. Theo ông Thức, đầu tư BOT tuyến đường nào thì thu phí đoạn đó, còn trường hợp này thì người dân An Giang đi Rạch Giá không sử dụng đường của BOT vẫn phải tốn phí tại trạm T2 là khó chấp nhận.

Tai xe dung tien le mua ve qua tram thu phi anh 2
Một tài xế "ám ảnh" với một xấp vé qua các trạm khi chạy ôtô từ miền Tây về TP.HCM. Ảnh: Việt Tường.

"Tại cuộc họp ngày 11/8,Tổng cục đường bộ thống nhất giảm giá vé cho 3 loại xe ở An Giang qua trạm T2 từ ngày 1/9. Đó là phương tiện phục vụ hành khách công cộng, xe chạy tuyến cố định Long Xuyên - Rạch Giá, xe của người dân xung quanh trạm", ông Thức khẳng định.

Cần tối thiểu 320.000 đồng để qua trạm

Zing.vn có chuyến đi thực tế từ Bạc Liêu đến TP.HCM bằng ôtô 5 chỗ phải qua các trạm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang và Thân Cửu Nghĩa - Chợ Đệm trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Trong đó, giá vé thấp nhất của trạm Bạc Liêu và Sóc Trăng cùng giá 25.000; trạm Cần Thơ và Tiền Giang đồng giá 35.000 và vé 40.000 đồng để được đi cao tốc. Như vậy, tổng chi phí tối thiểu cho hai lượt đi, về là 320.000 đồng.

Tai xe dung tien le mua ve qua tram thu phi anh 3
Vị trí hai trạm thu phí trên quốc lộ 91 ở Cần Thơ. Đồ họa: Minh Trí.

Chính vì tốn tiền qua trạm quá nhiều nên mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt ôtô được tài xế chạy vào huyện lộ 63 và 67 ở Tiền Giang để né trạm BOT Cai Lậy. Vài tài xế thì dùng tiền mệnh giá 200, 500 đồng hoặc nhét tiền lẻ vào chai nhựa khi mua vé nên có lúc trạm Cai Lậy bị ùn tắc cục bộ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm làm đường BOT ở miền Tây, với lượng xe qua trạm Tiền Giang như hiện nay, BOT Tiền Giang có thể thu hồi vốn trong 4-5 năm. Do đó, nếu thu phí 6 năm 4 tháng 29 ngày như kế hoạch, trạm này cần giảm giá vé ở mức thấp nhất là 25.000 và cao nhất 140.000 đồng (hiện là 35.000 và 180.000 đồng) như Bạc Liêu và Sóc Trăng là phù hợp.

Chủ đầu tư khuyến khích ôtô né trạm

Liên quan đến trạm có giá vé thấp nhất miền Tây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT hai doanh nghiệp là BOT Bạc Liêu và BOT Sóc Trăng, cho biết đơn vị đã đầu tư gần 1.800 tỷ đồng để đầu tư cho khoảng 28 km.

Trong đó, BOT Sóc Trăng từ cầu Trà Quýt (huyện Châu Thành) đến hết đường tránh TP Sóc Trăng (tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, gần 600 tỷ đồng), dài khoảng 10 km. BOT Bạc Liêu từ cầu Nàng Rền của huyện Vĩnh Lợi đến cửa ngõ TP Bạc Liêu (gần 1.200 tỷ đồng) dài 18 km.

Tai xe dung tien le mua ve qua tram thu phi anh 4
Trạm thu phí của BOT Sóc Trăng rất vắng xe qua lại. Ảnh: Việt Tường.

Thực tế cho thấy từ Cần Thơ về Cà Mau ngoài quốc lộ 1 còn có tuyến Nam Sông Hậu và đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tại Sóc Trăng và Bạc Liêu thì có thêm các tuyến đường huyện nên rất nhiều tài xế né 2 trạm Sóc Trăng, Bạc Liêu nhưng nhà đầu tư vẫn vui vẻ.

"Quốc lộ 1 đã có đường cũ mà mình đầu tư vào đó thì nếu có đường khác cự ly tương đương thì người dân đi cứ đi vì đó là quyền của họ. Chúng tôi khuyến khích việc né trạm để người dân giảm chi phí. Như vậy, các đường tài xế né trạm không nên cấm tải và dùng biện pháp hành chính để hạn chế xe thì không nên", ông Phương nhấn mạnh.

Chính vì quá nhiều xe né trạm nên BOT Bạc Liêu dự kiến thu phí 15 năm và Sóc Trăng khoảng 17 năm. Trong đó, trạm Bạc Liêu đang đủ chi phí để nhà đầu tư trả lãi ngân hàng, trạm Sóc Trăng lỗ khoảng 70 triệu đồng/ngày.

"Nếu lỗ nhiều thì trạm Sóc Trăng có thể xin kéo dài thêm thời gian thu phí vì hiện nay không đủ để đóng lãi ngân hàng và chi phí quản lý", lãnh đạo BOT Sóc Trăng chia sẻ.

Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: "Hồi trạm T2 mới xây tôi tưởng họ làm cổng chào. Kinh nghiệm khi mới làm thấy không phù hợp thì di dời ngay, còn bây giờ thì làm sao dịch chuyển được. Trạm này phía Cần Thơ chứ bên chứ ở An Giang thì tôi chỉ đạo xử lý ngay từ đầu. Thật là khổ đời, xót lắm, đứng ở góc độ người dân thì thấy tội cho bà con".

Zing.vn mua vé xe 5 chỗ đi thực tế thì thấy nếu từ An Giang đến Kiên Giang mua vé 35.000 đồng mà chỉ sử dụng hơn 1 km của BOT Cần Thơ - An Giang. Còn từ An Giang đi Cần Thơ và ngược lại thì chỉ mua một lần vé được sử dụng cho 2 trạm T1 và T2.

Giám đốc BOT Tiền Giang nói về vị trí đặt trạm và giá vé Lãnh đạo BOT Tiền Giang nói rằng mức phí qua trạm Cai Lậy là do Bộ GTVT và Bộ Tài chính ban hành, đơn vị chỉ thực hiện theo.

Cuộc sống người dân Cai Lậy đảo lộn khi xuất hiện trạm thu phí

Người dân cho rằng cuộc sống của họ bị rối loạn từ khi BOT Cai Lậy đi vào hoạt động và tuyến đường tài xế né trạm vừa được đầu tư 46 tỷ đồng đang đối mặt nguy cơ "nát bét".

'Hàng nghìn xe qua trạm Cai Lậy chỉ 5-6 người phản đối'

"Hàng nghìn xe đi qua chỉ có 5-6 người phản đối bằng cách nhét tiền lẻ vào ống nhựa. Bộ GTVT sẽ không di dời, giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói với Zing.vn.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm