* TS Huỳnh Thế Du là giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
Với "thu giá" và "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước", Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) đã gánh chịu cuồng phong của dư luận.
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Hà Hương. |
Tôi thấy “thu giá” là khái niệm hết sức kỳ cục và chối tai. Khi lướt qua tin ông bộ trưởng "đổ lỗi" cho những người tiền nhiệm tôi đã cau mày. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ các phát biểu của ông, các thông tin liên quan, kết nối với các dữ kiện hiện có, tôi thấy hai vấn đề có liên hệ với nhau.
Bộ trưởng cùng các đồng nghiệp của mình có vẻ đang tìm cách giải quyết những tồn tại hơn là đổ lỗi cho giai đoạn trước và chọc giận dư luận.
Việc chọn từ “thu giá” có lẽ chỉ là một tai nạn nghề nghiệp và là bài học nhớ đời của những người liên quan.
Tai nạn nghề nghiệp?
Thực ra, ông Nguyễn Văn Thể là người triển khai Thông tư 49 về trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, vốn được ban hành trước khi ông quay lại ngành giao thông. Người ký thông tư này là bộ trưởng tiền nhiệm, người đã được kỳ vọng sẽ tập trung giải quyết những vấn đề của ngành giao thông khi đó.
Sự bùng phát của mô hình BOT nói riêng, PPP nói chung đang gây ra những vấn đề rất lớn cho dù không thể phủ nhận những mặt tích cực nó. Dư luận đang hết sức bức xúc và muốn rằng nếu không bỏ trạm thì cũng phải giảm phí.
Ông Bộ trưởng cùng các đồng nghiệp của mình đang tìm cách giải quyết những tồn tại hơn là đổ lỗi cho giai đoạn trước và chọc giận dự luận.
Huỳnh Thế Du
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì PPP vẫn là một cách thức quan trọng để phát triển hạ tầng ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, cần một mức độ hấp dẫn cần thiết để thu hút các nhà đầu tư.
Làm sao có thể giải quyết những tồn tại và mâu thuẫn hiện tại của các dự án BOT vốn dĩ rất phức tạp này? Đây quả là một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Các dự án hạ tầng theo mô hình BOT thường có rất nhiều điều khó lường. Rất khó xác định và thực hiện cam kết của hai bên, đặc biệt là về phía Nhà nước.
Ví dụ, khi chủ đầu tư xây xong cầu thì Nhà nước cũng sẽ xây xong đường dẫn. Thực tế không đơn giản như vậy. Cả cầu và đường đều chậm tiến độ, nhưng đường vẫn chậm hơn và cầu chậm có phần nguyên nhân yêu cầu thay đổi thiết kế của phía Nhà nước.
3 lựa chọn của Bộ GTVT
Thực tế khác với các cam kết ban đầu xảy ra trong hầu hết dự án. Thêm vào đó, khi trục trặc của các trạm BOT nổi lên, áp lực của dư luận ngày càng tăng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều.
Khi đó, với mỗi dự án, hai bên phải ngồi lại với nhau để tái đàm phán. Trong đó, tổng chi phí, thời gian thu phí và mức thu phí là những điều khoản quan trọng nhất. Là cơ quan quản lý rất nhiều dự án, Bộ GTVT có ba lựa chọn.
Nhiều người phản ứng khi Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ nhất, cứ theo đúng quy định và khuôn khổ pháp luật hiện có mà làm. Theo trình tự của Luật phí và lệ phí năm 2015, quyết định thay đổi mức phí thuộc Bộ Tài chính với đường thuộc Trung ương quản lý và HĐND tỉnh đối với đường thuộc địa phương quản lý. Do vậy, nếu thực hiện theo luật này sẽ là một quy trình hết sức phức tạp và kéo dài rất lâu. Khi đó, ngành GTVT sẽ không còn nhiều thời gian và nguồn lực cho những việc khác.
Thứ hai, đề xuất Quốc hội cho thay đổi luật và có quy định riêng cho loại hình dịch vụ này. Với tốc độ làm luật hiện tại thì không biết bao giờ mới có luật được điều chỉnh trong khi những vấn đề thực tế đang ngổn ngang buộc phải giải quyết.
Thứ ba, bước vào “vùng xám” bằng cách vận dụng các quy định hiện hành để tạo ra cơ chế thuộc phạm vi của mình với “thu giá” và gánh bão dư luận.
Xét trong môi trường lý tưởng, các cơ quan công quyền đều thực hiện đúng chức năng của mình và mỗi cán bộ công chức đều làm việc một cách mẫn cán thì lựa chọn thứ ba là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, môi trường lý tưởng như vậy là không thực tế. Thủ cho mình để đẩy việc cho người khác và mặc kệ là lựa chọn phổ biến trong khu vực công ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh tham nhũng và lợi ích nhóm tràn lan, việc nghi ngờ động cơ không trong sáng của việc này là điều dễ hiểu
Huỳnh Thế Du
Do vậy, lựa chọn của Bộ GTVT là có thành ý. Những người có trách nhiệm muốn giải quyết các vấn đề nảy sinh chứ không tặc lưỡi cứ theo quy trình mà làm để mặc mọi thứ ách tắc và đổ lỗi cho người khác.
Các thông tin và phát biểu liên quan cho thấy hàm ý câu nói “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước” của Bộ trưởng GTVT là ngành giao thông đã cố gắng giải quyết các vấn đề và tình hình đang lắng xuống chứ không phải là đổ lỗi cho nhiệm kỳ trước.
Tôi xin nhắc lại là “thu giá” nghe rất chối, nhưng nếu bỏ qua điều này hay giả sử một tên gọi khác không gây phản cảm thì thành ý muốn giải quyết vấn đề của Bộ GTVT là rất rõ.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, trong bối cảnh tham nhũng và lợi ích nhóm tràn lan, việc nghi ngờ động cơ không trong sáng của việc này là điều dễ hiểu.
Do vậy, các cơ quan Nhà nước cần phải quan tâm cung cấp thông tin, thực hiện tốt công tác truyền thông để công chúng có thể hiểu được bản chất của vấn đề. Đương nhiên, cần phải phòng ngừa việc lợi dụng các chính sách.
Nếu chỉ "đòn roi", người làm khu vực công sẽ rất nản
Cá nhân tôi cho rằng việc tìm cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống là điều nên làm và đáng được khuyến khích.
Không nhìn đâu xa, ngay ở Việt Nam việc xé rào của các địa phương giai đoạn trước đổi mới là tội tày đình. Nếu chỉ ra TP.HCM đi buôn lậu với nước ngoài ở phao số 0 và xuống miền Tây buôn lậu gạo với các tỉnh thì không biết dư luận giờ đây sẽ “ném đá” như thế nào?
Là người đã nghiên cứu và giảng dạy về chính sách công trong nhiều năm, tôi cũng hiểu được bản chất và những trục trặc của khu vực công. Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và lợi ích nhóm là những vấn đề đang hết sức nhức nhối ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng thành ý muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, tạo ra các giá trị chung luôn có trong rất nhiều người trong khu vực công.
Do vậy, việc lên tiếng với những vấn đề của xã hội nên cả hai chiều. Lên án những việc làm sai trái là cần thiết, nhưng việc nhìn nhận đúng những thành ý cũng hết sức quan trọng.
Nếu chỉ là chỉ trích và “đòn roi” thì những người làm trong khu vực công (nhất là những ai muốn làm điều tốt) sẽ rất nản. Khi nhiều người tặc lưỡi: “Cố gắng giải quyết các vấn đề của cuộc sống không có trong quy trình làm gì vì chỉ thiệt thân mà thôi”. Xã hội sẽ rất u ám.
“Thu giá” có lẽ sẽ được sửa và tôi mong rằng đó chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” trong việc chọn từ. Hy vọng rằng trong khu vực công vẫn luôn có nhiều người, nhiều tổ chức sẵn sàng đương đầu để giải quyết những vấn đề của cuộc sống cho dù các “khuyến khích ngược” và “sự bạc bẽo” luôn thường trực.
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề chuyển đổi từ “trạm thu phí BOT” sang “trạm thu giá BOT”. Bộ này cho rằng việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Tại Thông tư 49, Bộ GTVT đã quy định rõ, đầy đủ tên gọi là “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Nhưng một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận.
Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp.