Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trăm năm phồn hoa của đường Nguyễn Huệ

Tính từ bờ sông Sài Gòn đi vào, phía bên trái đường Charner mang số lẻ, bên phải mang số chẵn. Phía trái đường là nơi buôn bán khá sầm uất.

Sài Gòn xưa có vài con đường mà nay vẫn còn sử dụng. Đó là đường Dưới (nay là Võ Văn Kiệt) từ chợ Bến Nghé vào Chợ Lớn. 

Đường Trên từ cổng thành Gia Định vào Chợ Lớn (nay là Nguyễn Trãi và một đoạn của Lý Tự Trọng - từ ngã sáu đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đường Catinat từ bờ sông Sài Gòn đến đường Lê Thánh Tôn (nay là Đồng Khởi). Đường Imperial từ bờ sông Sài Gòn đến cầu Kiệu nối với đường đất đi Phú Nhuận, Gò Vấp.

Đường Thiên lý Bắc - Nam từ bến đò Bình Quới đi miền Tây (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Thiên lý Đông - Tây từ Sài Gòn đi Tây Ninh, Nam Vang (nay là Cách Mạng Tháng Tám).

Kinh Lớn hay Kinh Chợ Vải

Riêng đường Nguyễn Huệ tuy sinh sau, đẻ muộn cũng đã có tuổi đời hơn 120 năm. Tính từ bờ sông Sài Gòn đi vào, phía bên trái đường Charner mang số lẻ, bên phải mang số chẵn. Phía trái đường, vốn là khu thị tứ, chợ nên việc buôn bán khá sầm uất. Còn bên phải đa số là hãng buôn bán sỉ và một số quán cà phê của người Pháp.

Duong Nguyen Hue anh 1
Đường Nguyễn Huệ thập niên 1960 .

Đường Nguyễn Huệ nguyên là con kinh (kênh) dẫn nước vào các hào quanh thành Gia Định. Con kinh ấy được người Sài Gòn gọi là Kinh Lớn hay Kinh Chợ Vải, có lẽ vì gần đầu kinh có một khu vực chuyên bán vải vóc của người Ấn Độ, người Chà Và.

Sau khi xây dựng thành Gia Định năm 1890, Nguyễn Ánh sau này là vua Gia Long của triều Nguyễn, đã cho mở một con kinh dẫn nước từ sông Sài Gòn vô các hào quanh thành. Con kinh dài 800 m, bề ngang chừng 15 m, sâu ba mét. Hai bên bờ kinh là hai con đường đất có nhà dân sinh sống. Khoảng đầu kinh gần sông, có chiếc cầu nhỏ bằng cây để dân chúng qua lại.

Kinh dẫn nước vô tới con rạch nhỏ nay là đường Lê Thánh Tôn chảy trước cửa thành Gia Định, rồi dẫn nước chảy quanh các hào quanh thành. Không rõ cơ chế để nước vô như thế nào vì vùng đất quanh thành Gia Định đều cao hơn phía kinh lớn.

Sau khi hạ thành Gia Định và chiếm ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, dù Phan Thanh Giản và phái đoàn còn ngồi thương lượng với vua Pháp về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông ở Paris, thì người Pháp đã nhanh chóng cho quy hoạch thành phố.

Duong Nguyen Hue anh 2
Kinh Lấp nay là đường Nguyễn Huệ.

Kinh Charner đổi qua Kinh Lấp

Việc đầu tiên của Pháp là đem tên Sài Gòn từ Chợ Lớn về thay thế cho cái tên Bến Nghé hơi khó phát âm đối với người Pháp. Sau đó, họ quy hoạch mở rộng Sài Gòn để biến thành phố này thành thủ đô của Nam Kỳ. Các con đường được coi là trung tâm của Sài Gòn thuở ấy chính là Catinat (Đồng Khởi) và hai con đường dọc bờ kinh, lúc này được gọi là Kinh Charner.

Dù hai con đường đất hai bên kinh vẫn còn nguyên là đất nhưng đã được đặt tên hai vị tướng “có công” đánh chiếm Sài Gòn là Genouilly (người chỉ huy hạ thành Gia Định) và Charner (người chỉ huy hạ đại đồn Chí Hòa và tiến chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ). Tính từ bờ sông Sài Gòn đi vô thì đường Genouilly nằm bên phải và Charner nằm bên trái kinh.

Đường Charner vì có chợ nên việc buôn bán sầm uất hơn, dân cư đông đảo hơn, còn đường Genouilly thì chỉ có nhà ở, vắng lặng hơn.

Duong Nguyen Hue anh 3
Xe lửa chạy hơi nước trên đường Kinh Lấp.

Đến năm 1887, vì lý do “rác rến quá nhiều, lòng kinh dơ bẩn, hôi thối” nên kinh bị lấp và từ đó một con đường hình thành được lấy tên là Charner, nhưng người dân quen gọi là đường Kinh Lấp.

Thật ra, việc lấp kinh Lớn còn có nguyên nhân là chỉnh trang đô thị, mở rộng thành phố Sài Gòn vốn luôn bị ngập lụt vì thấp và sình lầy. Trước đó, một phần kinh từ Lê Thánh Tôn đến đường Bonard (Lê Lợi) đã được lấp cùng với kinh Bonard (đào năm 1862 để thoát nước cho khu vực thấp gọi là ao Bồ Rệt – Boresse, nay là khu vực chợ Bến Thành và vùng chung quanh).

Còn Kinh đào nay là đường Pasteur từ Hàm Nghi đến Lê Lợi, kinh Cầu Sấu, nay là đường Hàm Nghi, kinh Cầu Quan (gồm các đường Chợ Đũi - nay là Đề Thám, đường Phạm Ngũ Lão, đường Yersin, đường Calmete) và vũng Bồ Rệt.

Ngày 22/3/1955, chánh quyền Ngô Đình Diệm đã đồng loạt xóa tên Pháp của các con đường ở Sài Gòn, riêng đường Charner được đặt tên là Nguyễn Huệ từ đó đến nay. Nguyễn Huệ có chiều dài 821 m và lộ giới 64 m chạy từ đường Tôn Đức Thắng đến Lê Thánh Tôn.

Trần Nhật Vy biên soạn

Bạn có thể quan tâm