Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ đâm trúng trái đất vào năm sau, gia tăng nghi vấn các nhà quản lý chương trình không gian của Trung Quốc đã mất kiểm soát một bộ phận nặng đến 8,5 tấn.
Tiangong-1 hay "Thiên cung" được mô tả là "biểu tượng chính trị uy lực" cho sức mạnh của Trung Quốc. Trạm này được phóng lên vào năm 2011, là một phần trong kế hoạch thúc đẩy Trung Quốc thành một cường quốc không gian.
Tuy vậy, phát biểu tại trung tâm tên lửa đặt ở Sa mạc Gobi tuần rồi, các nhà chức trách cho biết trạm không gian đã "hoàn thành nhiệm vụ lịch sử" và có kế hoạch trở về trái đất trong nửa sau năm 2017.
"Dựa trên các tính toán và phân tích, đa số phần tử của trạm sẽ tự bốc cháy khi về trái đất", Trưởng văn phòng kỹ thuật không gian Trung Quốc Wu Ping cho biết.
Tên lửa Long March 2-F cùng trạm không gian Tiangong-1 trước khi được phóng lên vũ trụ. Ảnh: STR. |
Jonathan McDowell, chuyên gia Vật lý học thiên thể nổi danh của Havard cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc gợi ý họ đã mất kiểm soát trạm này, do vậy nó sẽ trở về trái đất "một cách tự nhiên".
Nếu đây là sự thật, gần như không thể đoán được khi nào các mảnh vỡ từ trạm này sẽ "hạ cánh".
"Bạn không thể điều khiển những thứ này", ông nói. "Chúng sẽ không di chuyển theo quy luật gì, không thể biết khi nào chúng rơi, đồng nghĩa không thể biết chúng sẽ rơi trúng chỗ nào".
McDowell cho biết một thay đổi nhỏ nhoi trong môi trường khí quyển cũng có thể khiến vật thể "rơi xuống châu lục khác".
Dù phần lớn trong 8 tấn vật chất của trạm không gian sẽ tự cháy khi rơi qua tầng khí quyển, McDowell cho biết một vài phần, như động cơ tên lửa, sẽ không thể cháy hết.
"Sẽ còn khoảng 100 kg vật chất rơi tự do khi vượt qua các tầng trên của khí quyển, và nhiêu đó là đủ để gây chấn động mạnh khi chạm đất", ông nhận định.
"Tất nhiên sẽ có khả năng thiệt hại. Có thể nó rơi vào giữa đường, tạo ra những cơn mưa đầy kim loại, xuyên thủng mái nhà, nhưng sẽ không thiệt hại quá rộng".
Phi hành gia Liu Yang thuộc nhiệm vụ Tiangong-1 tại triển lãm khai trương trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc năm 2012. Ảnh: STR. |
Trong lúc đó, Wu Ping nói với báo giới rằng trạm này đã "đóng góp quan trọng vào mục tiêu khai phá vũ trụ của Trung Quốc" trong 4,5 năm hoạt động.
Bà cho biết lần trở về này sẽ "ít có khả năng ảnh hưởng hoạt động hàng không hoặc gây thiệt hại đến mặt đất".
"Trung Quốc luôn coi trọng việc quản lý các mảnh vỡ không gian, thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm quá trình làm sạch cũng như di dời các mảnh vỡ", Xinhua dẫn lời Wu.
Bà cũng cho biết Tiangong-1 "hiện thời vẫn nguyên vẹn", và các nhà chức trách sẽ "tiếp tục kiểm soát và ra cảnh báo sớm nếu có vấn đề xảy ra". Họ cũng dự kiến đưa ra "dự báo quốc tế" về vị trí các mảnh vỡ.
Một số người đam mê thiên văn cũng bày tỏ lo ngại. "Sẽ rất tệ nếu các mảnh vỡ rơi vào khu dân cư", Thomas Dorman - một nhà thiên văn học nghiệp dư - nói trên Space.com vào tháng 6. Tuy vậy, ông này cũng thừa nhận các mảnh vỡ khả năng cao rơi xuống biển hoặc các khu vực không người ở.
"Tuy vậy, hãy nhớ rằng các tính toán đôi khi không chính xác, vì vậy hãy luôn cẩn trọng", Dorman cảnh báo.