Với số vốn ngót 10 triệu đồng ban đầu vay mượn từ người thân quen, anh Hoàng Văn Nam, 28 tuổi, thôn Hưng Định, xã Sầm Dương, Sơn Dương (Tuyên Quang) đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua rắn hổ mang về nuôi. Hiện nay anh Nam đã gây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang, thu nhập mỗi năm lên tới vài trăm triệu đồng.
Đam mê nhỏ, niềm vui lớn
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi rắn của anh Nam vào một buổi trưa, khi vợ chồng anh Nam, chị Phượng đang làm cóc để cho rắn ăn. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang đang đi vào hoàn thiện, anh Nam vui vẻ chia sẻ với tôi mối nhân duyên với nghề nuôi rắn.
Anh Nam là một trong những người đầu tiên ở địa phương mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi rắn. |
Năm 2007, một lần tình cờ được tham quan mô hình nuôi rắn của người thân ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), anh Nam nhận thấy đây là một cách làm giàu phù hợp với điều kiện gia đình mình nên quyết định làm theo. Vay mượn đươc gần 10 triệu đồng, anh đầu tư xây hầm nuôi thử nghiệm 100 con rắn hổ mang.
Những ngày đầu nuôi rắn còn nhiều khó khăn, vốn ít nên anh Nam phải tự đi bắt cóc về làm thức ăn cho rắn. Nuôi rắn được 3 năm thì được xuất lứa rắn đầu tiên, tiền trả nợ còn dư lại ngót trăm triệu, anh chị quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại. Đến nay, trang trại đã có hơn trên gần 2.000 con rắn hổ mang sinh sản và thương phẩm. Trong số này, có hơn 1.000 rắn to cùng hơn 800 rắn con.
Sau 7 năm, hiện trang trại của anh chị có tổng giá trị ước tính gần 1 tỷ đồng. Anh Nam có dự định đầu tư xây thêm 2 chuồng rắn, mỗi chuồng khoảng trên 50 m2 với khoảng 100 ô cho rắn ở để nhân rộng mô hình.
Anh Nam chia sẻ, hổ mang là loài phàm ăn, nhanh lớn, dễ chăm sóc. Thức ăn chủ yếu của chúng là cóc và nhái, chủ yếu được anh thu mua với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg. Nuôi rắn hổ mang vất vả nhất là vào thời kỳ tháng 9, tháng 10. Lúc này, nguồn thức ăn khan hiếm. Có khi anh phải đi hàng trăm km để mua thức ăn cho rắn. Như năm 2010, nguồn thức ăn khan, những người cung cấp đẩy giá lên cao, anh Nam phải lặn lội từ Tuyên Quang xuống Thanh Hóa mới mua được thức ăn.
Chu kỳ đẻ trứng của rắn hổ mang thường vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Rắn càng nặng cân càng đẻ nhiều trứng. Trung bình mỗi lần rắn đẻ khoảng 20 - 30 quả. Trong giai đoạn này, ngoài đủ thức ăn, rắn cần ở trong môi trường sạch sẽ. Anh Nam cho biết, người nuôi nên xây mô hình chuồng khép kín, xây cao so với mặt đất, lợp bằng mái cọ. Chuồng sẽ được chia thành từng ô nhỏ có chiều rộng 40cm, chiều dài 60cm. Trên mỗi ô phải có nắp bằng bê tông, bên dưới lát gạch mục. Mỗi ô nuôi một con. Đến khi rắn đủ lớn thì người nuôi sẽ ghép đôi cho rắn sinh sản.
Chia sẻ ý tưởng nuôi rắn hổ mang, anh Nam cho biết, rất khó mưu sinh bằng nghề trồng trọt do đất ruộng ít, lại cằn cỗi. Những ngày đầu tiên, anh Nam không có kinh nghiệm nuôi, lại phải một mình làm tất cả các việc, từ chăm sóc đến cho rắn ăn do người trong nhà không ai dám tiếp xúc với loài vật này. Hổ mang là loài rắn độc nên cả gia đình cũng sợ: “Tôi phải học kỹ năng xử lý vết thương nếu bị rắn cắn. Ngoài ra trong nhà lúc nào cũng luôn phải dự trữ thuốc đắp rắn cắn. Từ khi nuôi rắn đến nay tôi bị rắn cắn 3 lần rồi, nhưng cả 3 lần đều cố gượng dậy để vừa nắm chặt tay vừa chạy thật nhanh vào phòng lấy thuốc đắp kịp thời", anh Nam chia sẻ.
Chưa kể đến, những ngày đầu tiên nuôi rắn, để có thức ăn cho chúng, cả nhà phải chạy đi bắt cóc, nhái cả ban đêm. Sau một thời gian, anh phải vận động nhờ lũ trẻ chăn châu tìm bắt giúp về bán cho anh và trả tiền công theo cân.
Trên thị trường hiện nay, giá bán rắn hổ mang thương phẩm khoảng 1,2 triệu đồng/kg, rắn giống 80.000 - 150.000 đồng/con và 60.000 đồng/quả trứng. Hộ anh Nam chủ yếu cung cấp rắn giống và thương phẩm cho thương lái Móng Cái (Quảng Ninh) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để xuất khẩu. Đầu năm nay, anh chị bán rắn được giá cao với giá 1,4 - 1,6 triệu đồng/kg, thu lãi hơn 100 triệu đồng.