Đây là số liệu được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ số liệu công bố của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 8.
Cụ thể, trong tháng gần nhất, thị trường ghi nhận tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 26.077 đồng. Trong đó, có 51 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng giá trị gần 2.000 tỷ đồng của Công ty CP Masan MEATLife (MML).
Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu
Trong tháng 8, các ngân hàng là nhóm có lượng phát hành lớn nhất với tổng giá trị 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng lượng phát hành trong tháng. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu là để bổ sung vốn cấp 2 như BIDV, VietinBank, VIB, MBBank và Vietcapital Bank với giá trị 2.324 tỷ đồng.
Đây là các khoản trái phiếu có lãi suất thả nổi, tham chiếu theo bình quân lãi suất tiết kiệm tại 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, dao động từ 6,1%/năm đến 7,6%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng ghi nhận khối lượng phát hành lớn trong tháng vừa qua là VPBank (2.630 tỷ); OCB (2.000 tỷ); SHB (1.400 tỷ)… đều là trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 2-4 năm với lãi suất cố định 3,5-4,2%/năm.
Sau ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu lớn thứ 2 trong tháng 8 với tổng giá trị phát hành riêng lẻ 8.950 tỷ. Trong đó, khoảng 15% trái phiếu chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Đây là trái phiếu doanh nghiệp được xếp vào nhóm rủi ro khi chất lượng tài sản bảo đảm thấp.
GIÁ TRỊ PHÁT HÀNH TPDN TRONG THÁNG 8 | |||||||
Tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 8 đạt 26.077 tỷ đồng. Nguồn: HNX, SSC, VBMA | |||||||
Nhãn | Ngân hàng | Bất động sản | Hàng tiêu dùng | Dịch vụ tiêu dùng | Năng lượng | Khác | |
Giá trị phát hành | % | 41.6 | 34.3 | 8.5 | 6 | 3.5 | 6.1 |
Một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn trong tháng 8 phải kể tới Công ty CP Bông Sen (4,800 tỷ); Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ).
Kỳ hạn phát hành của các doanh nghiệp bất động sản cũng phổ biến trong khoảng 1-4 năm, nhưng có lãi suất lên tới 8,2-13%/năm.
Theo dữ liệu của HNX, một số lô trái phiếu phát hành trong tháng 6-7 nhưng cũng được tiêu thụ hết trong tháng 8 gồm 3.000 tỷ của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Helios; 1.050 tỷ của Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS Phước Long; 1.000 tỷ của Công ty TNHH Đầu tư Big Gain; hay 595 tỷ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Mặt trời KN Vạn Ninh.
Như vậy, tính chung 8 tháng từ đầu năm, toàn thị trường ghi nhận 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành 308.517 tỷ đồng. Trong đó, có tới 476 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 296.933 tỷ. Còn lại, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng là 11.584 tỷ thông qua 14 đợt.
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với tổng giá trị 1 tỷ USD, bao gồm Vingroup (500 triệu USD); Công ty CP Bất động sản BIM (200 triệu USD) và Novaland (300 triệu USD).
Lãi suất thấp vẫn đắt hàng
Nếu tính trong 8 tháng, các ngân hàng thương mại cũng là nhóm có giá trị phát hành lớn nhất với 116.100 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 24.186 tỷ là trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại là trái phiếu kỳ hạn 2-4 năm với lãi suất 3-4,2%/năm, cố định trong toàn bộ thời hạn.
Tương tự tháng 8, nếu tính từ đầu năm, doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm xếp thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 107.980 tỷ. Trong đó, có tới 23.324 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD quy đổi) là trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Lãi suất trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành từ đầu năm đến nay dao động trong khoảng 8-13%/năm.
Trái phiếu ngân hàng kỳ hạn 2-4 năm có lãi suất chỉ bằng 1/2 tiền gửi tiết kiệm và 1/3 trái phiếu bất động sản nhưng vẫn đắt hàng. Ảnh: Nam Khánh. |
Như vậy, có thể thấy dù duy trì mặt bằng lãi suất chỉ tương đương 1/3 so với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu ngân hàng phát hành ra vẫn được thị trường hấp thụ và thường xuyên đứng đầu về nhóm doanh nghiệp có giá trị phát hành thành công lớn nhất.
Thậm chí, nếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện vào khoảng 5,4-6,8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên (theo NHNN), lãi suất trái phiếu do các ngân hàng phát hành cũng chỉ tương đương 1/2.
Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, do trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác, nhóm này chủ yếu phát hành để bán chéo cho nhau.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, 15 ngân hàng đã phát hành 68.200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất 4,3%/năm. Trong đó, nhà đầu tư mua các lô trái phiếu này gồm nhóm ngân hàng 17.800 tỷ (26%); công ty chứng khoán 38.300 tỷ (56%); tổ chức trong nước 10.100 tỷ (15%) và cá nhân mua 2.000 tỷ (3%).
Trước đó, Thông tư 34/2013 của NHNN quy định một tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên sơ cấp sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác.
Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp từ ngày thông tư có hiệu lực là 17/5.
Cũng theo FiinGroup, hơn 70% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay do các ngân hàng nắm giữ.