Trải nghiệm tựa game lái máy bay 2 triệu GB của Microsoft
Thứ tư, 19/8/2020 17:06 (GMT+7)
17:06 19/8/2020
Với đồ họa siêu nặng, Microsoft Flight Simulator mang đến cho người chơi sự chân thực, chiều sâu và không gian game gần như vô hạn.
Hôm 18/8, tựa game 2 triệu GB, Flight Simulator của Microsoft chính thức ra mắt. Ngay khi xuất hiện, trò chơi đã được nhiều trang game uy tín trên thế giới cho điểm đánh giá rất cao.
Từng chi tiết nội thất trong máy bay đều được tái tạo tỉ mỉ. Microsoft dùng công nghệ laser để quét lên nội thất thật, tham khảo tài liệu thiết kế và cả bản vẽ CAD để tái tạo lại máy bay.
Bên cạnh đó, Microsoft còn dùng dữ liệu địa hình từ ứng dụng bản đồ Bing Maps để mô phỏng toàn bộ Trái Đất. Người chơi còn có thể bay qua chính ngôi nhà của mình, dù nó có thể không giống hệt như ngoài đời, nhưng đảm bảo chính xác vị trí.
Ngoài trải nghiệm bay cơ bản, Flight Simulator cho phép bạn thiết lập chế độ chơi tùy thuộc vào trình độ của mình. Người chơi có thể mở các tính năng hỗ trợ để game trở nên dễ chơi hơn, hoặc tắt đi để tận hưởng cảm giác lái như một phi công.
Trong game còn có một trường dạy bay. Tại đây, bạn sẽ ngồi vào ghế phi công chiếc Cessna 172 để làm quen với việc điều khiển máy bay. Những chiếc máy bay khác trong game cũng hoạt động theo các nguyên tắc tương tự. Một số chiếc máy bay trong đó có A320neo và 747 sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm quen.
Người chơi còn có thể chọn thời tiết theo thời gian thực và tùy chỉnh theo ý muốn. Nếu muốn cất cánh trong cơn bão tuyết vào ban đêm, bạn có thể thiết lập thời gian và thời tiết. "Giờ vàng” trong game chính là buổi sáng sớm hoặc trước khi hoàng hôn, lúc nhiệt độ ấm và dễ chịu nhất.
Bay và khám phá Trái Đất là mục tiêu giải trí chính của game. Ngoài ra, Flight Simulator còn bổ sung thêm một số yếu tố tăng tính cạnh tranh, bao gồm thử thách hạ cánh cùng bảng xếp hạng thành tích. Thử thách này giúp người chơi nâng cao kỹ năng, vì có thể bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để hạ cánh thành công tại một sân bay trên đỉnh núi ở Pháp.
Dù nặng đến 2 triệu GB nhưng người chơi không cần phải lưu toàn bộ dữ liệu này về máy. Flight Simulator được lưu trên hệ thống đám mây Azure của Microsoft. Khi chơi, chỉ cần đồng bộ máy cá nhân với hệ thống.
Người dùng chỉ cần dàn máy cấu hình tối thiểu gồm CPU AMD Ryzen 3 1200 hoặc Intel Core i5-4460, GPU AMD Radeon RX 570 hoặc Nvidia GTX 700 (VRAM 2 GB), RAM 8 GB, ổ cứng 150 GB để chơi. Ngoài ra, cần có Internet tốc độ 5 Mbps trở lên để tải và dựng bản đồ, máy bay theo thời gian thực.
Một số tùy chỉnh như ánh sáng phải được hạ xuống mức bình thường để game chạy mượt hơn. Thời gian tải bản đồ game cũng là vấn đề đáng lưu ý. 4 phút là thời gian trung bình để tải các sân bay lớn, những sân bay nhỏ hơn tốn ít nhất 1 phút.
Hiện Flight Simulator chưa hỗ trợ VR, nhưng Microsoft cho hay tính năng này sẽ ra mắt trong năm nay.
Game có 3 phiên bản. Bản Standard Edition có 20 máy bay, 30 sân bay được thiết kế chi tiết. Bản Deluxe Edition có 25 máy bay, 35 sân bay. Cuối cùng, Premium Deluxe Edition có 30 máy bay và 40 sân bay. Đây là số lượng sân bay, máy bay được nhà sản xuất thiết kế chi tiết trong hơn 37.000 sân bay, hàng chục máy bay khác nhau.
Trên Steam, giá bán của Premium Deluxe là 2,7 triệu đồng, Deluxe là 2 triệu đồng và 1,3 triệu đồng với Standard. Bên cạnh Steam, game cũng ra mắt trên Microsoft Store và Xbox Game Pass.
Dù" chiến thắng" Apple, câu hỏi đặt ra là liệu Indonesia có duy trì sức hút trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi các nước xung quanh đang đi rất nhanh trong cuộc đua FDI.