“Chưa bao giờ em sợ đến mức thất thần như thế!”, Lại Đức Tùng, du học sinh Nhật, chia sẻ với Zing.vn cảm xúc về vụ động đất đầu tiên trong đời hôm 18/6. Tùng mới đến Nhật chính xác 75 ngày.
Vụ động đất mạnh 6,1 độ xảy ra vào 7h58 sáng thứ hai đầu tuần tại phía bắc của Osaka, Nhật Bản khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Nếu người Nhật tỏ thái độ bình tĩnh do từ bé đã được dạy bảo kỹ càng về cách xử lý khi động đất xảy ra, thì những người Việt mới sang như Đức Tùng cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ.
Trải nghiệm khó quên của người Việt
Tùng thức dậy lúc 7h50. Do còn ngái ngủ, cậu vẫn còn nằm trên giường tầng khi sàn nhà bắt đầu rung chuyển. Tùng sống trên tầng 5 của ký túc xá nên cảm nhận mọi thứ rất rõ.
“Nhịp đầu tiên, em còn cảm giác như người em tự bật dậy”, Tùng kể lại. Giữa khung cảnh đồng hồ và gương rung lắc mạnh mẽ trên tường, cửa kính thì có dấu hiệu sắp nứt, tiếng còi báo động bất ngờ đồng loạt rú lên ầm ĩ khiến Tùng vô cùng hoang mang. Đến khi tĩnh tâm lại, Tùng chia sẻ rằng động đất xảy ra tương đối nhanh, nhưng do có nhiều yếu tố kéo đến cùng lúc nên cậu mới hoảng loạn như thế.
Trong lúc Tùng đang tìm cách tự trấn an bản thân và tìm hiểu chuyện gì vừa xảy ra, Trần Hương Giang, nhân viên văn phòng, ngơ ngác khi bị yêu cầu bước ra khỏi tàu điện ngầm. Như phần lớn người dân Nhật, Giang sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển tới công sở. Cô có hẹn với đối tác lúc 9h.
Giang mô tả chỉ một phút sau khi cô vừa bước chân lên tàu thuộc tuyến Midosuji, tuyến điện ngầm chính ở nội thành Osaka, thì tất cả điện thoại của hành khách đồng loạt vang lên báo hiệu cảnh báo động đất.
Người đi làm rời khỏi tàu điện ngừng hoạt động sau trận động đất xảy ra vào 7h58 sáng 18/6 ở Osaka. Ảnh: AP. |
Do đã ở Nhật gần 5 năm và đã trải qua vài trận động đất nhẹ, Giang không quá hoảng sợ, thậm chí còn “hơi chút chủ quan vì tưởng chỉ rung nhẹ thế thôi”. Nhưng sau khi được thông báo di tản lên mặt đất để tìm điểm trú ẩn, Giang nhận ra đây là một trận động đất nghiêm trọng.
Tuy lo lắng, Giang bình tĩnh di chuyển cùng hàng trăm hành khách lên địa điểm lánh nạn là công viên trên mặt đất và cố gắng trấn an người thân ở Việt Nam qua tin nhắn, đồng thời lập tức nhắn tin cho đối tác báo có thể đến muộn.
Nhà của chị Hana, người Việt sinh sống ở Nhật lâu năm, nằm ở rìa tâm chấn nên không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Dù vậy, chị vô cùng lo lắng khi cảm nhận được trận rung cấp độ 4 do cô con gái 4 tuổi vừa ra khỏi nhà cách đó ít phút.
Sau khi liên lạc được với con, chị Hana thở phào khi nhận được thông tin bé đã tới trường an toàn. “Có lẽ do còn nhỏ và chưa hiểu rõ mọi chuyện nên bé không quá sợ hãi”, chị chia sẻ. Trường vẫn tiếp tục chương trình học tập và vui chơi như thường lệ trong ngày 18/6.
Học sinh Nhật bình tĩnh sau động đất. Các em được dạy bảo kỹ năng ứng phó với thảm họa từ khi còn nhỏ. Ảnh: Reuters. |
Chị Hana cho biết trường của bé tổ chức lớp học kỹ năng ứng phó với cháy nổ hoặc thiên tai hàng tháng. Trường trang bị đầy đủ đồ đạc lánh nạn, chỉ cần có lệnh là sẽ lên đường.
Trong khi đó, Thế Nam trải qua trận động đất lớn đầu tiên trong đời trên cương vị Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Osaka. Nam có trách nhiệm liên tục cập nhật tình hình trên trang Facebook của hội. Do phải cùng lúc lắng nghe thông tin từ phía Việt Nam và Nhật, Nam chia sẻ cảm giác quá tải trong khi bản thân vẫn còn khá lo lắng và sợ hãi.
Ngoài những bất cập về giao thông và mạng điện thoại bị tắc nghẽn, Nam cho biết Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam thương vong hoặc bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn địa chấn. Tuy nhiên, tâm lý cộng đồng người Việt ở Osaka khá hoang mang do khu vực này ít khi xảy ra động đất.
Người Nhật xin lỗi vì động đất
Như thường lệ, cả thế giới luôn thán phục tinh thần bình tĩnh và đoàn kết của người Nhật mỗi khi lâm vào tình cảnh hoạn nạn. Thời điểm bị yêu cầu rời khỏi tàu, Giang và các hành khách cùng kéo ra nhưng không một ai chen lấn xô đẩy. Hàng trăm con người bình tĩnh, nhẫn nại đứng chờ ngay ngắn ở ga trước khi di chuyển lên mặt đất theo sự hướng dẫn của cảnh sát đường tàu. Nếu có tiếng phàn nàn hay đổ lỗi thì chắc chắn nó không đến từ phía người Nhật.
Mọi người đồng loạt nhắn tin, gọi điện cho công ty hoặc người thân thông báo không thể đến địa điểm đúng giờ. Điều ngạc nhiên nhất là khi Giang liên lạc với đối tác, họ còn xin lỗi và mong cô thông cảm về những phiền phức cô phải trải qua do vụ động đất lần này.
Người dân sốt ruột ngồi chờ hệ thống phương tiện công cộng hoạt động trở lại. Tại Nhật Bản, công ty đường sắt sẽ cung cấp cho hành khách văn bản "xin lỗi" để giải trình với cấp trên hoặc giáo viên lý do trễ giờ làm, giờ học. Ảnh: AP. |
Tuy không thể làm chủ được thiên nhiên, công ty và đối tác người Nhật của Giang đều nhận trách nhiệm và bày tỏ sự tiếc nuối khi sự cố xảy ra. Qua sự việc này, Giang nhận thấy người Nhật không chỉ giữ được thái độ bình tĩnh mà các công ty xứ sở hoa anh đào còn vô cùng chu đáo khi gọi điện hỏi thăm từng nhân viên. Giang cho biết cô được hỏi han kỹ càng xem nhà có mất điện, mất nước không. Thậm chí, bộ phận chăm sóc nhân viên còn yêu cầu Giang kiểm tra ống ga trong nhà để đảm bảo sự an toàn cho cô trước khi dập máy.
Nhật Bản nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi hầu hết hoạt động địa chấn và núi lửa của thế giới diễn ra. Mỗi năm, Nhật Bản hứng chịu khoảng 1.500 trận động đất lớn nhỏ.