Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải nghiệm để trưởng thành

Tôi có may mắn được thực tập tại Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy thời gian gắn bó tại đây chỉ vài tháng, tôi trưởng thành và được trải nghiệm nhiều điều.

- Theo bạn, đâu là điểm yếu của phụ nữ khi làm báo so với nam giới?

Đây là câu hỏi của nhà báo Ngô Bá Lục dành cho tôi trong đêm chung kết Tài sắc nữ sinh Báo chí. Câu hỏi của anh cũng là một trong những điều được tôi cho là kim chỉ nam khi hành nghề.

Từ lâu đã sớm nhận ra sức khỏe, thể lực là thiệt thòi lớn nhất của phụ nữ làm báo, câu trả lời này đã giúp tôi trở thành hoa khôi năm ấy…

Trải nghiệm rất tuyệt vời đó đã thay đổi tôi rất nhiều, cho tôi cơ hội chứng minh bản thân đã trưởng thành như thế nào, giới hạn của mình đến đâu. Nó cũng mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới, một số cơ quan báo chí sau khi theo dõi cuộc thi có mời tôi làm cộng tác viên.

Từ sau đó đến khi ra trường, tôi vẫn đi học và đi làm song song, cộng tác với nhiều đài truyền hình để trải nghiệm nhiều công việc khác nhau.[…]

Lần cộng tác bên Truyền hình Hitv, tôi có kỷ niệm không bao giờ quên: Chẳng hiểu sao cứ lên hình là bị hơi… vẹo cổ. Lúc đó, anh quay phim không hài lòng, nhưng may mắn cho tôi giám đốc kênh vẫn tin tưởng và động viên rằng cố gắng luyện tập đến khi ổn hơn sẽ được lên hình. Về nhà, tôi cứ trăn trở mãi.

Tôi quyết tâm phải sửa bằng được. Trong một tuần, tôi dành hầu hết buổi tối chỉ để… tự nói trước web - cam của cái máy tính cũ. Tôi nói đi nói lại những mẩu tin nhỏ, thu bằng webcam và xem thật kỹ. Sau một tuần trở lại đài, mọi người không ai nhận ra tôi là con bé vẹo cổ tới xin casting lần trước nữa.

Con nha nguoi ta anh 1

Càng làm, mình sẽ càng rút ra nhiều kinh nghiệm. Công việc MC theo tôi không phải vị trí quá khó khăn. MC là người thể hiện nội dung bản tin trên sân khấu, vậy nên sẽ có rất nhiều người trong ê-kip hỗ trợ. Nhiều bạn sinh viên trường báo có ý định muốn làm MC, các bạn nên nỗ lực học hỏi từ những anh chị đi trước qua các chương trình truyền hình.

Thực ra xem như vậy chỉ để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng người mà học hỏi những cái phù hợp với mình, chứ thường không ai muốn copy - paste hoàn toàn giống một con vẹt. Bản copy chắc chắn sẽ không bằng được bản chính. […]

Tôi cũng có may mắn được thực tập tại Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Thời gian gắn bó tại đây chỉ vỏn vẹn vài tháng, nhưng những ngày tháng ấy đã giúp tôi trưởng thành và trải nghiệm quá nhiều điều.

Với một sinh viên còn non tuổi đời, non tuổi nghề, những ngày đầu tới cơ quan thực tập thật sự rất áp lực. Bởi tại đây, các anh chị đồng nghiệp không khi nào ngơi nghỉ với một guồng quay tin tức khổng lồ.

Nhịp độ công việc luôn khẩn trương, căng thẳng. Tôi dần ý thức được trách nhiệm mà các phóng viên, nhà báo phải đặt vào từng câu chữ mình viết ra, từng hình ảnh mình quay, dựng phải lớn đến đâu, bởi hàng triệu khán giả ngoài kia đang chờ đợi tác phẩm của mình, tiếp nhận thông tin của mình theo từng cánh sóng.

Ngoài cái lửa yêu nghề, xông pha hiện trường, nhiệt tình trong tác nghiệp, người làm truyền hình còn phải có cái đầu “lạnh”, có thái độ bình tĩnh sắc bén và nhanh nhạy mỗi khi áp lực giờ phát sóng ập đến.

Một tiền bối từng nói đùa với tôi rằng: “Ở đây không có chỗ cho người yếu tim”, quả đúng thế thật! Bởi tất cả bản tin chúng tôi thực hiện đều là ghi hình trực tiếp.

Và các bạn hãy tưởng tượng, hình ảnh chau chuốt, trong trường quay, nụ cười tự tin của các MC nhà đài và những tin bài trôi chảy liên tiếp bày ra trên màn hình TV… chỉ là một phần câu chuyện thực tế.

Để có cái hoàn hảo trên sóng truyền hình ấy, hàng chục thành viên của ê-kip đằng sau hậu đài có thể đang tấp nập, vội vã, căng thẳng, khẩn trương. Tất cả cùng tập trung tột độ, dốc sức hết mình cho 15-30-45 phút lên sóng êm trôi. Một không khí làm việc vừa áp lực nhưng cũng vừa kích thích, hấp dẫn những ai đam mê báo chí, truyền hình.

Sau những lần va vấp, trải nghiệm đáng nhớ như thế, tôi ngộ ra vài điều:

Thái độ quan trọng hơn trình độ: Những nơi tuyển dụng nhận chúng ta vào cộng tác/thực tập, họ sẽ nhìn vào chính thái độ làm việc, và phẩm chất đạo đức trước, sau đó mới trau dồi năng lực. Chúng ta không nên thể hiện là mình giỏi trước mà nên thể hiện là mình có đạo đức nghề nghiệp tốt trước.

Nghề báo là nghề rất đặc thù, không có cái khuôn mô-típ hay một quy trình, công thức cố định gì. Chúng ta phải lựa theo sự kiện, theo nhân vật.

Hãy đi theo học hỏi một người nào đấy trong cơ quan mình cộng tác/thực tập. Hãy coi họ như người thầy thứ hai, bạn sẽ học được rất nhiều điều tốt đẹp và quý giá. Những cái đó phần lớn sẽ chính là kinh nghiệm bạn ứng dụng trong thực tế công việc sau này.

Trong nghề báo, kỹ năng quan sát rất cần thiết. Có thể bạn sẽ phát hiện ra một đề tài thú vị ngay khi các bạn đi trên đường lơ láo hoặc vô tình gặp gỡ những người bình dị nhất...

Đi thực tập/cộng tác để chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng mình có đủ bản lĩnh và đam mê đeo đuổi sống chết cùng nghề hay không. Hai chữ cân bằng khá xa xỉ với những gia đình báo chí.

Người thân của các nhà báo phải biết thông cảm, giúp đỡ để họ thỏa chí đam mê với nghề, hậu phương gia đình là một yếu tố quan trọng. Bản thân người làm báo, dù ít hay nhiều cũng phải biết sắp xếp thời gian sao cho hợp lí.

Thực ra ban đầu theo đuổi nghề mình còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm nên phải trải dài thời gian làm việc, sau đó vài năm mọi thứ sẽ đi vào guồng quay và khuôn khổ nhất định chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Trần Huyền Anh / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY