“Tôi cảm thấy danh hiệu (quốc gia hạnh phúc nhất thế giới) xứng đáng, nhưng nhiều người Phần Lan không quá quan tâm tới danh hiệu này”, anh Lê Dương - sinh sống tại thủ đô Helsinki - chia sẻ với Zing.
Anh Dương cho biết trên báo chí, nhiều người cảm thấy “không hiểu sao lại được bầu chọn”, bởi họ thấy đất nước vẫn còn những điểm chưa tốt, như thời tiết khắc nghiệt và khá buồn.
“Tôi cho rằng do có nhiều người chưa sống ở những nước khác, nên họ không biết điều đó đúng hay sai”, anh nói thêm.
Đây cũng là quan điểm được chị Thúy Vũ đồng tình. Chị cho biết chồng chị - người Phần Lan - không để tâm tới điều này, và “vì vẫn còn nhiều người không thực sự có cuộc sống hạnh phúc”.
Còn đồng nghiệp và người quen của chị Thảo Ngân - sinh sống 10 năm tại Phần Lan - khá bất ngờ với việc liên tiếp trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì họ nghĩ những nước giàu mới hạnh phúc.
“Tôi đã đi du lịch và chứng kiến sự cường thịnh của các nước Bắc Âu, và Phần Lan phải nói là ‘nghèo’ nhất (trong khu vực)”, chị nói.
Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 5 liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2022, CNN đưa tin. Năm 2022, điểm của Phần Lan cao hơn đáng kể so với những quốc gia khác trong top 10, trong đó có nhiều nước Bắc Âu.
Báo cáo này xếp hạng các nước dựa theo thước đo như tuổi thọ, sức khỏe, GDP bình quân, hỗ trợ trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội, độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Một xã hội "ai cũng như nhau"
Xã hội Phần Lan tương đối quân bình (ít bất bình đẳng). Điều này thể hiện ngay trong mỗi gia đình. Người Phần Lan coi việc nhà là việc của chung và ai cũng có trách nhiệm hoàn thành.
Chị Ngân cho biết vợ chồng chị phân chia rất công bằng việc nhà. “Ví dụ, tôi đưa con đi học thì anh ấy sẽ là người đón. Hàng xóm người Phần Lan cũng như vậy”, chị nói.
Hệ thống phúc lợi của Phần Lan thể hiện rõ sự quân bình này. Chị Thúy chia sẻ người dân dù giàu hay nghèo thì con vẫn được đi học trường công, thực phẩm, sách vở, y tế đều miễn phí.
Chị Ngân nói chính phủ chuẩn bị đầy đủ cho người dân từ khi còn trong bụng mẹ. Không chỉ miễn phí khám, bệnh viện còn lên lịch khám thai, hỏi bệnh của hai vợ chồng đến tận 3 thế hệ. Trước khi sinh, gia đình sẽ nhận được "thùng quà" đủ dùng đến khi em bé 3 tháng tuổi, từ quần áo cho đến cả dụng cụ cắt móng chân.
Khi em bé chào đời, bệnh viện xếp lịch và nhắc nhở cho trẻ đi khám tới năm 6 tuổi. Khi trẻ em đi học, mọi thứ có "nhà trường lo”.
Chị Thúy Vũ hiện có một kênh Youtube chia sẻ về cuộc sống tại Phần Lan. |
“Mọi người đều như nhau. Không cần lo chuyện mình không có chỗ ngủ hay chỗ ăn”, chị Thúy nói.
Chị kể người quen từng có giai đoạn khó khăn nên không muốn gửi con đi nhà trẻ vì nhà trẻ ở Phần Lan vẫn thu phí dựa trên thu nhập cả gia đình. Tuy nhiên, khi chính quyền biết được hoàn cảnh của bạn chị, họ đã trợ cấp, thuê nhà riêng và gửi bé đi nhà trẻ mà không lấy tiền.
Trong khi đó, anh Dương nói người già trên 65 tuổi sẽ có lương hưu, dù cho trước đó họ làm nghề tự do hoặc thất nghiệp. Số tiền này đủ để họ đảm bảo các chi phí sinh hoạt thông thường. Còn với người Phần Lan có công việc toàn thời gian ổn định, anh cho biết việc mua nhà hay mua xe không phải là điều quá khó.
Chính phủ cũng tạo điều kiện cho người dân đổi nghề, đổi ngành nếu cảm thấy không phù hợp với công việc hiện tại. "Họ tạo cơ hội cho mình phát triển theo cách mình muốn, không kìm nén bất cứ thứ gì cả", chị Ngân chia sẻ.
Tuy nhiên, người Phần Lan thích sống khép kín, khiêm tốn và không phô trương. Họ rất tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Theo chị Ngân, mỗi khi lên phương tiện công cộng, dù đông hay vắng khách đều có sự yên lặng tuyệt đối. Họ không muốn làm ảnh hưởng tới người khác, và cũng không muốn bản thân mình là tâm điểm của sự chú ý.
“Họ không để ý đến vật chất. Họ chỉ quan tâm tới bản thân, người thân thiết. Họ không kì thị và cũng không quan tâm đến ánh mắt của người khác”, anh Dương nói.
Chị Ngân từng có khoảng thời gian sống ở một quốc gia Trung Âu và chứng kiến cảnh bị người ở đây phân biệt. “Tôi chưa giỏi ngôn ngữ địa phương nên khi đi nộp hồ sơ khá chậm. Họ sẵn sàng bỏ hồ sơ của tôi ra và yêu cầu có người thông dịch. Họ nói tôi là người châu Á khi tới đây phải theo quy định của họ”, chị Ngân nhớ lại.
Nhưng chị chưa từng gặp cảnh này khi ở Phần Lan.
“Họ sẽ giải thích từng từ cho tôi hiểu, chỉ tận tay”, chị nói, đồng thời cho biết thêm Phần Lan có luật chống phân biệt đối xử. Nếu con chị khi đi học bị kỳ thị, trường học sẵn sàng giải quyết đến tận gốc rễ.
Những người Việt được hỏi đều nói rằng kể cả người có địa vị trong xã hội, như chủ lao động, cũng bình dị và lịch sự, không nói nặng lời, không tỏ ra “trên cơ”.
Chị Ngân theo học ngành Hoa (Florist) tại Phần Lan ở tuổi 43. Trường đại học kết hợp với một tiệm hoa hỗ trợ chị vừa học vừa làm, và trả cho chị 85% lương của một nhân viên. |
Khoảng cách giữa người lao động và sếp gần như không có. Anh Dương kể rằng tại công ty anh, sếp sẵn sàng là người “cho cốc uống cafe và trà của nhân viên vào máy rửa bát, sau đó đợi máy rửa xong xếp cốc lên giá”.
“Tôi có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thứ với sếp của mình. Ví dụ với chủ nhân tiệm hoa của tôi, tôi có thể thật lòng với bà, kể cả than phiền chuyện chồng mình”, chị Ngân nói.
Chị Ngân cảm nhận những thứ nhỏ nhặt được dạy từ khi còn bé đã hình thành nên tính cách con người và xã hội Phần Lan. Chị từng có khoảng thời gian thực tập tiếng Phần Lan ở nhà trẻ và cho biết giáo viên rất kiên nhẫn và tôn trọng ý kiến của trẻ.
“Họ sẽ hỏi từng bé muốn ăn gì. Nếu bé không muốn ăn, họ sẽ dọn luôn chứ không hề ép. Và trước đó, bé phải đồng ý thì họ mới dọn”, chị nói.
Không chỉ vậy, khi đi nhà trẻ, trẻ em Phần Lan phần lớn ở ngoài thiên nhiên để rèn tính tự chơi, tự học. “Bất kể âm mười mấy độ, mùa đông lạnh thì mặc ấm, trùm thêm áo mưa, chơi cả trong vũng sình vũng tuyết suốt mấy tiếng”, chị cho biết thêm.
Trẻ em ở Phần Lan được rèn luyện thường xuyên về đức tính tự lập và thật thà.
“Tôi từng định bế một bé 3 tuổi lên xích đu, nhưng giáo viên ở đó bảo tuyệt đối không. Nếu muốn, tôi chỉ có thể giúp bé trèo lên chứ không được bế”, chị nói. “Hay khi xếp hàng lấy kẹo ở trung tâm thương mại, cha mẹ dặn con chỉ lấy một cái, không được phép tham lam”.
Chia sẻ với Zing, chị Ngân bày tỏ sự hài lòng với những trải nghiệm ở quê hương thứ hai.
“Tôi từng rơi một túi tiền có khoảng 390 USD ở công viên. Một người đã mang đến trung tâm thất lạc đồ trả lại. Con tôi từng làm rơi mũ trong trung tâm mua sắm. Đến 2 tháng sau, tôi tới trung tâm thất lạc thì vẫn thấy mũ con mình ở đó”, chị nói.
Gia đình chị Ngân trong một lần đi bộ vào rừng ở khu Riviera Masku. |
Cảm xúc thay đổi theo mùa
Tuy nhiên, Phần Lan cũng vẫn có những điểm “không hoàn hảo”. Chị Thúy nói rằng mùa đông ở Phần Lan vừa buồn, vừa tối, lại lạnh lẽo, đồng thời mong muốn đến mùa hè bởi vào thời điểm đó có nhiều thú vui, và trời sáng gần như cả ngày.
Anh Dương cũng có cảm nhận tương tự, đồng thời nói “cảm xúc của mình khi ở Phần Lan thường thay đổi theo mùa”. Anh cho rằng ở thủ đô Helsinki, cuộc sống có sôi động hơn so với vùng quê, nhưng cũng chỉ “bằng 1/5 so với Hà Nội”.
Do đó, với anh Dương, anh cho rằng danh hiệu “hạnh phúc nhất thế giới” chưa chính xác, mà nên coi Phần Lan là “đất nước có phúc lợi xã hội tốt nhất”.
“Tôi phân vân ‘hạnh phúc’ ở đây nên tính theo khía cạnh gì, vì liệu hạnh phúc là khi mình không phải lo nghĩ về vật chất hay khi mình được phép vui chơi giải trí nhiều hơn”, anh nói. “Tuy nhiên, có thể người Phần Lan đã quen với sự yên bình này rồi, nên họ thấy thế là ổn”.
Không chỉ vậy, chính tính khép kín khiến có “tin đồn” người Phần Lan “lạnh lùng như thời tiết của họ vậy”, chị Thúy nói. Những người Việt được Zing hỏi đều nói rằng người Phần Lan giữ khoảng cách với người lạ. Vậy nên cách xa nhau 2 m trong đại dịch Covid-19 không phải là chuyện gì xa lạ với họ.
“Ngay trước đại dịch, họ không bao giờ đứng sát vào nhau, luôn cách từ 1,5-2 m. Ví dụ, nếu trong trạm chờ xe buýt có sẵn hai người đứng cách xa nhau rồi, thì người đến sau sẵn sàng đứng bên ngoài trạm chờ kể cả có tuyết rơi hay mưa phùn”, chị Thúy nói.
“Bạn tôi có dặn nếu gặp người lạ bên này thì đừng có đứng sát rồi chào hỏi, không họ lại nghĩ mình có ‘ý đồ’”, chị Thúy nói đùa.
Người Phần Lan từ nhỏ đã sống hòa mình vào thiên nhiên. |
Đây cũng là trải nghiệm mà chị Ngân chia sẻ. Chị nói rằng người Phần Lan có phong cách “nhà ai nấy sống”. Dù đã sống ở khu Turku hơn 3 năm, chị và nhà hàng xóm không thân thiết, dù “con cái 2 nhà vẫn chạy qua nhà nhau chơi”.
“Tôi vẫn nói đùa với chồng rằng chẳng may có hết quả trứng thì không thể sang ‘xin’ hàng xóm như ở bên Việt Nam được”, chị nói.
Tuy nhiên, “đến khi thân thiết thì người Phần Lan xởi lởi, nhiệt tình và tốt bụng”, theo chị Ngân. Bên cạnh đó, không phải ai cũng lạnh lùng như lời đồn.
Chị Thúy nói rằng gia đình chồng vẫn luôn quan tâm và hỏi han, chia sẻ giống như những gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, người Phần Lan còn tạo một trang web chia sẻ những đồ dùng còn mới, còn tốt nhưng họ không dùng đến để tặng miễn phí cho người lạ.
Kiếm tiền không phải "tôn chỉ sống" của người Phần Lan
Cường độ công việc và nhịp sống tại quốc gia Bắc Âu này khá chậm, nhưng không có nghĩa là họ làm việc không hiệu quả, theo chị Ngân.
“Họ vẫn làm việc, nhưng không phải bỏ hết thời gian ra để kiếm tiền. Họ cân bằng tốt giữa việc kiếm tiền và gia đình, hưởng thụ cuộc sống”, chị cho hay, đồng thời nói thêm người Phần Lan không áp lực chuyện tiền bạc.
Ở Phần Lan, hợp đồng lao động quy định mọi người làm việc 37,5 giờ/tuần. Ngoài ra, họ còn được nghỉ từ 5 đến hơn 7 tuần phép có lương, chưa tính đến những ngày lễ lớn khác.
Anh Dương chia sẻ tại công ty anh, vào khoảng 16h30, đồng nghiệp đã “đóng máy tính” và tan làm, đến đúng 17h là không còn ai ở lại văn phòng. Công ty cũng quan tâm tới sức khỏe và đời sống tinh thần của người dân.
Người Phần Lan cũng không có khái niệm làm ngoài giờ. “Nếu họ có làm ngoài giờ, sếp sẽ yêu cầu nhân viên nghỉ bù đúng số giờ đã làm thêm trước đó”, anh nói.
Anh Dương tại rừng Nuuksio gần thủ đô Helsinki. |
Chị Thúy khá bất ngờ khi thấy người Phần Lan hay vào rừng và có nhiều hoạt động tại đó. “Nhiều nhà, như gia đình chồng tôi, có nhà gỗ trong rừng, thường nằm sát biển hoặc sát sông, hồ để về đó nghỉ ngơi”, chị nói.
Không chỉ tạo điều kiện nghỉ dưỡng, chính phủ Phần Lan cung cấp cả "công cụ" cho người dân hưởng thụ. Anh Dương cho biết vào mùa hè, anh và bạn bè thường ra đảo chơi. Tại các đảo, chính quyền dựng nhà gỗ, bên trong chặt sẵn củi, thậm chí có cả bếp, bật lửa, xẻng, dụng cụ cắm trại.
"Tất cả gì tôi cần mang theo là thịt để nướng", anh nói.
Chị Ngân cho rằng một trong những lý do khiến người Phần Lan hạnh phúc là vì họ hài lòng với những gì mình có.
Theo giáo sư Sari Poyhonen từ Đại học Jyvaskyla, người Phần Lan thường có kỳ vọng thực tế trong cuộc sống. Khi có điều gì đó tốt đẹp vượt quá mong đợi xảy ra, họ chỉ hành xử khiêm tốn, thích đùa một cách tự tin hơn là khoe khoang.
"Cuộc sống ở Phần Lan quá yên bình nên cũng tác động nhiều tới con người tôi", chị Ngân chia sẻ. "Ngoài đi làm, hầu như tôi và chồng đều dành thời gian cho gia đình. Gia đình tôi có thu nhập bình thường ở Phần Lan. Dù vậy, tôi tự hài lòng với những gì mình đang có, và thấy hạnh phúc với điều đó".