Theo khảo sát mới được công bố của Economist Intelligence Unit, thành phố Auckland, New Zealand dẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới, vượt qua nhiều cái tên như Vienna (Áo) hay Melbourne (Australia).
Bên cạnh Auckland, thủ đô Wellington của New Zealand cũng có tên trong top đầu với vị trí thứ 4.
Economist Intelligence Unit đánh giá 140 thành phố trên toàn thế giới dựa trên 5 tiêu chí: Sự ổn định, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Thứ hạng cao của hai thành phố New Zealand đến từ sự thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Các biện pháp phong tỏa cứng rắn của New Zealand giúp nước này có thể tái mở cửa. Người dân các thành phố như Auckland và Wellington có thể tận hưởng cuộc sống như trước khi đại dịch bùng phát”, bà Upasana Dutt, trưởng nhóm đánh giá xếp hạng của EIU, nhận xét, theo Financial Times.
Nơi thực sự đáng sống
Thứ hạng này làm nhiều người dân Auckland nói riêng và New Zealand nói chung bất ngờ. Họ chỉ ra cuộc khủng hoảng nhà đất mà thành phố đang phải trải qua, tắc đường và mức lương thấp. Theo báo cáo của Demographia tháng 2/2021, Auckland là thành phố có giá nhà cao thứ 4 thế giới.
Auckland đã được đánh giá là thành phố đáng sống nhất thế giới trong năm 2021. Ảnh: Quint. |
Tuy nhiên, so với bất cập trên, các thành phố ở châu Âu và Canada - vốn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các năm trước - bị tụt lại do áp lực với hệ thống y tế và sự giãn cách xã hội gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Trái ngược với tình cảnh này, 1,7 triệu cư dân Auckland có cuộc sống tương đối thoải mái. Họ có thể đến sân theo dõi các trận đấu bóng bầu dục, đi nghe ca nhạc và tham gia các hình thức giải trí khác trong cả năm qua.
Trường học vẫn mở cửa, nhờ quyết định đóng cửa đất nước và giãn cách xã hội của giới chức New Zealand khi nước này mới có chưa đầy 2.700 ca mắc Covid-19.
Tính đến ngày 11/6, New Zealand trải qua 104 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Thành công của New Zealand giúp nền kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm 2021. Tỉ lệ thất nghiệp của xứ kiwi đang là 4,7%.
Đại dịch cũng giúp ngành công nghiệp điện ảnh ở New Zealand bùng nổ, khi các nhà sản xuất và ngôi sao màn bạc đến đây để đảm bảo an toàn và có cuộc sống thoải mái, không chịu tác động của các lệnh phong tỏa.
Đạo diễn lừng danh James Cameron đang quay các phần kế tiếp của bom tấn Avatar ở New Zealand. Loạt phim truyền hình Chúa tể của những chiếc nhẫn cũng được ghi hình tại quốc gia này.
Đạo diễn lừng danh James Cameron bày tỏ sự thích thú với cuộc sống ở New Zealand trong đại dịch. Ảnh: Daily Mail. |
Chính phủ New Zealand cho phép nhân sự thiết yếu của đoàn làm phim miễn cách ly khi nhập cảnh. Ngành công nghiệp sản xuất phim có thể đem về cho New Zealand hơn 500 triệu USD trong năm 2021, theo Ủy ban Điện ảnh New Zealand.
Vợ chồng đạo diễn James Cameron đang sinh sống tại New Zealand. Họ không ngần ngại bộc lộ tình yêu với đất nước này.
“New Zealand đã cho thế giới thấy một phương pháp khác. Đó là trách nhiệm với cộng đồng, khi bạn là một phần của cả nhóm, bạn có thể hy sinh vì người khác”, đạo diễn lừng danh chia sẻ.
Thách thức còn đó
Từ khi đại dịch bùng phát, hơn 40.000 công dân New Zealand sinh sống ở nước ngoài đã hồi hương .
“Tôi luôn có ý định trở lại quê hương. Đây là một phần của “tư duy Kiwi”, đi ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và mang chúng về quê hương”, Jane Henley, người bỏ việc tại trụ sở Ngân hàng Thế giới ở Washington, Mỹ để trở về Auckland khi đại dịch bùng phát, cho biết.
Henley cho biết cô trở về New Zealand sớm hơn dự tính vì quan ngại với luật về súng đạn ở Mỹ. Cô hoàn toàn không hối tiếc. Auckland có văn hóa hữu nghị, gần với thiên nhiên và phong cách sống thoải mái.
Tuy vậy, Henley cũng thừa nhận Auckland vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ giao thông, nhà ở đến thu nhập của người dân.
Giá nhà ở Auckland khá đắt đỏ so với thu nhập của một bộ phận người dân. Ảnh: Newshub. |
"Giá nhà ở đây ngang với London và New York, ít nhất là so với mức lương”, cô nói. Giá nhà ở Auckland đã tăng 21% kể từ đầu năm 2021. Một căn nhà trung bình có giá khoảng 934.000 USD, theo công ty định giá tài sản QV.
New Zealand đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà, với 22.000 người đang chờ nhận nhà ở xã hội. Tình trạng vẫn chưa được giải quyết dù Thủ tướng Jacinda Ardern cam kết xử lý vấn đề khi tranh cử năm 2017.
“Sự thật là thành phố chúng ta bị chia làm hai phần”, ông Jan Rutledge, tổng giám đốc của dịch vụ nhà ở De Paul ở Auckland, nhận xét.
“Đây là thành phố tuyệt đẹp với những người có nhà cửa và công việc ổn định. Tuy vậy, đối với những người không sở hữu hai điều trên, cuộc sống không dễ dàng”, ông Rutledge nói.